Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Khắc phục vướng mắc trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
(ĐN) - Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 6-6, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc.
Vấn đề chậm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm chất vấn.
* Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện chậm
Đại biểu Dương Văn Phước (ĐBQH tỉnh Quảng Nam) nêu ý kiến: Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ quản trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhưng sau 3 năm triển khai chương trình vẫn rất chậm (về giải ngân); Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp trong thời gian tới?
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tốc Hầu A Lềnh cho biết, tiến độ giải ngân của Chương trình mục tiêu quốc gia, nếu tính theo năm kế hoạch thì đến năm nay là chậm.
Lý giải về sự chậm trễ, Bộ trưởng nói nguyên nhân chủ yếu là do những vướng mắc về thể chế. Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan trong 2 năm qua đã tập trung giải quyết gỡ vướng về thể chế, các văn bản hướng dẫn.
Bộ trưởng cũng cho hay, còn một số ít văn bản chưa hoàn thiện, Ủy ban Dân tộc sẽ cùng với các bộ, ngành sớm hoàn thiện. Hiện nay, còn việc sửa đổi Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đang xin ý kiến các thành viên Chính phủ và 16 thành viên Chính phủ đã cho ý kiến xong. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sẽ ban hành trước ngày 15-6.
Sau khi Nghị định 27 ban hành, Ủy ban Dân tộc sẽ sửa đổi và ban hành mới Thông tư số 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 bắt đầu từ năm 2021-2025.
Trả lời chất vấn của đại biểu Mai Văn Hải (ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) đề nghị làm rõ đâu là vướng mắc lớn nhất và hướng khắc phục trong thời gian tới trong triển khai một số dự án và tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia là khó khăn nhất và chia sẻ với những trăn trở của tất cả các cấp, các ngành, các đại biểu bởi chương trình rộng lớn và nằm ở địa bàn khó khăn, phức tạp.
Theo Bộ trưởng, các dự án, các chính sách được tích hợp vào chương trình bao gồm cả chính sách của giai đoạn trước còn hiệu lực. Trăn trở lớn nhất hiện nay là quá trình triển khai trên thực địa bởi có những dự án triển khai cụ thể đến tận thôn, bản, từng gia đình.
Bộ trưởng cho biết, về mặt thể chế, cơ bản các văn bản hướng dẫn đã ban hành đầy đủ, tuy nhiên không tránh khỏi trong thực tế có những vấn đề phát sinh. Do đó, Trung ương sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho địa phương.
* Khắc phục tình trạng thiếu đất ở, đất canh tác cho đồng bào dân tộc thiểu số
Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)) về những khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, việc phân định này được thực hiện qua 2 giai đoạn, với mục tiêu thực hiện phân định theo trình độ phát triển, xác định các thôn, xã đặc biệt khó khăn để làm địa bàn đầu tư tập trung trọng tâm trọng điểm.
Trong quá trình phân định thuộc 2 giai đoạn này, Ủy ban Dân tộc được giao chủ trì, tham mưu Chính phủ xác định các tiêu chí. Từ 1996 đến nay, các chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng trên tinh thần đầu tư ở vùng đặc biệt khó khăn nhất theo tiêu chí phân định khu vực theo trình độ phát triển.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, quá trình phân định dựa trên một số tiêu chí: những xã, thôn có 15% dân số trở lên là người dân tộc thiểu số là xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xã có tỷ lệ hộ nghèo 15% trở lên là xã nghèo. Những xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 15% không còn là xã nghèo nữa.
Về tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg, các xã không còn là vùng đặc biệt khó khăn nữa không được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư của giai đoạn 2016-2020, đã có tác động, ảnh hưởng đến 12 chính sách. Chính phủ đã giao các bộ, ngành điều chỉnh, sửa đổi một số quy định, thông tư có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách bảo hiểm với người dân tộc thiểu số.
Về tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, khắc phục tình trạng du canh, du cư tự phát, chặt phá rừng, Bộ trưởng Hầu A Lềnh khẳng định đây là vấn đề lớn xuất phát từ nhu cầu thực tế. Khi xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia và qua quá trình rà soát và báo cáo của các địa phương, cũng như số liệu thống kê đến năm 2019 cho thấy trên 24 nghìn hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở và trên 43 nghìn hộ thiếu đất canh tác.
Ủy ban Dân tộc đã nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Quyết định 1719/QĐ-TTg, trong đó có đề ra chỉ tiêu, mục tiêu rất cụ thể là đến năm 2025 sẽ giải quyết được 60% nhu cầu đất ở cho người dân; 40% còn lại sẽ được giải quyết dần trong giai đoạn 2026 - 2030…