Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Tìm giải pháp để khoa học công nghệ phát triển bứt phá
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa chất vấn Bộ trưởng KH&CN. Ảnh: QUỐC LUÂN
Sáng 7/6, Quốc hội tiếp tục phiên làm việc tại hội trường với chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt về chính sách và thực trạng việc ứng dụng KH&CN được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.
Theo các đại biểu, thị trường KH&CN của Việt Nam hiện nay vẫn còn hạn chế, thời gian tới cần tập trung thực hiện giải pháp căn cơ nào để phát triển thị trường KH&CN. Trong đó, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) tranh luận về sự thiết hụt các nhà khoa học đầu ngành. Đại biểu cho rằng cốt lõi trong phát triển KH&CN phải là vấn đề nhân tài, nhà khoa học đầu ngành. Báo cáo của Bộ KH&CN nêu, đội ngũ cán bộ KH&CN có tăng nhưng thiếu các nhà khoa học đầu ngành. Đây là vấn đề không mới nhưng vẫn rất nhức nhối. Đại biểu băn khoăn, Bộ KH&CN có thống kê trong các lĩnh vực khoa học của nước ta, các trường, các viện, những lĩnh vực nào thiếu bao nhiêu các nhà khoa học đầu ngành; những lĩnh vực nào có những nhà khoa học đầu ngành. Nếu không có sự cặn kẽ, chi tiết như vậy thì sau này, khi ra nghị quyết mới hoặc lần sau chất vấn thì vấn đề thiếu hụt các nhà khoa học đầu ngành lại tiếp tục nêu lên như mới. Khoa học cần những sản phẩm cụ thể, cần những giải pháp cặn kẽ, đi vào cuộc sống.
Trả lời chất vấn các đại biểu, Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt thừa nhận còn nhiều hạn chế trong phát triển thị trường KH&CN, nhất là khi các cơ chế chưa thực sự được phát huy và khó tiếp cận đối với doanh nghiệp. Các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ đi kèm chưa hiệu quả. Ngoài ra, nguồn lực từ ngân sách, từ doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động này còn khiêm tốn; cơ sở hạ tầng, kỹ thuật còn hạn chế, đặc biệt là đối với các công nghệ tiên tiến.
Về giải pháp liên quan đến cơ chế chính sách, bộ trưởng cho hay, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh các cơ chế và bộ cũng sẽ trực tiếp điều chỉnh các quy định phù hợp hơn với thực tiễn; cùng với đó là việc thúc đẩy chương trình về tìm kiếm, chuyển giao làm chủ công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.
Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt chia sẻ các đề tài nghiên cứu đều có rủi ro và có độ trễ, không phải lúc nào cũng có kết quả và cũng có thể chuyển giao nghiên cứu vào ứng dụng ngay. Bởi công tác chuyển giao thương mại hóa đưa vào ứng dụng không phải nhiệm vụ chính của các nhà khoa học, mà là nhiệm vụ của các đơn vị trung gian kết nối các viện, các trường với các doanh nghiệp.
Ngoài ra, các đại biểu còn chất vấn Bộ trưởng KH&CN về thực trạng việc ứng dụng KH&CN trong thực tiễn, đề nghị bộ trưởng cho biết trong 5 năm qua, trong số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng, trong đó có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực? Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay, hoạt động KH&CN có nhiều tính đặc thù. Bản chất nghiên cứu là đi tìm những cái mới cho nên có thể thành công, có thể thất bại, có thể thành công sớm hoặc muộn. Do đó, việc tính toán cụ thể là có bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng rất khó để xác định cụ thể.
Theo bộ trưởng, quan trọng là chúng ta xác định được những kết quả đó trước hết đã phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phục vụ cho việc nâng cao năng lực nghiên cứu của đội ngũ các nhà khoa học, đóng góp vào việc nâng cao uy tín của các viện nghiên cứu, các trường đại học.
Về giải pháp bứt phá về KH&CN, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, có nhiều giải pháp nhưng trước tiên giải pháp quan trọng là đầu tư cho nghiên cứu KH&CN, đổi mới sáng tạo. “Việc đầu tư về kinh phí cũng như về nguồn lực, về cơ chế chính sách làm sao để nhà khoa học có điều kiện và tâm thế sẵn sàng cống hiến cho khoa học. Tôi rất tin tưởng năng lực các nhà khoa học của chúng ta hiện nay. Nếu đầu tư đúng mức, được tạo điều kiện thích hợp thì sẽ phát huy được năng lực của họ, đó là điều kiện rất quan trọng”, bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng trong ngày 7/6, các ĐBQH chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh về nhóm vấn đề lĩnh vực dân tộc thuộc trách nhiệm của ủy ban này.
Trước đó, ngày 6/6, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung liên quan đến Chỉ thị 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
BTV (tổng hợp) - QUỐC LUÂN