Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh đóng góp ý kiến thảo luận liên quan đến các luật về lưu trữ, cảnh vệ, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Sáng 24/5, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tham gia thảo luận tại hội trường về Luật Lưu trữ (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường về Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường về Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 8 chương với 65 điều, bám sát mục tiêu, quan điểm đề ra khi xây dựng dự án luật, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011. Các ý kiến ĐBQH phát biểu tại hội trường cơ bản nhất trí với những nội dung đã được tiếp thu, điều chỉnh và nêu ý kiến đề xuất, bổ sung thêm để làm rõ hơn các điều, khoản quy định trong dự thảo luật.

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại hội trường về Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại hội trường về Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh cơ bản nhất trí với dự thảo luật đã được tiếp thu và có ý kiến vào 2 nội dung, cụ thể: tại khoản 3 áp dụng Luật Lưu trữ và pháp luật liên quan có quy định, “trường hợp tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia hoặc công nhận, ghi danh hình thức khác theo quy định của Luật Di sản văn hóa và luật khác có liên quan thì ngoài việc thực hiện theo quy định của luật này, còn phải thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa và luật khác có liên quan”, nội dung này đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc sửa thành “trường hợp tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt được công nhận là bảo vật quốc gia hoặc được xác định là một trong những loại hình di sản văn hóa thì phải thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa”.

Về yêu cầu đối với hồ sơ, tài liệu nộp lưu trữ thì có quy định tại điểm a và d khoản 4 điều 17 của dự thảo luật có quy định “tài liệu được nộp là bản gốc, bản chính, trường hợp không còn bản gốc, bản chính thì được thay thế bằng bản sao hợp pháp. Đối với hồ sơ giấy phải đáp ứng yêu cầu tại điều 28 và đối với hồ sơ điện tử phải đảm bảo yêu cầu theo điều 36 của luật này”, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm quy định về trường hợp hồ sơ gồm cả bản giấy và một phần tài liệu dưới dạng văn bản điện tử như quy định tại khoản 1 điều 5 của Nghị định 30 về công tác văn thư. Theo đó, các văn bản điện tử được coi có giá trị như bản gốc bản giấy, vì vậy, các văn bản điện tử hiện nay tại các cơ quan nhà nước đã ký số thì không còn chữ ký tươi trên bản giấy nữa. Do đó, cần thiết xem xét điều chỉnh bổ sung quy định cho phù hợp với thực tiễn.

Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Tại thảo luận của tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk đã có 10 ý kiến phát biểu, ĐBQH các tỉnh cơ bản đồng tình với nội dung của 2 dự thảo luật được đưa ra thảo luận.

Quang cảnh cuộc thảo luận tại tổ 13

Quang cảnh cuộc thảo luận tại tổ 13

Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn có 3 đại biểu phát biểu ý kiến gồm: Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh và 2 đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Chu Thị Hồng Thái. Theo đó, các đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo 2 luật này. Đối với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), đại biểu tỉnh Lạng Sơn đề nghị ban soạn thảo rà soát, giải thích rõ hơn một số từ ngữ quy định tại một số điều, khoản của dự thảo luật để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với các luật khác như: Luật Giám định tư pháp, Bộ luật Hình sự; nhất là Luật Công nghiệp quốc phòng an ninh sắp thông qua; đề xuất xem xét bỏ Điều 2 dự thảo Luật quy định đối tượng áp dụng là “Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ” do đối tượng điều chỉnh không có quy định về đối tượng cá biệt.

Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ

Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ

Theo các đại biểu tỉnh Lạng Sơn, dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) chưa có quy định riêng về chính sách của Nhà nước đối với vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Do đó, đề nghị xem xét bổ sung 01 điều quy định về vấn đề này. Bên cạnh đó, theo Báo cáo số 133/BC-BCA-C06 ngày 16/01/2024 của Bộ Công an tổng kết 5 năm thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (trang 17) thì “Một bộ phận Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nên chưa thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật trong lĩnh vực này”. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa…

THANH HUYỀN -VP.ĐOÀN ĐBQH&HĐND tỉnh

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/ky-hop-thu-7-quoc-hoi-khoa-xv-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-dong-gop-y-kien-thao-luan-lien-quan-den-cac-lua-5009553.html