Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Phát huy giá trị văn hóa, khai thác tiềm năng du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, trong tuần làm việc thứ 3 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã trao đổi, cho ý kiến đối với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác lập pháp, đồng thời, chất vấn các trưởng ngành về các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, công thương, văn hóa, thể thao, du lịch và kiểm toán. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, khai thác tiềm năng du lịch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn các ĐBQH ngày 5/6. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn các ĐBQH ngày 5/6. Ảnh: quochoi.vn

Phát huy vai trò của chủ thể trong bảo tồn văn hóa

Vấn đề được các ĐBQH quan tâm chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng là làm thế nào để bảo tồn văn hóa truyền thống, nâng cao hơn nữa chất lượng của các thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi, phát triển và bảo tồn di sản...

Trả lời các vấn đề ĐBQH nêu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, các thiết chế được đầu tư, xây dựng ở đồng bào dân tộc không xây thì đang thiếu, nhưng xây thì sử dụng thế nào cho hiệu quả? Bất cập này Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận thấy và đề xuất thời gian tới cần có giải pháp mang tính chất căn cơ. Bộ trưởng cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội rà soát lại để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để có điều kiện tổ chức thực hiện, nhất là phát huy đầu tư công của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Bởi vì thiết chế văn hóa là điều kiện cần và đủ để hình thành môi trường văn hóa. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, tập trung các nguồn lực, ngoài nguồn lực Nhà nước thì huy động thêm các nguồn lực khác để xây dựng, trong đó có nguồn lực nhân dân đồng thuận, điều này trở thành tài sản của nhân dân. Có như vậy mới phát huy được tác dụng.

Đối với vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở vùng đồng bào DTTS, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong Chương trình mục tiêu quốc gia có dự án số 06 về vấn đề này. Bộ đã tập trung khảo sát, nhận diện, đánh giá và công nhận các di tích, di sản, loại hình văn hóa cơ sở. Đây là điều quan trọng để bảo tồn các giá trị văn hóa. Đồng thời, Bộ cũng có các hoạt động tôn vinh các ngày văn hóa; liên hoan văn hóa đồng bào dân tộc để giao lưu, trao đổi văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất cho các nhà văn hóa; tập huấn cho cán bộ văn hóa cơ sở.

Các đại biểu cũng nêu hiện tượng thương mại hóa, lạm dụng trẻ em tại các phiên chợ vùng cao đã làm mai một và biến tướng nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Cụ thể, hiện nay, ở các phiên chợ vùng cao vẫn diễn ra nhiều trẻ em nhảy múa, biểu diễn giữa trời mưa, thời tiết rất lạnh để xin tiền du khách. Trong đó, nhiều trẻ em không được đi học nên quyền trẻ em không được bảo vệ. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, mỗi dân tộc có phong tục, tập quán và nét đẹp riêng. Vấn đề mà đại biểu nêu có thể là lợi dụng việc này, cố ý làm sai. Những ai lợi dụng nó để làm biến tướng thì cần phải xử lý. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất giải pháp là cần tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân vùng DTTS - chủ thể văn hóa biết tôn trọng, phát huy và bảo tồn văn hóa của chính dân tộc mình từ phong tục, tập quán đến cách ứng xử. Đồng thời, cần có chế tài để xử lý nghiêm minh việc lợi dụng vấn đề này để đưa vào khuôn khổ. Như vậy mới hạn chế, khắc phục được tình trạng lợi dụng trẻ em như đại biểu đề cập.

Xây dựng sản phẩm du lịch gắn với di tích, di sản

Các đại biểu đặt vấn đề, thực tế, nhiều di sản đã được khai thác tối đa giá trị kinh tế khiến nhiều điểm tham quan di tích quá tải, lộn xộn, nhất là vào dịp lễ hội đầu năm. Các di sản văn hóa khi trở thành sản phẩm du lịch đều trải qua quá trình hàng hóa hóa di sản, quá trình này diễn ra không theo mùa vụ, không theo chu kỳ hoạt động mà chủ yếu đáp ứng nhu cầu của du khách. Vậy giải pháp nào để xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội?

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các DTTS bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Ảnh: Bích Nguyên

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các DTTS bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Ảnh: Bích Nguyên

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến công tác bảo tồn di tích, di sản, đề cao trách nhiệm bảo vệ các di tích, di sản… Chính vì vậy, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã tiếp tục được hoàn thiện và sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp lần này… Đối với các di tích, di sản được công nhận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, bao giờ chính quyền địa phương - nơi được giao trách nhiệm quản lý đều có chương trình hành động đi kèm để bảo vệ các di tích, di sản. Theo Bộ trưởng, giải pháp căn cơ cho vấn đề này là chúng ta phải tôn trọng các cam kết, các phương án bảo vệ di tích, di sản sau khi được công nhận, phát hành cam kết; tổ chức thực hiện nghiêm để điều này đi vào trong tiềm thức và sẽ không lợi dụng các di tích, di sản, làm xấu đi hình ảnh của các di tích, di sản... Bên cạnh đó, khi các di sản được công nhận, tôn vinh rồi, chúng ta cũng cần biết khai thác nó một cách hợp lý, xây dựng được các sản phẩm gắn liền với di tích, di sản có tính văn hóa…

Về các giải pháp đảm bảo du lịch vùng miền núi ở Tây Nguyên nói riêng và khu vực nông thôn nói chung, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 922/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã giao trách nhiệm cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét nội dung này. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tích cực phối hợp, trong đó, xác định gói sản phẩm du lịch ở lĩnh vực này là dựa trên tài nguyên văn hóa đặc sắc tiêu biểu để thiết kế. Trước mắt, xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, phù hợp với tập quán, phù hợp với khả năng điều hành và đặc biệt là tính lan tỏa cộng đồng trong đoàn kết của đồng bào. Một số mô hình đã thành công như ở Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đắk Nông…

Bộ trưởng khẳng định, du lịch ở các vùng đồng bào DTTS đã bắt đầu đi đúng hướng; có rất nhiều sản phẩm độc đáo để thu hút du khách, tuy vậy, chúng ta cũng đang đứng trước một số bất cập và được các bộ, ngành nhìn nhận rõ liên quan đến quy hoạch, liên quan đến một số luật như Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai… Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp; Chính phủ cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn triển khai Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có quy định về đất đa mục đích - đây là cơ sở để phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương khi thực hiện các mô hình này cần linh hoạt, không quá cứng nhắc, đảm bảo an ninh trật tự, cho phép khai thác chu kỳ các loại hình sản phẩm này.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ky-hop-thu-7-quoc-hoi-khoa-xv-phat-huy-gia-tri-van-hoa-khai-thac-tiem-nang-du-lich-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post476791.html