Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Tiếp tục thảo luận vấn đề giảm giờ làm, tăng tuổi nghỉ hưu…

Giảm giờ làm, tăng tuổi nghỉ hưu… là những vấn đề 'nóng' được các Đại biểu Quốc hội quan tâm và sẽ tiếp tục thảo luận để hoàn thiện dự án Bộ luật Lao động sửa đổi tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trao đổi bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trao đổi bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Cần có đánh giá tác động

Sáng 23/10, Quốc hội tiếp tục đưa ra thảo luận ở hội trường để tiếp thu hoàn thiện dự án Bộ luật Lao động sửa đổi.

Trong Dự thảo Luật, nhiều chính sách được đề xuất như: Chính sách tăng giờ làm nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều doanh nghiệp, người lao động muốn tăng thu nhập; đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu để ứng phó với tình trạng già hóa dân số và nguy cơ mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội; quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động… Đây là những vấn đề đang được các Đại biểu Quốc hội và cử tri đặc biệt quan tâm, và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đưa ra lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện Dự thảo Luật. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi.

Trao đổi bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu TP. Hà Nội cho rằng: “Phương án giảm giờ làm việc bắt buộc từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần vừa có thể khuyến khích doanh nghiệp tăng năng suất lao động, vừa bảo đảm lợi ích cho người lao động. Trong xu thế phát triển như hiện nay, giảm giờ làm bắt buộc là một đề xuất khá phù hợp. Khi giảm thời gian làm việc bắt buộc thì nên mở rộng làm thêm giờ, tạo sự lựa chọn cho các ngành, lĩnh vực để bảo đảm thời gian làm việc nhiều hơn”.

Khẳng định việc đề xuất giảm giờ làm từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần là nguyện vọng của công đoàn và hoàn toàn đúng đắn, đại biểu Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Để thống nhất, cần tiến hành đánh giá tác động, phải lấy ý kiến của cả chủ sử dụng lao động và người lao động. Qua việc lấy ý kiến cho thấy, chủ sử dụng lao động chưa muốn giảm thời gian làm từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần, hầu hết muốn Chính phủ có lộ trình, bước đi để chuẩn bị lực lượng lao động. Bên cạnh đó, một số người lao động cũng băn khoăn việc giảm đi 4 giờ/tuần (208 giờ/năm), đồng nghĩa với việc thu nhập của họ cũng giảm đi nên họ chưa muốn. Giữa 2 luồng ý kiến chưa thật sự đồng thuận, nên có bước đánh giá tác động và nếu được, Chính phủ nên đặt ra lộ trình giảm dần từ năm 2021- 2026”.

Không chỉ còn những tranh cãi về giờ làm bắt buộc, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nhất là tuổi nghỉ hưu cho khối lao động trực tiếp, nặng nhọc. Tuy nhiên khối này về cơ bản vẫn giữ nguyên là nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi; những đối tượng nâng tuổi nghỉ hưu trong nhóm sản xuất chỉ là nhóm nhỏ những người lao động quan lý doanh nghiệp, khối gián tiếp.

Bên cạnh đó, vấn đề thêm một ngày nghỉ trong năm cũng chưa thống nhất. Tại kỳ họp thứ 7, Chính phủ đã trình thêm một ngày nghỉ lễ trong năm dự kiến là ngày 27/7, nhưng khi các đại biểu Quốc hội phát biểu không đồng tình, Chính phủ đã xin rút. Tuy nhiên, rất nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng cần phải thêm 1 ngày nghỉ lễ và nhiều người đề xuất đó là ngày 28/6 - Ngày Gia đình Việt Nam.

“Vấn đề này Ủy ban thường vụ Quốc hội đang xin ý kiến các đại biểu Quốc hội. Hoặc thêm một ngày nghỉ hoặc không thêm và đang hướng vào ngày 28/6. Đây là vấn đề Quốc hội hoàn toàn có thể quyết định, đề xuất. Cá nhân tôi thấy khoảng thời gian từ 1/5 đến tháng 9 trong năm, số ngày nghỉ lễ của chúng ta đang rất ít, vì thế việc lựa chọn vào ngày 28/6 là hợp lý hơn”, đại biểu Bùi Sĩ Lợi bày tỏ quan điểm.

Sẽ cố gắng để thông qua trong kỳ họp này

Hiện nay vẫn còn các ý khác nhau giữa chủ sử dụng lao động và người lao động trong việc thống nhất một số chính sách của Luật Lao động sửa đổi. Đây là vấn đề để cho các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận và nếu thuận lợi, 2 bên thỏa thuận được thì sẽ thống nhất.

“Quan điểm cá nhân tôi là khi sửa Bộ Luật Lao động, phải đảm bảo hài hòa lợi ích của cả chủ sử dụng và người lao động bởi mục tiêu của chúng ta hiện nay đang là xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hòa và tiến bộ. Vấn đề quan trọng là các bên đồng thuận thì xã hội sẽ chấp nhận ngay” đại biểu Bùi Sĩ Lợi chia sẻ.

Theo đó, Bộ luật Lao động cũng cần lắng nghe ý kiến của các bên và tại kỳ họp lần này, các bên sẽ có ý kiến, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng hợp lại và sẽ đi đến thống nhất.

Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, phải đưa ra các lựa chọn bởi đây là một đạo luật lớn, lại có quan hệ cả chủ và thợ, vì thế để tạo ra sự đồng thuận cao là rất ít, cho nên phải cố gắng làm sao để tạo ra sự đồng thuận quá bán và có lợi chung nhất.

“Sau khi giải trình, tiếp thu, chúng tôi đã nhìn ra 10 nội dung có lợi cho người lao động và 6 nội dung có lợi cho chủ sử dụng lao động. Trên tinh thần tương đồng về mặt lợi ích giữa các bên, trường hợp nào bất khả kháng cho đến phút chót mà các bên chưa thể thỏa hiệp được với nhau theo hướng chia sẻ thì đưa ra 2 phương án để lấy ý kiến.

“Phải cố gắng thông qua Luật trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vì Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới, trong đó có 2 hiệp định quan trọng là hiệp định đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP và Hiệp định thương mại Việt Nam- EU đòi hỏi chúng ta phải sửa đổi Bộ luật Lao động để đáp ứng với yêu cầu quốc tế và đáp ứng quyền lợi hợp pháp của người lao động trong Hiến pháp 2013 và khắc phục những tồn tại của Bộ luật Lao động trong 6 năm vừa qua, đại biểu Bùi Sĩ Lợi cho biết.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xiv-tiep-tuc-thao-luan-van-de-giam-gio-lam-tang-tuoi-nghi-huu-20191022230816714.htm