Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn
Chiều 12-11, tại nghị trường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ làm rõ các nhóm vấn đề có liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ.
Quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Đề cập đến đầu tư công, Thủ tướng khẳng định đây là một trong những động lực tăng trưởng; vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, ban hành nhiều văn bản thúc đẩy phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình giải ngân còn chậm; 10 tháng giải ngân đạt 52,29%, trong khi cùng kỳ năm 2023 là 56,74%; giải ngân vốn ODA chỉ đạt 27,88%; có 29 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình cả nước.
Nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan còn rườm rà, chồng chéo; vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư. Thiếu nguồn cung ứng vật liệu; công tác chuẩn bị dự án chưa tốt; sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc có nơi, có lúc còn thiếu quyết liệt, sâu sát, nhất là vai trò của người đứng đầu. Năng lực quản lý, điều hành của nhiều ban quản lý dự án còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ. Kỷ luật, kỷ cương có nơi chưa nghiêm; còn tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm…
“Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 đảm bảo”, phấn đấu năm 2024 giải ngân trên 95% kế hoạch”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
Nỗ lực cân đối nguồn lực chi cho xóa nhà tạm
Nhiều đại biểu đặt vấn đề “nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát đang hết sức cấp bách” và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết rõ giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ này trong năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, việc xóa nhà tạm, nhà dột là một chủ trương lớn, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chỉ đạo. Hiện nay, nước ta còn hơn 300.000 hộ có nhà dột nát, trong đó có cả những người có công với cách mạng, đối tượng của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các hộ nghèo, cận nghèo.
Nhấn mạnh quyết tâm rất cao xóa hết nhà dột, nhà tạm trong năm 2025, Thủ tướng cho rằng cần thành lập Ban Chỉ đạo từ Trung ương tới cơ sở để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động và sử dụng nguồn lực. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ vướng mắc về đất đai, thực hiện nguyên tắc “không có tranh chấp là có thể triển khai được”. Về huy động nguồn lực, cần đa dạng hóa nguồn lực. Lực lượng Quân đội và Công an cũng sẵn sàng nhân lực và nguồn lực để cùng triển khai. Chính phủ nỗ lực cân đối để có nguồn lực chi cho chương trình lớn này.
Đối với câu hỏi về giải pháp căn cơ, dài hạn để phòng, chống thiên tai, bão lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng cho rằng, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này. “Tuy nhiên, các diễn biến của thời tiết rất cực đoan, đây là vấn đề có tính chất toàn cầu, toàn dân, toàn diện, ta cần đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế, kêu gọi sự giúp đỡ, chung tay của toàn cầu để cùng thực hiện”, Thủ tướng chỉ rõ.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng liên quan đến chống biến đổi khí hậu, hoàn thiện thể chế phù hợp với tình hình thực tế. Trong huy động nguồn lực, cần có nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực hỗ trợ của các đối tác, nguồn vốn vay. Hiện nay, các nguồn lực đang được ưu tiên bố trí cho vấn đề này. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực quản trị trong ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao tính tự lực, tự cường của các địa phương.
Phát triển mạnh điện gió ngoài khơi
Về bảo đảm cung ứng điện trước mắt và lâu dài, Thủ tướng Chính phủ cho biết, thời gian tới, dự báo nhu cầu điện tăng nhanh, trong đó năm 2025 tăng khoảng 12-13% và những năm sau còn cao hơn nữa. Chính phủ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ quy định pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng nguồn điện. Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh và vận hành linh hoạt, có khả năng tự động hóa cao. Tập trung hoàn thành thủ tục, khởi công và đưa vào vận hành các dự án điện lớn, quan trọng. Tăng cường các biện pháp tiết kiệm năng lượng và quản lý nhu cầu điện. Rà soát tháo gỡ các dự án điện tái tạo đã đầu tư có vướng mắc pháp lý và bảo đảm định giá đúng, đủ, hợp lý để khuyến khích phát triển các nguồn điện. Đảm bảo đủ hạ tầng, nhiên liệu cho sản xuất điện.
“Về dài hạn, để đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, Chính phủ đã và đang đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi... Đã trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện. Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội quan tâm, chia sẻ, phối hợp với Chính phủ nâng cao chất lượng và xem xét thông qua tại Kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn pháp lý”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
B.T – TTXVN
Thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
Chiều 12-11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2025, với 424/426 đại biểu tán thành. Trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7% và phấn đấu khoảng 7-7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 đô-la Mỹ (USD); tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%. Một số chỉ tiêu khác cũng được thông qua như: Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,3-5,4%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 25-26%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 29-29,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
B.T
Sẽ yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải thỏa thuận với các cơ quan báo chí
Ngày 12-11, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Tham gia chất vấn, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết có cần sự hợp tác giữa báo chí và các nhà mạng xã hội trong quan hệ kinh tế, quảng cáo theo hướng cùng chia sẻ lợi ích hay không? Nếu có thì cần hành lang pháp lý như nào để thực hiện hiệu quả mối quan hệ này?
Về câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, hầu hết các cơ quan báo chí đều có tài khoản và trang trên các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận độc giả. Theo Bộ trưởng, hiện có ý kiến đề xuất cho phép các cơ quan báo chí đăng tải thông tin trước trên mạng xã hội, thay vì chỉ được phép sau khi đăng trên phương tiện truyền thông chính. Chính phủ đang xem xét các quy định mới, yêu cầu các nền tảng mạng xã hội khi sử dụng các sản phẩm báo chí phải thỏa thuận với các cơ quan báo chí.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn ví dụ tại Australia có quy định yêu cầu chia sẻ doanh thu về vấn đề này, nếu không đàm phán được doanh số thì cơ quan Nhà nước sẽ vào cuộc. Bộ trưởng cho rằng cơ quan báo chí nên coi các nền tảng mạng xã hội là đối tượng hợp tác nhiều hơn là đối tượng cạnh tranh, nếu thực hiện được thì đây là một hướng đi rất tốt.