Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV: Bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia
Ngày 11/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội làm việc tại hội trường để tiến hành công tác nhân sự và quyết định một số vấn đề quan trọng.
Đại biểu Phan Thành Công (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) tham gia thảo luận tại tổ. Ảnh: CTV
Theo đó, buổi sáng, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách Ban kiểm phiếu bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Kết quả, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội đã phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ; miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải. Trước đó, ông Vương Đình Huệ được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội và bà Nguyễn Thanh Hải được Bộ Chính trị chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên.
Cũng trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ 5 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Sơn La, Tây Ninh và thành phố Đà Nẵng.
Tham gia thảo luận ở tổ về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đại biểu Phan Thành Công (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng, việc tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp từ các vấn đề môi trường của dự án được tiến hành dưới hình thức họp cộng đồng dân cư là cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế đểviệc tham vấn trở nên thực chất, luật cần quy định cụ thể hơn nội dung tham vấn, thời hạn thời hạn gửi tài liệu tham vấn đủ dài, chẳng hạn như trước thời điểm họp 3 ngày để người dân, nhất là những hộ trực tiếp bị ảnh hưởng có điều kiện tham vấn được tốt hơn.
Đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục bổ sung quy định về kiểm soát chất lượng không khí tại các thành phố lớn; bổ sung quy định khuyến khích người dân khởi kiện trong trường hợp đối với các hành vi ô nhiễm môi trường do các tổ chức, cá nhân gây ra như: hỗ trợ tư vấn về mặt pháp lý; hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, kinh phí khởi kiện.
Cùng tham gia thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng dự thảo luật đã tích hợp nhiều luật liên quan đến bảo vệ môi trường, có nhiều điều khoản mới chưa rõ, chưa cụ thể (nhất là quy định kiểm toán môi trường), ban soạn thảo cần có sự giải trình để hiểu rõ hơn về luật. Đại biểu đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ, ví dụ như tầng "ô zôn", "hiệu ứng nhà kính"; cần có sự đánh giá, quy định về sức chịu tải của môi trường không khí (trong Quy định chung về bảo vệ môi trường không khí)...
Tham gia thảo luận ở tổ về Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đại biểu Bùi Văn Phương (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh) đã góp ý về quy định thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo đại biểu, nên giao thẩm quyền do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định để đảm bảo tính thực tiễn cũng như đáp ứng yêu cầu phân cấp, phân quyền. Ngoài ra, đại biểu góp ý cụ thể về các quy định tại điều 79 của dự thảo luật.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.
Cuối phiên họp buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội về: Phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; Dự kiến nhân sự bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Mai Lan