Kỳ họp thứ hai mươi, HĐND thành phố Hồ Chí Minh: 'Nóng' các vấn đề dân sinh

Ngày 10-7, kỳ họp thứ hai mươi, HĐND thành phố Hồ Chí Minh khóa IX bước vào ngày làm việc thứ hai. Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội của thành phố, vấn đề được các đại biểu tập trung cho ý kiến là việc cải thiện môi trường sống và gần 2.300 cán bộ không chuyên trách dôi dư tại cơ sở sẽ phải ngưng việc.

Quy hoạch đô thị cần đồng bộ hơn

Thảo luận về việc xử lý tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố, nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là chưa có một quy hoạch đồng bộ phù hợp với tốc độ đô thị hóa rất cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đại biểu Trần Quang Thắng (quận 8) dẫn chứng trường hợp “rốn ngập” đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1), khi hai bên đường san sát chung cư. Giờ đường ngập, nâng đường hay làm lại cống thoát nước đều tốn kém.

“Chúng ta phải tính đến chuyện tạo nguồn kinh phí từ các dự án nhà cao tầng để hỗ trợ công tác hoàn thiện hệ thống thoát nước và đường giao thông ngay trong khu vực có dự án”, đại biểu Trần Quang Thắng gợi mở giải pháp.

Các đại biểu trao đổi bên lề kỳ họp.

Trao đổi với các đại biểu về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho biết, các hạng mục của dự án chống ngập do triều cường giai đoạn 1 đã đạt 85% khối lượng công việc, dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 10-2020. “Đến lúc đó, tình trạng ngập lụt do triều cường sẽ được cải thiện đáng kể”, ông Võ Văn Hoan nói.

Cũng theo ông Võ Văn Hoan, UBND thành phố cũng đã đề ra các giải pháp như yêu cầu chủ đầu tư khi xây dựng các khu đô thị mới từ 50 đến 100ha trở lên phải có hồ điều tiết; dành 5.000 - 10.000ha diện tích đất ở khu vực các triền ven sông để giảm ngập tự nhiên; tận dụng tối đa hệ thống sông, kênh, rạch để giảm ngập tự nhiên cho thành phố...

Lo quá tải công việc khi giảm cán bộ cơ sở

Về việc giảm gần 2.300 cán bộ không chuyên trách ở cơ sở từ ngày 1-8-2020 theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 34), nhiều đại biểu lo lắng, ở các địa bàn đông dân cư, nếu có ít cán bộ không chuyên trách, sẽ không đủ người đảm đương công việc.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung (huyện Bình Chánh) dẫn chứng, như xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) có gần 170.000 dân, số cán bộ không chuyên trách là 56 người. Nay, thực hiện Nghị định 34, số cán bộ chuyên trách chỉ còn lại 14 người.

“Đề nghị thành phố trình Chính phủ cơ chế đặc thù, theo đó, tại các xã có trên 30.000 dân, cứ với mỗi 5.000 dân tăng thêm, sẽ được bố trí thêm 1 cán bộ không chuyên trách tại cơ sở để đảm đương công việc”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung đề xuất.

Ônng Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại phiên thảo luận.

Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Trương Văn Lắm cho biết, UBND thành phố đã đã kiến nghị Bộ Nội vụ những vấn đề có tính chất đặc thù của một đô thị lớn, đông dân cư như thành phố Hồ Chí Minh.

Thực hiện Nghị định 34, thành phố Hồ Chí Minh sẽ giảm 2.299 cán bộ không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn; từ 6.787 người xuống còn 4.368 người. Tuy nhiên, Nghị định 34 không quy định việc thực hiện giải quyết chế độ, chính sách đối với trường hợp cán bộ không chuyên trách dôi dư do sắp xếp.

Ông Trương Văn Lắm cho biết, để đảm bảo quyền lợi, ổn định tinh thần và tạo điều kiện cho người hoạt động không chuyên trách an tâm tìm công việc mới, UBND thành phố đề xuất cán bộ không chuyên trách dôi dư khi nghỉ việc được hỗ trợ mỗi năm công tác là 1,5 tháng tiền lương theo trình độ chuyên môn tại thời điểm thôi việc.

Tính bình quân số năm công tác của gần 2.300 người là 10 năm thì kinh phí dự kiến để chi hỗ trợ là khoảng 120 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố.

Phương Nam

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/972431/ky-hop-thu-hai-muoi-hdnd-thanh-pho-ho-chi-minh-nong-cac-van-de-dan-sinh