Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV dành 6 ngày cho công tác nhân sự

Chiều 27-4, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong 11 ngày. Kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 20-7 và bế mạc vào ngày 3-8.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Khác với thông lệ, phiên họp trù bị dự kiến tiến hành vào chiều ngày 19-7 chứ không vào đầu buổi sáng ngay trước khi khai mạc chính thức, vì cần có thời gian thực hiện một số công việc kỹ thuật cần thiết.

Cũng theo dự kiến, ngay sau nghi thức khai mạc, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng sẽ có bài phát biểu.

Tiếp đó, Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Kỳ họp sẽ dành thời lượng tới 6 ngày để xem xét, quyết định về công tác nhân sự.

Bao gồm: quyết định số Phó Chủ tịch Quốc hội, số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm nhà nước.

Bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh (nếu có).

Bốn ngày làm việc khác được dành để Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề… và một số nội dung khác.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ky-hop-thu-nhat-quoc-hoi-khoa-xv-danh-6-ngay-cho-cong-tac-nhan-su-727905.html