Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước

Ngày 25/7, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận ở hội trường để đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp sáng 25/7. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp sáng 25/7. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Qua thảo luận, đa số các đại biểu tán thành với nội dung trong Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.

Đồng thời khẳng định: Trong điều kiện khó khăn, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới, Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương đã thực hiện quyết liệt các giải pháp, hoàn thành mục tiêu kép vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.

Kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, được đánh giá là đạt mức tăng trưởng cao so với kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam là quốc gia duy nhất được 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm đồng loạt nâng triển vọng kinh tế của Việt Nam từ "ổn định" lên "tích cực". Kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiểm soát, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỉ trọng dịch vụ và giảm tỉ trọng nông-lâm-thủy sản. Đầu tư khu vực Nhà nước tiếp tục giảm, đầu tư khu vực ngoài Nhà nước tiếp tục tăng, góp phần ổn định kinh tế.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp căn cơ để thúc đẩy kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay.

Các đại biểu đề nghị cần huy động mọi nguồn lực và ưu tiên để phòng, chống dịch COVID-19, khống chế dịch lây lan ra cộng đồng, đảm bảo hiệu quả nhất; chủ động điều hành chính sách tiền tệ, tài chính sách linh hoạt, hợp lý, có trọng tâm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh; tập trung nhiên cứu, ban hành cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh giảm bớt khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh;

Tập trung rà soát và khắc phục những khó khăn, vướng mắc về thể chế nhằm tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo môi trường thông thoáng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài; đẩy nhanh tiến độ đầu tư giải ngân vốn đầu tư và tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ đúng và đủ đối tượng, đồng thời quản lý, kiểm soát thu chi chặt chẽ ngân sách nhà nước và mua sắm tài sản công bằng nguồn thu ngân sách Nhà nước. Chuẩn bị điều kiện và lộ trình để mở cửa nền kinh tế, tương ứng với tỷ lệ tiêm chủng vaccine của người dân…

Buổi chiều, đại diện một số thành viên của Chính phủ đã tham gia phát biểu làm rõ một số vấn đề như: thực trạng quy hoạch, phát triển kinh tế; giải pháp phát triển nông nghiệp trong giai đoạn 5 năm 2021-2025, các giải pháp đảm bảo cung ứng vật tư trong điều kiện thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16, việc bảo vệ và tổ chức sản xuất doanh nghiệp giai đoạn hiện nay; những vướng mắc, điểm nghẽn trong đặt hàng, giao nhiệm vụ đấu thầu các dịch vụ công, giải pháp tháo gỡ những tồn tại, hạn chế trong công tác cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước và đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp công; thực trạng công tác phòng chống dịch COVID-19 và về chiến lược vaccine của nước ta…

Trước đó, chiều 24/7, Quốc hội bỏ phiếu thông qua Tờ trình điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, trước diễn biến của dịch COVID-19, để đảm bảo hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình kỳ họp với chất lượng tốt nhất, thời gian ngắn nhất, tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội là lãnh đạo các địa phương, các ngành chỉ đạo công tác phòng chống dịch; căn cứ tình hình thực tế và quy định tại điều 7 nội quy Kỳ họp Quốc hội, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh chương trình làm việc của kỳ họp từ ngày 25/7 đến khi bế mạc; Chương trình sẽ được rút ngắn 3 ngày so với dự kiến và bế mạc vào ngày 28/7.

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-nhat-quoc-hoi-khoa-xv-quoc-hoi-thao-luan-ve-ke/d20210725155712653.htm