Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự

Ngày 9/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, các đại biểu họp phiên toàn thể tại hội trường để xem xét, biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng thủ dân sự, các đại biểu thống nhất cao với sự cần thiết ban hành luật, với các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ; đồng thời cho rằng, việc xây dựng luật sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng Dự án Luật có phạm vi điều chỉnh rộng vì vậy cần phân biệt rõ phạm vi điều chỉnh với các luật chuyên ngành khác như Luật Phòng chống thiên tai, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật An toàn thông tin mạng.

Một số đại biểu cho rằng, phòng thủ dân sự là nội dung trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, là trọng yếu và thường xuyên và là nhiệm vụ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Chính phủ, do vậy cần có sự điều chỉnh của luật, phải quản lý nhà nước để điều hành hiệu quả khi xảy ra các sự cố, thảm họa.

Các đại biểu cũng đề nghị cần có một lực lượng chính quy, chuyên nghiệp cho nhiệm vụ phòng thủ dân sự và cho rằng nên giao Bộ Quốc phòng đảm nhận nhiệm vụ này. Đồng thời cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng thủ dân sự.

Ngoài ra, trong phiên thảo luận, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về một số nội dung: tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro về thảm họa; công trình phòng thủ dân sự; việc xác định cấp độ phòng thủ dân sự; cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; nguồn lực, chế độ, chính sách đối với người tham gia hoạt động phòng thủ dân sự…

Cũng trong phiên họp buổi chiều, với đa số đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Đây là dự án Luật đầu tiên được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-tu-quoc-hoi-khoa-xv-thao-luan-ve-du-an-luat-phong/d2022110917398322.htm