Kỳ I: Đại hội Đảng bộ lần thứ Nhất và bài học cân bằng 'lượng- chất'

PTĐT -  Chính thức được thành lập vào tháng 3 năm 1940, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã ghi dấu ấn sâu đậm, thể hiện vai trò to lớn trong việc tập hợp lực lượng, lãnh đạo quân và dân Đất Tổ...

Chùa Trò ̣(xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê) nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ I năm 1947.

Chùa Trò ̣(xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê) nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ I năm 1947.

PTĐT - Chính thức được thành lập vào tháng 3 năm 1940, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã ghi dấu ấn sâu đậm, thể hiện vai trò to lớn trong việc tập hợp lực lượng, lãnh đạo quân và dân Đất Tổ đứng lên giành chính quyền, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến trong Cách mạng tháng Tám và tham gia các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc; tập trung sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Trải qua 80 năm với 18 kỳ Đại hội, cùng với truyền thống lịch sử vẻ vang, chiến công chói lọi, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về công tác tập hợp lực lượng, xây dựng tổ chức, sáng tạo, linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế khách quan... Trong thời điểm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Báo Phú Thọ trân trọng giới thiệu đến quý độc giả loạt bài viết “Từ Đại hội đến Đại hội”, ghi lại những mốc son lịch sử, thành tựu lớn lao cùng bài học kinh nghiệm sâu sắc của Đảng bộ tỉnh qua 18 kỳ Đại hội...

Đầu năm 1947, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta bước vào giai đoạn cam go, ác liệt. Trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, công tác xây dựng Đảng càng trở nên có vai trò đặc biệt quan trọng. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, đầu tháng 1 năm 1947, Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời tỉnh triệu tập Đại hội đại biểu lần thứ I tại xã Cát Trù (nay là xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê) với 36 đại biểu thay mặt cho 280 đảng viên trong toàn tỉnh. Đại hội đã kiểm điểm tình hình công tác sau ngày khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám và đề ra phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ trong giai đoạn mới; bàn công tác bảo vệ địa phương; chuyển mọi hoạt động của tỉnh cho phù hợp với tình hình thời chiến; tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang; tăng cường công tác bố phòng; lập kế hoạch tản cư; đón đồng bào di cư... Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 7 đồng chí, đồng chí Nguyễn Đức Thắng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Tiếp đó, Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban cán sự Đảng ở các huyện, đồng thời cho phép các chi bộ ghép được tách thành các chi bộ độc lập để tiện sinh hoạt. Thực hiện chủ trương đó, đến tháng 5/1947, 11 huyện trong tỉnh đều đã có chi bộ Đảng. Mọi công việc ở địa phương đều do Ban cán sự trực tiếp chỉ đạo dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy.
Đến tháng 7/1947, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức Hội nghị mở rộng với hơn 100 đại biểu tại xã Khải Xuân (huyện Thanh Ba). Trong dịp này, Trung ương đã điều đồng chí Bí thư và một số đồng chí Tỉnh ủy viên đi làm nhiệm vụ ở Khu và một số tỉnh khác nên Hội nghị đã bầu bổ sung, nâng tổng số Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lên 15 đồng chí. Do yêu cầu công tác, tháng 11 năm 1948, Ban Thường vụ Liên khu Việt Bắc điều động đồng chí Nguyễn Tấn Phúc nhận nhiệm vụ mới và cử đồng chí Phan Lang-Khu Ủy viên dự khuyết về làm Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ. Ngay sau thời điểm diễn ra Đại hội đại biểu lần thứ I Đảng bộ tỉnh Phú Thọ, do yêu cầu của phong trào cách mạng, Trung ương chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa công tác phát triển Đảng. Căn cứ vào tình hình thực tế địa phương, Tỉnh ủy đã đề ra phương hướng xây dựng Đảng của tỉnh lúc này là: Tích cực củng cố và phát triển Đảng, làm cho Đảng mang tính chất quần chúng mạnh mẽ, có cơ sở vững chắc ở các địa bàn quan trọng; phát triển phải đi đôi với củng cố, tích cực xây dựng chi bộ làm cho các chi bộ có đủ khả năng lãnh đạo mọi mặt hoạt động ở địa phương. Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết Hội nghị mở rộng về “phát triển Đảng tăng gấp đôi”, kết hợp đợt “kết nạp đảng viên lớp tháng Tám” do Ban Bí thư Trung ương phát động nhân kỷ niệm 2 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/1947), nhiều quần chúng có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực công tác được lựa chọn dự lớp bồi dưỡng lý luận của tỉnh và kết nạp vào Đảng. Do đó, đến cuối năm 1947, toàn tỉnh đã có tới 1.222 đảng viên. Cuối năm sau, số đảng viên của tỉnh đã tăng lên 5.493 đồng chí, gấp 6 lần thời điểm tháng 7/1947... Đảng viên tăng nhanh cũng đồng nghĩa với các tổ chức cơ sở Đảng ngày càng lớn mạnh, phát huy vai trò trong lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương. Tuy nhiên, thời gian này công tác phát triển Đảng của tỉnh còn mắc một số tồn tại, khuyết điểm đã được Trung ương chỉ ra trong Hội nghị cán bộ lần thứ Năm, họp tháng 8 năm 1948: “...Ở Bắc Bộ, một số địa phương còn mắc bệnh phát triển bừa bãi, nên hàng ngũ Đảng ở những nơi này còn lỏng lẻo, chi bộ hết sức non, có nhiều đồng chí kém tinh thần, kém ý thức...”; “... Ở Phú Thọ, số đồng chí dự bị gấp ba số đồng chí chính thức hồi đầu năm...”.Khắc phục tình trạng trên, Tỉnh ủy chỉ đạo việc kết nạp đảng viên mới đều phải qua lớp bồi dưỡng và đưa phong trào học tập ở chi bộ đi vào nền nếp. Qua giáo dục, rèn luyện, hầu hết cán bộ, đảng viên đã trưởng thành lên một bước, nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ của mình, thực sự gắn bó mật thiết với phong trào và luôn đi đầu trong mọi nhiệm vụ, làm gương cho quần chúng noi theo. Cùng với đó, Tỉnh ủy đã tổ chức cho toàn thể cán bộ, đảng viên học tập và làm theo thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhờ đó, những khuyết điểm như cục bộ địa phương, quan liêu, mệnh lệnh, chấp hành kỷ luật không nghiêm... được phê phán nghiêm khắc. Những đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng bị xử lý kịp thời... Công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ được Tỉnh ủy quan tâm, chú trọng, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của công cuộc kháng chiến. Trong dịp này, Tỉnh ủy đã lựa chọn những cán bộ, đảng viên ưu tú đề bạt vào các vị trí chủ chốt, tổ chức các lớp huấn luyện tập trung theo chuyên môn cho từng loại cán bộ. Hàng trăm đảng viên của tỉnh đã được dự các lớp bồi dưỡng về Đảng, qua đó tư tưởng và nhận thức được nâng lên một bước...Những thành tựu trong kháng chiến, kiến quốc trên địa bàn tỉnh đã khẳng định vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ Nhất. Trong đó, bài học kinh nghiệm về công tác xây dựng tổ chức, phát triển đảng viên đảm bảo yêu cầu về chất lượng, không chạy theo thành tích, số lượng, kiên quyết không để những đối tượng không xứng đáng đứng trong hàng ngũ giúp nâng cao vai trò, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng vẫn vẹn nguyên giá trị và nâng lên tầm cao mới với Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 21/01/2019 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Chủ trương đúng đắn, hành động quyết liệt của Đảng bộ tỉnh từ những ngày đầu thành lập đã tạo nền móng vững chắc cho những thắng lợi tiếp nối trong sự nghiệp cách mạng của vùng quê Đất Tổ...(Còn nữa)

Phòng CT-XH

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202004/ky-i-dai-hoi-dang-bo-lan-thu-nhatva-bai-hoc-can-bang-luong-chat-170078