Kỳ II: Cần những giải pháp căn cơ

PTĐT - An toàn cho hồ đập là một vấn đề cấp bách hiện nay. Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, những trận mưa, lũ vượt tần suất thiết kế xảy ra ngày càng nhiều...

Nâng cấp sửa chữa trạm bơm, lấy nước đảm bảo sản xuất.

Nâng cấp sửa chữa trạm bơm, lấy nước đảm bảo sản xuất.

>>> Kỳ I: Chất lượng công trình hồ đập - những vấn đề đặt ra
PTĐT - An toàn cho hồ đập là một vấn đề cấp bách hiện nay. Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, những trận mưa, lũ vượt tần suất thiết kế xảy ra ngày càng nhiều, trong khi các hồ đập đã xuống cấp, vì vậy nguy cơ xảy ra sự cố vỡ hồ đập rất lớn, gây tổn thất nặng đến đời sống dân sinh và nền kinh tế của xã hội mà phải mất nhiều năm mới có thể khôi phục được. Do đó, để đảm bảo an toàn hồ đập cần có những giải pháp căn cơ, đồng bộ.
Để đạt mục tiêu đến năm 2020 các công trình thủy lợi phải đảm bảo cấp nước tưới chủ động cho 34.500ha lúa, 7.800ha cây màu, 2.400ha cây vùng đồi và 3.700ha nuôi trồng thủy sản; đảm bảo tiêu úng cho hơn 162.400ha; 124 xã nông thôn đạt tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới; nâng giá trị sản phẩm bình quân đất canh tác và thủy sản đạt trên 105 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 35 triệu đồng/người/năm... tỉnh đã huy động các nguồn lực đầu tư kiên cố hóa 100% kênh cấp I, II và 75% kênh cấp III; xây dựng mới 272 công trình; cải tạo, nâng cấp 554 công trình với tổng nguồn vốn lên đến trên 7.367 tỷ đồng, trong đó có một số công trình hồ đập. Hồ chứa nước Ngòi Giành là một trong những công trình trọng điểm thời gian qua với tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng; có dung tích gần 37 triệu m3, chiều dài của đập trên 240m, cao 70,5m. Dự án hoàn thành sẽ cấp nước tưới cho trên 7.600ha đất canh tác nông nghiệp, nước sinh hoạt, một số hồ chứa vừa và nhỏ hiện còn thiếu nước trong khu vực; đồng thời góp phần ngăn chặn, giảm thiểu lũ ống, lũ quét, ổn định đời sống nhân dân 35 xã thuộc các huyện Yên Lập, Cẩm Khê, Thanh Ba. Trước nguy cơ mất an toàn của hồ Phượng Mao, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo bằng nguồn vốn quỹ phòng, chống thiên tai đang đầu tư để hạ thấp tràn, xây dựng cống điều tiết xả nguồn nước khi có nguy cơ lũ về. Sau khi rà soát thực tế các hồ đập trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã giao một số hồ đập trước đây do các địa phương quản lý không đáp ứng được yêu cầu cho Công ty TNHH Nhà nước MTV khai thác công trình thủy lợi khai thác, quản lý như các hồ: Ba Vực, Đát Dội, Đầm Thìn... Hiện nay, công ty đang cải tạo nâng cấp các công trình để đảm bảo an toàn và phục vụ sản xuất. Theo các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong ngành thủy lợi, để đảm bảo an toàn hồ đập, ngoài việc đảm bảo an toàn thân đập còn phải đảm bảo đồng bộ cho cả cụm công trình đầu mối (đập chính, đập phụ, cống lấy nước...), các công trình liên quan khác cùng với an toàn dân sinh, kinh tế - xã hội vùng hạ du chịu ảnh hưởng... Vì vậy, các địa phương, đơn vị liên quan cần tranh thủ thời kỳ mực nước các hồ chứa xuống thấp, tổ chức kiểm tra toàn diện các hồ chứa nước, đánh giá mức độ an toàn của từng công trình, phát hiện sớm các ẩn họa, hư hỏng để kịp thời xử lý; ưu tiên nguồn vốn để xử lý hồ đập có nguy cơ mất an toàn cao. Tuy nhiên, nguồn kinh phí của địa phương còn khó khăn cần có sự hỗ trợ từ Trung ương và huy động xã hội hóa. Cùng với đó, cần tiến hành rà soát, bổ sung và ban hành quy trình vận hành điều tiết đối với tất cả các hồ chứa nước; tổ chức giải tỏa các vi phạm trong hành lang công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa nước nhằm tạo hành lang thông thoáng cho việc kiểm tra, xử lý kịp thời các sự cố ngay giờ đầu; tổ chức kiểm tra, rà soát nhân lực, vật tư dự phòng chuẩn bị tốt phương án “bốn tại chỗ” để kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Đối với các hồ chứa tràn xả lũ tự do, cần kiểm tra kỹ, xây dựng phương án tràn xả lũ phụ để khi mưa, lũ lớn xảy ra cần thiết phải chủ động tháo lũ, đảm bảo an toàn cho công trình, không ảnh hưởng đến dân sinh. Tập trung xây dựng một số trạm thủy văn đầu nguồn để có khả năng cảnh báo sớm, nhất là các hồ chứa lớn. Tiến hành lắp đặt các thiết bị quan trắc, lượng mưa, mực nước cho các hồ chứa có dung tích 0,2 triệu m3 trở lên, chủ động đối phó với mọi tình huống xấu nhất do thiên tai gây ra.

Đẩy nhanh tiến độ xử lý cống hạ lưu ở thân đập hồ Ly (Yên Lập) đảm bảo cao trình vượt lũ.

Đẩy nhanh tiến độ xử lý cống hạ lưu ở thân đập hồ Ly (Yên Lập) đảm bảo cao trình vượt lũ.

Ông Trần Quốc Bình-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Để ứng phó thiên tai phục vụ sản xuất, về lâu dài cần tổ chức khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các hồ chứa nước một cách tổng thể (đập chính, đập phụ, cống lấy nước dưới đập, hệ thống tràn xả lũ) và các công trình liên quan (đường quản lý, hệ thống quan trắc, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống điện, hệ thống kênh dẫn, các công trình trên kênh, hệ thống thủy lợi trong khu tưới và cả vùng hạ du trong phạm vi hưởng lợi). Trên cơ sở đó xác định thứ tự công trình, hạng mục công trình cần ưu tiên nguồn lực để nâng cấp, sửa chữa. Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo HĐND, UBND tỉnh tăng kinh phí đầu tư cho các công trình thủy lợi. Tiến hành rà soát, đánh giá năng lực tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi; thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi; thường xuyên định kỳ, kiểm tra công trình, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các ẩn họa, hư hỏng, sự cố, giảm thiểu thiệt hại gây ra; tổ chức tập huấn cho cán bộ vận hành khai thác các công trình để đáp ứng yêu cầu đặt ra”.Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý khai thác, hạ tầng các công trình thủy lợi, đảm bảo an toàn hồ, đập; làm tốt công tác xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi gắn với phát triển du lịch, dịch vụ như công trình thủy lợi hồ Ly ở xã Thượng Long (Yên Lập); đầm Ao Châu (Hạ Hòa); hồ Phượng Mao, hồ Suối Rồng (Thanh Thủy)… để các công trình thủy lợi không chỉ đảm nhiệm tốt vai trò tưới, tiêu mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế đa ngành bền vững. Từ đó xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế của từng vùng theo hướng nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, nguồn nước, lao động và nguồn lực đầu tư; tăng nhanh thu nhập và mức sống của lao động nông thôn gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững.Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, người dân cần phải nâng cao ý thức trong việc khai thác và quản lý các công trình thủy lợi nói chung, hồ đập nói riêng, không vi phạm hành lang an toàn các công trình thủy lợi; làm tốt công tác trồng, bảo vệ rừng đầu nguồn và trang bị cho mình kỹ năng xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra.

Nhóm PV kinh tế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/202007/ky-ii-can-nhung-giai-phap-can-co-171647