Kỳ II: Đầu tư hiệu quả để tăng trưởng bền vững

PTĐT - Từ thứ hạng 54 năm 2013, Phú Thọ đã đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Một góc Khu công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ.

Một góc Khu công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ.

>>> Kỳ I: Những bước đi vững chắc
PTĐT - Từ thứ hạng 54 năm 2013, Phú Thọ đã đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhờ đó, giai đoạn từ năm 2013-2020, chỉ số PCI của tỉnh dần ổn định và tăng bậc. Từ top cuối bảng xếp hạng lên top khá. Năm 2020, điểm tổng hợp PCI của tỉnh đạt 64,52, tăng 4 bậc so với năm 2019, xếp thứ 22 toàn quốc và đứng thứ 3 khu vực miền núi phía Bắc. Thay đổi rõ rệt trong giai đoạn này cho thấy những giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và đặc biệt là sự đầu tư đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm đã tạo ra sự tăng trưởng bền vững.

Diện mạo mới

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đặt ra 4 khâu đột phá, trong đó đầu tư kết cấu hạ tầng là khâu đầu tiên. Đây cũng chính là giải pháp, tạo sức hút với những nhà đầu tư đến với Phú Thọ. Khi kết cấu hạ tầng được cải thiện sẽ thu hẹp khoảng cách về địa lý, thời gian di chuyển. Mặc dù còn nhiều khó khăn, kinh tế suy thoái, nhưng nhờ vận dụng thời cơ, tranh thủ tối đa các nguồn lực, tỉnh đã huy động được nguồn vốn lớn cho đầu tư phát triển, tạo bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng.
Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh dự kiến huy động trên 50 nghìn tỷ đồng để thực hiện gần 200 dự án thuộc 8 ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội then chốt, trong đó có 25 dự án hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành hệ thống đường giao thông đối ngoại, tạo sự kết nối liên thông giữa đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ góp phần thuận lợi trong thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Với 35 dự án, trong 5 năm qua, hạ tầng giao thông trong toàn tỉnh đã có bước phát triển nhanh, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, hình thành các khu, cụm công nghiệp quy mô lớn. Nhiều dự án giao thông quan trọng được triển khai là các trục giao thông huyết mạch, kết nối tỉnh lộ với quốc lộ, kết nối giao thông vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh với trục giao thông đối ngoại quan trọng: Dự án cầu Văn Lang theo hình thức BOT; hoàn thành dự án cầu Mỹ Lung mới trên QL70B; đường Nguyễn Tất Thành kéo dài... Tổng vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), xã hội hóa được tăng cường.Cùng với đầu tư kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính cũng là một trong 4 khâu đột phá được xác định trong nhiệm kỳ 2015-2020 theo hướng ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Đây cũng là một trong những thay đổi tích cực mà nhà đầu tư có thể cảm nhận rất rõ. Thay vì phải mất nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí hàng năm để giải quyết các vấn đề liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, hay những vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, triển khai dự án, giờ đây, nhà đầu tư được tạo điều kiện cũng như giải quyết trong thời gian sớm nhất. Hiện nay, các thể chế về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương trên các lĩnh vực: Quản lý tổ chức, bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng thu hút đầu tư; đất đai, tài nguyên và môi trường; hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công… đã được hoàn thiện. Việc nâng cao chất lượng cải cách thể chế của tỉnh đã tạo môi trường thông thoáng trong đầu tư, kinh doanh. Anh Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP đầu tư Quốc tế VinaTiger, khu 4, xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh cho biết: “Công ty tôi được thành lập từ năm 2015. Trước đây cũng nhiều lần phải làm các thủ tục hành chính tại sở, ngành có liên quan. Nhưng từ khi Trung tâm phục vụ hành chính công đi vào hoạt động đã tạo điều kiện rất nhiều cho cá nhân, doanh nghiệp đến giao dịch. Các thủ tục được thực hiện nhanh gọn, đảm bảo”.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa huyện Đoan Hùng.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa huyện Đoan Hùng.

Đồng hành với doanh nghiệp

Các cấp chính quyền thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, đối thoại bình đẳng, cởi mở, phản ánh trung thực các vấn đề phát sinh, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp theo hướng hành chính phục vụ, tạo thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư vào địa bàn. Tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam năm 2020, đồng chí Bùi Văn Quang-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Tỉnh cam kết luôn lắng nghe, chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp; tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững.

Xác định xúc tiến đầu tư cần sự chung tay của nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài tỉnh, Phú Thọ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt về ưu đãi, thu hút đầu tư và chủ động xúc tiến đầu tư tại nhiều thị trường tiềm năng như: Trung Quốc, Australia, New Zealand… Năm 2020, Sở Công thương tổ chức hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2020. Tại hội nghị đã thực hiện kết nối trực tuyến với các Tham tán Thương mại, các Thương vụ của Việt Nam tại các nước Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pakistan, Indonesia, Nhật Bản nhằm khắc phục khó khăn, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian diễn ra dịch COVID-19.Trong 5 năm, tỉnh đã thu hút một số dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ hiện đại, hiệu quả kinh tế cao. Trong các dự án sản xuất công nghiệp đã di vào hoạt động, bên cạnh dự án trong những lĩnh vực truyền thống như: Sản xuất giày, đồ uống, dệt may, thức ăn chăn nuôi đã xuất hiện những ngành phù hợp với định hướng thu hút đầu tư vào tỉnh, có giá trị gia tăng lớn, hàm lượng kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường như sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, linh kiện điện tử, sản xuất thuốc và thiết bị y tế… Số lượng doanh nghiệp thành lập mới hàng năm tăng bình quân 16%. Kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Kinh tế ngoài quốc doanh chiếm vai trò ngày càng tăng đối với nền kinh tế của tỉnh với tỷ lệ đóng góp vào GRDP chiếm khoảng 60%, đã thực sự trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo.Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện. Tỉnh đã xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tập trung các giải pháp tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân khởi nghiệp, đầu tư. Với kết quả PCI năm 2020 đứng thứ 22 toàn quốc và đứng thứ 3 khu vực miền núi phía Bắc đã cho thấy nỗ lực của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng như các cấp, các ngành trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh sự chuyển mình mạnh mẽ của các địa phương, Phú Thọ cần tiếp tục có những bước đi vững chắc, để tạo bứt phá trong những năm tiếp theo.

Kỳ III: Bứt phá để thành công

Thu Hà - Đức Hoàng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/cai-cach-hanh-chinh/202105/ky-ii-dau-tu-hieu-qua-de-tang-truong-ben-vung-176798