Kỳ II: Dạy nghề gắn với nhu cầu xã hội

PTĐT - Sự đổi thay từ trình độ, nhận thức đến phương thức sản xuất của người lao động sau khi thụ hưởng các chương trình từ Đề án 1956 trong cả hai lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Lao động đã qua đào tạo, vững tay nghề làm việc tại xưởng may Bình Liễu (xã Lương Sơn, huyện Yên Lập) có thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Lao động đã qua đào tạo, vững tay nghề làm việc tại xưởng may Bình Liễu (xã Lương Sơn, huyện Yên Lập) có thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

>>> Kỳ I: “Đưa nghề” về nông thôn

Để Đề án thực sự đi vào cuộc sống, ngay từ khi triển khai, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện; giao nhiệm vụ đào tạo nghề LĐNT cho các huyện, thành, thị để triển khai phù hợp với mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Đồng thời đẩy mạnh đa dạng hóa các loại hình dạy nghề gắn với thế mạnh phát triển kinh tế của từng địa phương nhằm nâng cao hiệu quả, huy động tối đa nguồn nhân lực tại chỗ.
Ông Nguyễn Văn Lộc - Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đoan Hùng cho biết: Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh khóa XVII, về Quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 có nhấn mạnh đến việc phát triển cây ăn quả có múi mà cây bưởi giữ vai trò chủ đạo. Cụ thể hóa và triển khai thực hiện NQ này, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch nhằm phát triển cây bưởi, đây là cơ sở quan trọng để Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện triển khai Đề án 1956 tại địa phương thuận lợi. Xác định cây bưởi là cây ăn quả trọng điểm trong phát triển kinh tế, ngành Lao động - Thương binh&Xã hội đã phối hợp với các đơn vị mở lớp đào tạo về trồng, chăm sóc cây bưởi cho người dân địa phương, 5 năm qua đã thu hút trên 1.000 lao động tham gia, từ đó góp phần thực hiện hiệu quả việc nâng cao chất lượng bưởi, xây dựng thương hiệu và hoàn thành chỉ dẫn địa lý cho Bưởi đặc sản Đoan Hùng.Hiện nay, tổng diện tích trồng bưởi toàn huyện Đoan Hùng gần 2.500ha, tổng sản lượng đạt 20.000 tấn; trong đó diện tích bưởi đặc sản trên 1.500ha tập trung ở 2 xã Bằng Luân và Chí Đám. Ông Phùng Diên Hồng (ở khu Chí Đám 3, xã Chí Đám) đã tham gia lớp đào tạo về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi trồng bưởi theo thói quen và kinh nghiệm được truyền lại từ thế hệ trước, tự tạo cây giống theo phương thức chiết cành từ cây bố mẹ nên rễ cây không khỏe, tuổi thọ thấp. Từ khi tham gia lớp học, người dân đã được hướng dẫn cách lựa chọn cây giống, nắm được quy trình cắt, tỉa cành, tạo tán, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… theo đúng quy trình. Đặc biệt, người dân đã biết áp dụng phương pháp thụ phấn bằng tay cho tỷ lệ đậu quả cao, đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng quả bưởi, đáp ứng nhu cầu của thị trường”.

Từ khi tham gia các lớp đào tạo nghề, người dân xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng đã ứng dụng KHKT trong trồng và chăm sóc cây bưởi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ khi tham gia các lớp đào tạo nghề, người dân xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng đã ứng dụng KHKT trong trồng và chăm sóc cây bưởi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Là huyện miền núi của tỉnh, thế mạnh của Thanh Sơn là phát triển các nghề về nông - lâm nghiệp, trong đó cây chè là cây trồng chủ lực với diện tích trồng gần 4.000ha, chiếm gần 1/4 diện tích trồng chè toàn tỉnh. Thực hiện Đề án 1956, trong giai đoạn 2016-2020, huyện Thanh Sơn đã mở được 79 lớp đào tạo sơ cấp nghề với gần 2.700 học viên; trong đó có 18 lớp đào tạo về nông nghiệp cho gần 1.000 lao động. Các lớp đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè được tổ chức ở nhiều địa phương đã thu hút đông đảo học viên tham gia, không chỉ giúp người dân nâng cao kiến thức, tay nghề, trang bị kỹ năng, ứng dụng KHKT vào sản xuất, chế biến chè mà quan trọng hơn đây còn là yếu tố giúp đẩy nhanh việc thành lập các HTX trên địa bàn. Anh Đinh Quốc Duy - Giám đốc HTX chè Suối Reo, xã Thục Luyện cho biết: Các thành viên HTX được đào tạo quy trình chế biến chè theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, nhằm đảm bảo doanh thu ổn định và tạo việc làm cho lao động địa phương. Ông Nguyễn Quang Hải - Trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Thanh Sơn khẳng định: “Ngoài cây chè, công tác đào tạo nghề trên địa bàn được triển khai sâu rộng, hướng tới thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển nông nghiệp là: Chăn nuôi trâu, bò thịt chất lượng cao; trồng và chăm sóc rừng; nâng cao chất lượng lúa cao sản đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 28% (năm 2011) xuống còn 13,1% (năm 2019); trên 80% lao động qua đào tạo có việc làm với thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống”. Cùng với Thanh Sơn, các huyện: Hạ Hòa, Tân Sơn, Thanh Ba, Cẩm Khê, Phù Ninh… cũng mở các lớp đào tạo kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, hướng đến tăng giá trị và xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, có liên kết. Song song với đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo nên xu thế phát triển nghề mới, cập nhật với nhu cầu thị trường lao động. Nếu như trước đây các nghề phi nông nghiệp được đào tạo chủ yếu là may mặc, điện dân dụng thì ngày nay, với sự xuất hiện của các khu, cụm công nghiệp, nhiều công ty, doanh nghiệp đi vào hoạt động với đa dạng các lĩnh vực đòi hỏi, một số lượng lớn lao động có kỹ thuật, vững tay nghề để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Ngoài các nghề truyền thống, nhiều ngành nghề mới được mở lớp đào tạo, thu hút đông học viên như cơ khí, điện tử, may công nghiệp…Trước nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trẻ mới hình thành trên “vùng đất giữa”, những năm gần đây, huyện Cẩm Khê đã chủ động điều chỉnh chương trình giảng dạy, mở rộng ngành nghề đào tạo mới cho người dân, cung cấp lao động có tay nghề cho nhiều doanh nghiệp may mặc tại cụm công nghiệp của huyện cũng như các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh với mức thu nhập ổn định. Nhiều lao động sau khi được đào tạo đã mạnh dạn đầu tư mở xưởng may gia công, doanh nghiệp ngay tại địa phương, giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo.Ở xã Thụy Liễu, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã thực sự phát huy hiệu quả, giúp người dân học nghề mới, trở thành “cần câu” để họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường lao động, địa phương phối hợp cùng huyện, các ngành liên quan mở nhiều lớp đào tạo nghề cho người dân ở các lĩnh vực, đặc biệt là nghề may, tạo cơ hội việc làm, giúp bà con tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Hiện tại, riêng nghề may, địa phương đã tổ chức 5 lớp đào tạo, thu hút hơn 150 học viên tham gia. Trong đó, xã cũng tổ chức riêng một lớp đào tạo nghề may cho các đối tượng thuộc diện nghèo, cận nghèo vào năm 2017. Tham gia lớp học này, cùng với việc hỗ trợ chi phí ăn, học, các học viên đều có việc làm ổn định tại các công ty, xưởng may trên địa bàn xã cũng như Cụm công nghiệp Cẩm Khê với mức thu nhập từ 4-8 triệu đồng mỗi người mỗi tháng. Chị Trịnh Thị Phương ở khu xóm Trong, xã Thụy Liễu là một trong những gia đình thoát nghèo qua việc có nghề sau khi được đào tạo theo Đề án 1956 chia sẻ: “Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề may tại địa phương, tôi được nhận vào làm tại Cụm công nghiệp Cẩm Khê với thu nhập hiện tại khoảng 8 triệu đồng/tháng, giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống và thoát nghèo”.Có thể thấy rằng, người lao động sau khi học nghề đã biết vận dụng các kiến thức, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quá trình lao động để nâng cao hiệu quả sản xuất; việc đào tạo nghề cho LĐNT hiệu quả đã góp phần thay đổi nhận thức, tạo sự chuyển dịch trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương.

Kỳ III: Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Nhóm PV Chính trị - Xã hội

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202011/ky-ii-day-nghe-gan-voi-nhu-cau-xa-hoi-174084