Kỳ II: Giải bài toán quá tải, đảm bảo cung cấp điện an toàn, chất lượng
PTĐT - Trước thực trạng khó khăn do lưới điện vận hành lâu năm, phụ tải tăng, thời tiết cực đoan, trong khi yêu cầu cung cấp chất lượng điện ngày càng cao, các cấp, các ngành của tỉnh và Công ty Điện lực Phú Thọ...
>>> Kỳ I: Khó khăn phía sau trạm biến ápTĐT - Trước thực trạng khó khăn do lưới điện vận hành lâu năm, phụ tải tăng, thời tiết cực đoan, trong khi yêu cầu cung cấp chất lượng điện ngày càng cao, các cấp, các ngành của tỉnh và Công ty Điện lực Phú Thọ đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo cung cấp điện an toàn, chất lượng, khắc phục tình trạng điện yếu, điện thiếu, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Theo số liệu của ngành Điện, hiện nay nguồn cung cho điện 110kV của tỉnh được cấp từ 5 nguồn chính: Trạm biến áp (TBA) 220kV Việt Trì, 220kV Phú Thọ, 220kV Vĩnh Tường, 110kV Ba Khe và Nhà máy thủy điện Thác Bà. Trên địa bàn tỉnh có 13 TBA 110kV với tổng công suất 846 MVA; 26 trạm trung gian; 3.159 trạm phân phối với 5.409,091km đường dây hạ thế. Sản lượng cung cấp điện ngày cao nhất của năm 2019 lên tới 10.419.306KWh, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2018; công suất ngày cực đại đạt tới 490,9MW, tăng 17,9%. Qua đánh giá chung về hiện trạng vận hành cho thấy: Nguồn điện cơ bản đáp ứng được nhu cầu phụ tải hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, đó là: Đường dây (ĐZ) 173 A40 Nhà máy thủy điện Thác Bà - 172 E4.14 Đoan Hùng có thời điểm đầy, quá tải khi mở vòng và khi nguồn điện phát lên qua đường dây 110kV Ba Khe quá lớn. Đường dây 174 E4.14 (Việt Trì) - 171 E4.8 (Phố Vàng) là đường dây hình tia, cấp điện cho 3 trạm biến áp 110kV thường xuyên mang tải cao, có thời điểm quá tải lên đến 105%- 110%.
Nguyên nhân, một phần do dự án ĐZ 110kV Sơn Tây- Phố Vàng chưa đóng điện và dự án xóa quá tải trạm biến áp 110kV Bắc Việt Trì chậm tiến độ do vướng mắc mặt bằng thi công, trong khi các máy biến áp (MBA) đang mang tải trên 80%, thậm chí có thời điểm mang tải tới 105%. Đặc biệt trên địa bàn tỉnh còn 4/13 huyện chưa có TBA 110kV dẫn đến chất lượng điện năng có chỗ, có lúc chưa đảm bảo ổn định… Đối với lưới điện hạ áp nông thôn, đáng lẽ 100% các HTX điện năng trên địa bàn tỉnh phải hoàn thành bàn giao cho ngành điện quản lý từ năm 2012 để thống nhất phương thức quản lý, sửa chữa, nâng cấp và bán điện trực tiếp tới khách hàng song trên thực tế vẫn còn nhiều HTX “dùng dằng” chưa chịu bàn giao, dẫn đến chất lượng điện phục vụ nhân dân có nơi, có chỗ còn kém, khiến người dân chưa hài lòng và còn nhiều trăn trở. Trong khi đó, một số thôn, bản vùng sâu vùng xa có nơi chưa được cấp điện lưới Quốc gia như: Khu Đìa xã Xuân Đài, bản Mỹ Á xã Thu Cúc (Tân Sơn), khu Bằng, khu Gầy xã Trung Sơn (Yên Lập)…; có nơi có điện lưới Quốc gia nhưng chất lượng điện chưa đảm bảo như ở Đào Xá (Thanh Thủy), Kim Thượng (Tân Sơn)…Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã bám sát Chương trình cấp điện nông thôn và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 của Chính phủ, từ đó ban hành Quyết định số 2316/QĐ-UBND ngày 26/9/2014 phê duyệt Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Phú Thọ với tổng kinh phí đầu tư trên 226 tỷ đồng. Tập trung xây dựng trên 101km đường dây trung áp, trên 245km đường dây hạ áp và 47 trạm biến áp nhằm đảm bảo cấp điện cho trên 6.600 hộ tại 104 thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thuộc 23 xã trên địa bàn các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy. Đến nay dự án đã hoàn thành việc triển khai giai đoạn I, cấp điện cho 18 thôn, bản. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Thành - Trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công thương cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh tiếp tục triển khai dự án tới năm 2020 với số vốn đăng ký 120 tỷ đồng, đảm bảo khi dự án hoàn thành 100% số thôn, bản trên địa bàn tỉnh sẽ được cấp điện từ điện lưới Quốc gia. Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt; kiểm tra, rà soát quy hoạch lưới điện, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế; quyết liệt chỉ đạo 100% HTX điện năng hoàn thành bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý.
Về phía ngành điện, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, từ năm 2015 đến nay, Công ty Điện lực Phú Thọ đã đầu tư hơn 3.067 tỷ đồng để tập trung đầu tư, sửa chữa lưới điện trên địa bàn toàn tỉnh, bao gồm: Sửa chữa lớn, nâng cấp lưới điện 110kV, lưới điện trung áp, hạ áp. Trong đó, năm 2018 đã thực hiện các dự án chống quá tải cho các TBA 110kV, nâng công suất máy từ 25MVA lên 40MVA; triển khai xây dựng, đóng điện nhiều xuất tuyến sau TBA 110kV. Năm 2019, thực hiện đầu tư 13 công trình lưới điện 110kV (trong đó lắp đặt 7 TBA 110kV và 6 công trình đường dây 110kV); triển khai 48 công trình chống quá tải lưới điện trung, hạ áp với tổng đầu tư trên 320 tỷ đồng. Nhờ đó, chất lượng điện năng không ngừng nâng lên, kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, đồng thời góp phần cho các xã trên địa bàn tỉnh hoàn thành sớm tiêu chí số 4 về điện trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.Huyện Đoan Hùng hiện có trên 260km đường dây trung áp, gần 571km đường dây hạ áp và 278 TBA phụ tải với tổng công suất hơn 79.000KVA. Để đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải tại địa phương, Điện lực Đoan Hùng đã thực hiện dự án chống quá tải lưới điện năm 2018 và dự án chống quá tải cấp bách lưới điện tỉnh Phú Thọ với tổng vốn đầu tư trên 8 tỷ đồng. Trong đó xây mới trên 4km đường dây trung áp, hạ áp; 13 TBA phụ tải ở một số khu của xã Sóc Đăng, Bằng Doãn, Minh Lương, Tây Cốc...; lắp mới và thay thế 137 tủ tụ bù tại các TBA. Cùng với đầu tư mới, Điện lực Đoan Hùng còn tiến hành sửa chữa lớn, thay thế 620 cột điện hạ thế, 6 cột điện trung thế, thay dây cũ nát bằng dây cáp vặn xoắn... Không chỉ Đoan Hùng, thời gian qua, Điện lực Thanh Sơn đã tập trung cải tạo, nâng cấp đường điện, thay thế công tơ, xây dựng thêm TBA. Trong 4 năm đã đầu tư xây dựng mới 21km đường dây trung áp, 10,3km đường dây hạ áp, xây dựng 63 TBA; cải tạo 81km đường dây hạ áp… với tổng vốn đầu tư gần 90 tỷ đồng. Đến nay Điện lực Thanh Sơn đang quản lý 406 trạm/408 MBA có tổng dung lượng 124.501,5kVA với 441,719km đường dây 35kV, gần 34km đường dây 22kV, 683km đường dây 0,4kV, khắc phục cơ bản tình trạng điện thiếu, điện yếu. Trở lại xã Giáp Lai, chúng tôi thấy rõ sự thay đổi của hệ thống điện cấp vào các khu dân cư, nhiều đường dây 1 pha 2 dây đã được thay thế bằng đường điện 3 pha 4 dây, hệ thống TBA cũng được đầu tư xây dựng mới, nâng từ 2 trạm lên 7 TBA, công suất MBA được nâng từ 75kVA lên 100-160kVA, từ 160kVA lên 250kVA. Do đó các hộ dân không còn cảnh điện thắp sáng lờ mờ, lễ hội Đình Chung 2019 không còn cảnh mượn máy phát mà đã sử dụng toàn bộ điện lưới Quốc gia phục vụ lễ hội. Cùng với sự đầu tư cho điện hạ áp nông thôn, ngành Điện đã nâng cao công tác quản lý, vận hành, dịch vụ khách hàng, áp dụng các công nghệ mới, đầu tư cải tạo lưới điện cung cấp điện cho các khu, cụm công nghiệp. Trong đó KCN Thụy Vân đã nâng 2 MBA 40MVA lên 63MVA Bắc Việt Trì; thi công thêm 1 đường dây 22kV chống quá tải lưới điện 22kV trong khu công nghiệp…; khu công nghiệp Phú Hà lắp đặt, đóng điện MBA T2 40MVA xong tháng 6 vừa qua; xây dựng thêm 1 đường dây 22kV với tổng mức đầu tư 2,4 tỷ đồng…Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Lâm - Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ cho biết: Trên địa bàn tỉnh có khá nhiều khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động, xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mới, hoạt động sản xuất ở các làng nghề, làng có nghề và ở các xã cũng khá sôi động nên nhu cầu tiêu thụ điện năng luôn tăng cao, đồng thời, nhu cầu sử dụng thiết bị điện trong sinh hoạt tăng nhanh như máy giặt, điều hòa, tủ lạnh… đồng nghĩa với việc sản lượng điện tiêu thụ ngày càng lớn. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của ngành điện và các cấp, ngành, rất cần sự hỗ trợ, hợp tác từ chính người dân để đảm bảo sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, giảm thiểu tổn thất điện năng.