Kỳ II: Giải pháp phát triển công nghiệp chế biến gỗ
Phát triển công nghiệp chế biến gỗ là một trong những giải pháp nhằm phát triển kinh tế rừng bền vững, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế cho các hộ dân vùng nông thôn, miền núi, góp phần thực hiện thành công cơ cấu lại ngành Lâm nghiệp. Tuy nhiên, dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng ngành công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn, đòi hỏi cần có giải pháp bứt phá để phát triển bền vững.
Tạo đà phát triển công nghiệp chế biến gỗ
Phát triển công nghiệp chế biến gỗ ở xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa, góp phần phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.
Còn nhiều khó khăn
Thời gian qua, để nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, tỉnh đã tăng cường chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương thực hiện chặt chẽ công tác quản lý đất rừng, trồng rừng để đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cũng như định hướng phát triển của tỉnh. Hiện nay, trước biến động của thị trường, nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế trong tỉnh, trong đó có ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ đang đứng trước nhiều thách thức. Để tạo ra các sản phẩm gỗ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn đòi hỏi phải đầu tư lớn về vốn, nguồn nhân lực và công nghệ chế biến. Tuy nhiên, quy mô sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ và vừa; trình độ công nghệ chế biến ở mức trung bình, tiêu hao nguyên liệu còn lớn, sản phẩm phần lớn chưa có thương hiệu nên tác động đến sự phát triển chung của ngành công nghiệp chế biến gỗ.
Có thể thấy, hạn chế đối với ngành chế biến gỗ là trong tổng thể cơ cấu ngành nghề chế biến gỗ, sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ sở chế biến và người trồng rừng chưa chặt chẽ, chưa gắn kết với chuỗi giá trị. Chế biến gỗ quy mô còn nhỏ lẻ, mối liên kết thấp, sản phẩm gỗ chế biến tuy đa dạng song chủ yếu là sản phẩm sơ chế, chế biến thô, giá trị gia tăng thấp. Còn ít doanh nghiệp chế biến gỗ tại tỉnh xuất khẩu trực tiếp sản phẩm ra nước ngoài mà đa số bán cho các công ty khác tại Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh…
Bên cạnh đó, do số lượng các cơ sở chế biến gỗ tăng nhanh dẫn đến mất cân đối giữa cung và cầu trong việc cung cấp nguyên liệu đầu vào. Ở nhiều địa phương, năng lực chế biến đã vượt khả năng cung ứng nguyên liệu nên xảy ra việc khai thác quá mức, sử dụng cây chưa đủ tuổi, gây lãng phí, tỉ lệ hao hụt cao, có lúc các cơ sở chế biến gỗ còn thiếu nguyên liệu, ảnh hưởng tới quá trình sản xuất.
Anh Nguyễn Chí Công, khu 6, xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa - chủ cơ sở chuyên sơ chế ván bóc cho biết: “Sản lượng sơ chế của cơ sở đạt khoảng 300m3/tháng, sản phẩm chủ yếu chế biến thô rồi xuất qua khâu trung gian nên phụ thuộc lớn vào biến động thị trường, tác động đến hoạt động của doanh nghiệp”.
Thực tế hiện nay, bảo đảm nguồn nguyên liệu là yếu tố quan trọng để tỉnh thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư các nhà máy chế biến nông lâm sản, tạo chuỗi giá trị bền vững, xây dựng thương hiệu sản phẩm lâm sản. Qua thống kê, diện tích rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh hơn 122.000ha, trung bình mỗi năm toàn tỉnh thực hiện trồng mới trên 9.000ha rừng tập trung, năng suất rừng trồng được cải thiện, đạt 15-17 m3/ha/năm. Sản lượng gỗ khai thác năm 2022 đạt 740.000m3, tăng 3% so với năm 2021, tỉ trọng lâm nghiệp trong toàn ngành nông nghiệp chiếm 7%. Những năm gần đây, các thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... luôn đòi hỏi gỗ và sản phẩm từ gỗ khi thâm nhập thị trường này phải rõ nguồn gốc, đây cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp chế biến gỗ cần thích ứng. Những khó khăn trên cần có giải pháp khắc phục để ngành công nghiệp chế biễn gỗ phát triển xứng với tiềm năng.
Xưởng mộc của anh Đoàn Tuấn Anh ở làng nghề mộc Dư Ba, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Tháo gỡ “rào cản”
Để phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ hiệu quả, bền vững, cần tập trung xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Phát triển vùng nguyên liệu ổn định đồng nghĩa với việc quản lý rừng bền vững, trong đó chú trọng xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu rừng trồng tập trung gắn với phát triển sản xuất, chế biến gỗ tại chỗ và phát triển, nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến gỗ là cần thiết. Cùng với đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa trong chế biến gỗ và bảo quản lâm sản nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu gỗ cho xây dựng, chế biến
Ông Nguyễn Trọng Chiến, Trưởng làng nghề mộc Vân Du, huyện Đoan Hùng cho rằng: “Trong cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi các làng nghề phải nỗ lực đầu tư đổi mới, đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường. Việc đầu tư, mở rộng các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ phải đảm bảo yêu cầu công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến kết hợp với công nghệ truyền thống để phát triển những mặt hàng đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu”.
Để sản phẩm gỗ chế biến có chất lượng, đạt giá trị kinh tế cao, nâng cao chất lượng gỗ nguyên liệu có vai trò quan trọng. Theo đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp thay đổi nhận thức về sử dụng gỗ hợp pháp và tập quán sử dụng gỗ rừng tự nhiên sang sử dụng gỗ từ rừng trồng; từ trồng rừng quảng canh sang thâm canh, chú trọng nâng cao chất lượng rừng trồng, tập trung trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn theo đúng lộ trình. Chứng chỉ rừng bền vững FSC được xem là một công cụ marketing hỗ trợ thâm nhập vào các thị trường quốc tế và đạt được giá cả tối ưu.
Việc trồng rừng cần có quy hoạch cụ thể, đẩy mạnh chuyển đổi phương thức sản xuất lâm nghiệp quảng canh sang thâm canh; kết hợp trồng rừng gỗ nhỏ và rừng gỗ lớn để vừa nâng cao chất lượng, vừa tăng thu nhập cũng như tăng tỉ trọng nguyên liệu gỗ trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành chế biến gỗ theo hướng sử dụng tổng hợp gỗ, đa dạng hóa sản phẩm, bao gồm đồ gỗ nội, ngoại thất, các loại ván gỗ, dăm gỗ, viên nén gỗ, trong đó nhóm sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất có giá trị gia tăng cao là chủ đạo.
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp và công nghiệp chế biến gỗ theo yêu cầu bối cảnh mới; có những chính sách hỗ trợ về vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về quỹ đất, mặt bằng đầu tư nhà máy, xưởng sản xuất chế biến gỗ với quy mô lớn, công nghệ tiên tiến. Đồng thời đẩy mạnh việc chuyển hóa và trồng rừng gỗ lớn; tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức thúc đẩy hình thành mô hình quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC; phát triển, nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến.
Ông Đặng Việt Phương- Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, thị trường, dự báo nhu cầu thị trường phải được coi là căn cứ để xác định mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến gỗ, đồng thời là động lực để từng bước đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị phù hợp, tiên tiến gắn với khả năng cung ứng nguồn nguyên liệu và công tác quản lý, sử dụng rừng bền vững. Bên cạnh đó, tăng cường các chương trình khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất cũng như tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thông qua các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại...
Tin liên quan:
Tạo đà phát triển công nghiệp chế biến gỗ
Phú Thọ là tỉnh có diện tích rừng và đất rừng lớn với 190.000ha, trong đó diện tích đất rừng sản xuất khoảng 120.000ha, hàng năm diện tích trồng rừng tập trung khoảng trên 10.000ha. Xác định được tiềm năng, thế mạnh, tỉnh đã tập trung chỉ đạo phát triển rừng là một trong những chương trình kinh tế trọng điểm nhằm cung cấp nguyên liệu phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn theo hướng bền vững.
Hoàng Hương - Thanh Nga