Kỳ II: Nảy sinh nhiều việc khó

PTĐT - Việc sắp xếp, sáp nhập tổng thể các khu dân cư và đơn vị hành chính cấp xã đã, đang được các địa phương tích cực triển khai thực hiện và nhận được sự đồng thuận của đông đảo quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã xuất hiện không ít những khó khăn, thách thức…

Sau khi sáp nhập, nhà văn hóa khu trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng chung của nhiều người dân.- Người dân khu 9, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì chơi bóng chuyền hơi tại nhà văn hóa khu dân cư.

Sau khi sáp nhập, nhà văn hóa khu trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng chung của nhiều người dân.- Người dân khu 9, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì chơi bóng chuyền hơi tại nhà văn hóa khu dân cư.

>>> Kỳ I: Chủ trương lớn - Quyết tâm cao

Bà Nguyễn Thị Hồng Lâm - Bí thư Huyện ủy Hạ Hòa cho biết: Việc sắp xếp, bố trí lại công việc cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư do sáp nhập là vấn đề khó khăn nhất, quyết định đến sự thành công của việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, quyền lợi, nghĩa vụ, nhất là đối với những trường hợp dôi dư không bố trí được công tác phù hợp. Trong một khoảng thời gian nhất định, số lượng công chức cấp xã có thể cao hơn so với quy định hiện nay bởi vì, với số lượng cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập nhiều thì khó có thể bố trí đúng với số lượng công chức cấp xã theo quy định hiện nay. Việc xây dựng chính sách, quy định cụ thể đối với cấp trưởng của các tổ chức chính trị - xã hội sau khi sáp nhập không được bố trí cấp trưởng hoặc không được bố trí sang cán bộ, công chức ở xã mới thành lập cũng là điều khiến nhiều cán bộ còn trăn trở. Đối với việc sáp nhập khu dân cư, việc sáp nhập khu dân cư không đủ tiêu chuẩn nhưng thuộc diện đặc biệt khó khăn (khu 135) với khu không phải khu 135 cũng khiến người dân băn khoăn đặc biệt là trong việc thực hiện các chế độ, chính sách sau khi sáp nhập.
Ngoài ra, qua khảo sát thực tế và dự kiến sáp nhập khu dân cư tại cơ sở, cho thấy: Khi sáp nhập 2 khu liền kề với nhau vẫn chưa đủ 200 hộ (theo quy định tại Thông tư số 09 năm 2017 của Bộ Nội vụ) thì phải sáp nhập tiếp khu liền kề thứ 3 trở lên để đạt quy mô trên 200 hộ. Tuy nhiên, một số khu thuộc trường hợp này khi sáp nhập và được thành lập mới thì diện tích của khu lại quá rộng, địa hình, giao thông chia cắt không thuận lợi cho việc đi lại phục vụ sinh hoạt cộng đồng của nhân dân và gây khó khăn trong việc tổ chức, triển khai các nhiệm vụ của Chi bộ và khu dân cư. Hoặc tại một số phường trên địa bàn thành phố Việt Trì, việc sáp nhập sẽ khiến khu dân cư tăng từ khoảng hơn 100 hộ lên đến 400 - 500 hộ gây khó khăn trong công tác quản lý, bám nắm tình hình hoạt động, đời sống của nhân dân trong khu. Một số chi bộ sau khi sáp nhập có số đảng viên lên tới trên 200 đảng viên nên việc sinh hoạt Đảng hàng tháng cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Thanh Huân - khu 13, phường Gia Cẩm chia sẻ: “Ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước tuy nhiên khi triển khai thực hiện, điều chúng tôi thấy phân vân đó là sau khi hoàn tất việc sáp nhập khu dân cư thì dân số rất đông, khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động cộng đồng. Điều này cũng dễ dẫn đến tình trạng cha chung không ai khóc, càng đông càng ỷ lại nhau. Năng lực, trình độ của cán bộ phụ trách khu liệu có thể đảm đương hết các công việc?. Nếu sau khi sáp nhập nhưng vẫn để các khu sinh hoạt chia rẽ như trước để tiện trong việc họp, phổ biến nội dung thì sẽ không có tính cố kết cộng đồng, không có tinh thần đoàn kết. Sẽ xảy ra tình trạng người dân trong cùng khu nhưng có khi lại không biết nhau do địa bàn dân cư rộng hoặc không cùng sinh hoạt chung”. Đối với các huyện miền núi, khu dân cư có số hộ dưới 50% so với quy định chưa sắp xếp, sáp nhập đông. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi đồi núi, sông suối; có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống nên phong tục, tập quán khác nhau. Vì vậy, việc đảm bảo tiêu chuẩn về quy mô hộ dân sau khi sáp nhập thành khu dân cư mới theo quy định đòi hỏi phải sáp nhập nhiều khu dân cư, dẫn đến diện tích lớn, đất canh tác không tập trung khó khăn trong việc phát triển kinh tế và công tác quản lý. Ông Hoàng Văn Bộ - Phó Bí thư chi bộ khu 6, xã Tân Phú, huyện Tân Sơn chia sẻ: “Xã Tân Phú thực hiện sắp xếp, sáp nhập 2 khu dân cư là khu 7 và khu 6 trong đó một khu chủ yếu là người Mường, khu còn lại đa phần là người Kinh sinh sống, phong tục, tập quán, lối sống có rất nhiều khác biệt. Vì vậy, sau khi sáp nhập nhiều hoạt động chung của khu như tổ chức liên hoan ẩm thực, giao lưu văn hóa, văn nghệ sẽ cần bàn bạc kỹ lưỡng để phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống cũ của bà con trước kia…”. Cũng như xã Tân Phú, xã Mỹ Thuận nằm trong diện sắp xếp sáp nhập 2 khu dân cư là khu xóm Lực và khu xóm Mới. Trong đó, khu xóm Mới có 58 hộ và gần 100% là người Kinh, khu xóm Lực có 160 hộ và chủ yếu là đồng bào Mường. Hiện nay, nhà văn hóa xóm Lực không đảm bảo về cơ sở vật chất, còn nhà văn hóa xóm Mới thì gần như bỏ không, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hội họp do đã xuống cấp và nằm sâu trong đường mòn không có lối đi, mọi việc họp hành đều tại nhà dân. Không chỉ băn khoăn về sự khác nhau giữa phong tục, tập quán sau khi sáp nhập 2 khu, ông Bùi Xuân Đại, người dân khu xóm Lực chia sẻ: “Do cơ sở vật chất nhà văn hóa của cả hai khu đều không đảm bảo nên sau khi sáp nhập, số hộ dân tăng, người dân đông, việc họp khu sẽ khó có thể đáp ứng. 2 khu với địa hình trải dài khoảng 5km, dân cư không tập trung, loa phát thanh lại không có sẽ là khó khăn lớn đối với bí thư, trưởng khu dân cư khi cần thông báo, cũng như thực hiện công tác tuyên truyền đến người dân”.Có thể thấy, quá trình sắp xếp, sáp nhập khu dân cư và đơn vị hành chính cấp xã gặp phải những khó khăn nhất định. Không chỉ trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ, câu chuyện về việc đặt tên, trụ sở làm việc, địa điểm họp bàn của xã mới, khu mới…, các vấn đề tồn đọng của các đơn vị trước khi sáp nhập cũng khiến nhiều người băn khoăn. Ngoài ra, trước kia các hoạt động dân sinh diễn ra trong phạm vi không gian nhỏ, đất đai sản xuất cũng được chia nhỏ một thời gian dài, ổn định, khi xã mới thành lập được nới rộng gấp 3 lần, người dân không khỏi lo lắng về vấn đề quản lý hành chính như giấy tờ nhân thân, hộ khẩu; những thay đổi về vấn đề pháp lý, chính sách an sinh, giáo dục của đảng, công tác quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở, việc đóng góp các loại quỹ của đoàn thể tại các khu khi mặt bằng thu nhập không giống nhau... Bên cạnh đó, trình độ quản lý của chính quyền cấp cơ sở hiện nay còn hạn chế, hệ thống dữ liệu điện tử và mô hình chính phủ điện tử ở cấp cơ sở chưa phát triển, do đó cả người dân và đội ngũ cán bộ, công chức đều gặp khó khăn khi số lượng cán bộ, công chức được bố trí ít, địa bàn quản lý thì rộng hơn với số dân lớn hơn. Tuy vậy chính quyền, nhân dân các huyện, thành, thị trong tỉnh đã có nhiều giải pháp hay, từng bước gỡ khó để thực hiện chủ chương lớn của Trung ương, của tỉnh theo đúng tiến độ và đảm bảo hiệu quả, hợp lòng dân…

Kỳ III: Những cách làm hay

Nhóm PV phòng Chuyên đề

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/201907/ky-ii-nay-sinh-nhieu-viec-kho-165634