Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Thắm: Đảm bảo thông suốt khi sắp xếp 80 phường ở TP.HCM

Trong quá trình sắp xếp 80 phường, TP.HCM luôn chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo… cũng như các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội.

Đầu tháng 4-2024, tại buổi làm việc với UBND TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã cơ bản đồng thuận với phương án sắp xếp 80 phường thuộc 10 quận, giảm 39 đơn vị hành chính (ĐVHC) trong giai đoạn 2023-2030 của TP.HCM.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết TP.HCM sắp xếp 80 phường để thành lập 38 phường đảm bảo tiêu chuẩn của ĐVHC mới là con số không nhỏ, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của TP.HCM.

Số lượng sắp xếp gấp bốn lần

 Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

. Phóng viên: Thưa bà, TP.HCM đã nỗ lực rà soát, tính toán như thế nào để đi đến phương án sắp xếp 80 phường này?

+ Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm: Sở Nội vụ đã nghiên cứu kỹ các nội dung theo Nghị quyết 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã trong giai đoạn 2023-2030. Trong đó có các nội dung quy định về các ĐVHC cấp huyện, xã thuộc diện sắp xếp, nguyên tắc sắp xếp, các trường hợp không bắt buộc sắp xếp, tiêu chuẩn của ĐVHC cấp huyện, xã sau khi sắp xếp, nguồn số liệu về diện tích và dân số của ĐVHC cấp huyện, xã.

Đặc biệt, TP.HCM chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội.

Chúng tôi cũng phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND cấp huyện, đặc biệt là Công an TP rà soát kỹ số liệu về dân số (thường trú, tạm trú quy đổi) và các yếu tố đặc thù riêng của TP.HCM.

Qua đó, tham mưu UBND TP sắp xếp 80 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sắp xếp (giai đoạn này không sắp xếp đối với ĐVHC cấp huyện). Phương án sắp xếp cũng đã được Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất.

Hiện nay TP.HCM đang khẩn trương thực hiện quy trình các bước theo quy định để xây dựng đề án chi tiết trên cơ sở phương án tổng thể đã được Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trương và ý kiến góp ý của Bộ Nội vụ cùng với các bộ, ngành Trung ương.

Dự kiến trong tháng 7 này, UBND TP.HCM sẽ trình HĐND TP thông qua nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp ĐVHC trước khi trình Bộ Nội vụ thẩm định.

Với số lượng ĐVHC cấp xã được sắp xếp gấp bốn lần so với giai đoạn trước, TP.HCM sẽ tiến hành cẩn trọng, tránh làm xáo trộn đời sống của người dân và công việc của cán bộ, công chức.

 Người dân đang đánh giá mức độ hài lòng về sự phục vụ của cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa UBND quận Phú Nhuận. Ảnh: THUẬN VĂN

Người dân đang đánh giá mức độ hài lòng về sự phục vụ của cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa UBND quận Phú Nhuận. Ảnh: THUẬN VĂN

. Trên thực tế, không có sự sắp xếp nào mà không gây xáo trộn. Hẳn TP.HCM cũng đã dự liệu những khó khăn này và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa?

+ Rút kinh nghiệm thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019-2021 tại TP Thủ Đức và 19 phường, lần này Sở Nội vụ đã chủ động đề xuất với UBND TP cho các quận tự xây dựng phương án của địa phương sao cho phù hợp với tình hình thực tế, để ĐVHC hình thành có nhiều thuận lợi nhất cho người dân.

Tại TP Thủ Đức, qua sắp xếp, Thành ủy TP Thủ Đức giảm 2 tổ chức Đảng cấp trên cơ sở; giảm 10 cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy; giảm 12 cán bộ cấp trưởng, 2 cán bộ cấp phó. Khối chính quyền đã giảm 2 ĐVHC cấp huyện, 24 cơ quan chuyên môn, 29 nhân sự cấp trưởng.

Thành lập mới Phòng KH&CN, Phòng Quy hoạch - Xây dựng, Phòng Giao thông công chính, Thanh tra xây dựng. Do đó, tổng số cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND TP Thủ Đức hiện nay là 15 cơ quan, 1 tổ chức hành chính khác là Trung tâm hành chính công.

Đối với các phường thuộc các quận 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, số cán bộ, công chức dôi dư đến tháng 3-2024 đã được giải quyết, bố trí xong. Các đơn vị cũng có kế hoạch bố trí tái sử dụng lại trụ sở dôi dư. Riêng 2 trụ sở Ban chỉ huy Quân sự tại phường 11 và phường 13 của quận Phú Nhuận đang bổ sung hồ sơ để thực hiện bán đấu giá.

Song song đó, nắm bắt tâm tư, tình cảm của cán bộ và người dân tại các địa phương có sắp xếp; tính toán trụ sở cơ quan hành chính ngay sau khi sắp xếp để không gây xáo trộn, gián đoạn việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Sở Nội vụ cũng phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và các địa phương liên quan tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng từ TP đến cơ sở, với phương châm vừa thực hiện sắp xếp giai đoạn mới vừa kế thừa, giải quyết dứt điểm các tồn tại của giai đoạn trước.

Giúp chọn được cán bộ có năng lực, tâm huyết

. Những địa phương đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021, đến nay đã đi vào hoạt động ổn định như thế nào và hiệu quả mang lại là gì, thưa bà?

+ Nhìn chung, việc sắp xếp tại TP Thủ Đức và 19 phường thuộc năm quận (sau khi sắp xếp còn chín phường mới) đến nay đã cơ bản ổn định.

Đáng chú ý, công tác giải quyết các thủ tục hành chính cũng như thay đổi giấy tờ của người dân được thực hiện có hiệu quả ngay từ khi có nghị quyết của UBTVQH, đảm bảo cập nhật đầy đủ và không thu lệ phí khi người dân có yêu cầu chuyển đổi giấy tờ.

Qua thực tiễn sắp xếp, bộ máy của các ĐVHC được tinh gọn, đảm bảo quy mô quản lý phù hợp. Đội ngũ cán bộ, công chức được tinh giản nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; giảm chi ngân sách hằng năm để tập trung được nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội…

Việc sắp xếp các ĐVHC còn tạo điều kiện để cơ cấu lại và lựa chọn, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với tiêu chuẩn của từng vị trí việc làm, lựa chọn được những người có năng lực, tâm huyết, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Qua đó, nâng cao chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức phường.

 Cán bộ bộ phận một cửa phường 9, quận 11 làm thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: THUẬN VĂN

Cán bộ bộ phận một cửa phường 9, quận 11 làm thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: THUẬN VĂN

. Đối với khó khăn trong quá trình sắp xếp ĐVHC, có lẽ việc giải quyết tâm tư, tình cảm của cán bộ dôi dư cũng là câu chuyện khiến các cơ quan trăn trở nhiều?

+ Quả thực như vậy. Đó là câu chuyện khiến chúng tôi suy nghĩ rất nhiều nhưng đây là chủ trương chung, mang nhiều ý nghĩa như tôi đã chia sẻ ở trên. TP.HCM sẽ nỗ lực sắp xếp phù hợp, đúng quy định và chia sẻ với tâm tư, lo lắng của đội ngũ cán bộ.

Căn cứ phương án tổng thể của 10 quận có ĐVHC thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2030 thì dự kiến số lượng cán bộ, công chức dôi dư sau khi sắp xếp ở 80 phường hơn 450 người.

Việc sắp xếp lại số lượng cán bộ, công chức dôi dư được thực hiện theo Hướng dẫn 26/2023 của Ban Tổ chức Trung ương. TP.HCM sẽ căn cứ vào tình hình thực tế tại các quận có phường thực hiện sắp xếp, cho thời gian nhất định để các địa phương hoàn chỉnh số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng cán bộ, công chức ở các cơ quan, tổ chức thuộc ĐVHC sau khi sắp xếp, chậm nhất là năm năm kể từ ngày có nghị quyết của UBTVQH.

Như vậy, các địa phương thực hiện sắp xếp sẽ có thời gian đủ để bố trí ổn định lực lượng cán bộ, công chức dôi dư này.

. Xin cảm ơn bà.

Nỗ lực thực hiện đúng tinh thần Trung ương giao

Theo phương án tổng thể TP.HCM trình Bộ Nội vụ xem xét, thẩm định thì TP tổ chức sắp xếp 80 phường để thành lập 38 phường mới đảm bảo các tiêu chuẩn của ĐVHC mới sau khi sắp xếp theo Nghị quyết 27/2022 của UBTVQH.

Qua đó, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của TP.HCM, đảm bảo thực hiện đúng tinh thần Kết luận 48/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030 là “nhằm tổ chức hợp lý ĐVHC các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về ĐVHC, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân…”.

Tôi cho rằng điều cốt yếu để sắp xếp các phường đạt sự ổn định, đồng thuận trong bộ máy và người dân là phải sắp xếp tổ chức bộ máy, đánh giá, phân loại, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương hình thành sau khi sắp xếp.

Từ đó, đảm bảo lựa chọn được những người có phẩm chất, năng lực, tận tâm với công việc để đảm nhận những vị trí công việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM NGUYỄN THỊ HỒNG THẮM

LÊ THOA thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/pho-giam-doc-so-noi-vu-tphcm-nguyen-thi-hong-tham-dam-bao-thong-suot-khi-sap-xep-80-phuong-o-tphcm-post799505.html