Kỳ II: Những con số để lại nhiều...suy ngẫm
PTĐT - Như trong kỳ trước chúng tôi đã đề cập, cán bộ vi phạm bị phát hiện đã được xử lý theo quy định của pháp luật, tuy nhiên trên một bình diện khác, thông qua hoạt động...
>>> Kỳ I: Quản lý đất đai- một “sai”, hai “phạm”PTĐT - Như trong kỳ trước chúng tôi đã đề cập, cán bộ vi phạm bị phát hiện đã được xử lý theo quy định của pháp luật, tuy nhiên trên một bình diện khác, thông qua hoạt động của các cơ quan tố tụng, hoạt động của ngành thanh tra cũng phát hiện ra nhiều sai phạm trong quản lý đất đai (QLĐĐ) ở cơ sở. Điều này “hé mở” thêm những góc nhìn, phản ánh thực trạng QLĐĐ hiện nay còn hàm chứa những con số để lại nhiều...suy ngẫm.Từ những quyết định hành chính bị hủy...Thực tế cho thấy, những năm gần đây, thực trạng vi phạm về QLĐĐ ở cấp xã, phường, thị trấn được người dân phát giác, tố giác đến cơ quan chức năng có chiều hướng ngày một nhiều. Thống kê qua công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh hàng năm cho thấy, hơn 80% đơn thư có liên quan đến lĩnh vực đất đai, trong đó có nhiều vụ việc đơn thư kéo dài bắt nguồn từ công tác QLĐĐ còn lỏng lẻo hoặc vi phạm những quy định của pháp luật về QLĐĐ. Đáng lưu ý là, không ít vụ việc đã bị công dân làm đơn khởi kiện ra Tòa án vì những tắc trách không đáng có trong QLĐĐ của các cơ quan hành chính nhà nước. Nhiều vụ việc Tòa án có đủ căn cứ tuyên hủy quyết định hành chính (hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - GCNQSDĐ) của cấp có thẩm quyền, qua đó cho thấy còn có bất cập trong QLĐĐ ở cơ sở.Đơn cử như vụ việc ông Nguyễn Văn Quý, sinh năm 1938, ở khu 4, xã Mai Tùng, huyện Hạ Hòa khiếu kiện đối với UBND huyện Hạ Hòa, đề nghị Tòa án “hủy quyết định hành chính” (hủy GCNQSDĐ). Theo ông Quý, năm 1994, ông mua một mảnh đất thổ cư có diện tích 720m2, ở khu 6, xã Ấm Thượng (nay là thị trấn Hạ Hòa), huyện Hạ Hòa và viết giấy giao cho con trai ông là Nguyễn Hồng Quân trông coi, sử dụng. Năm 1995, con trai ông Quý lấy vợ và ở trên mảnh đất đó. Tuy nhiên đến ngày 12/3/2003, UBND huyện Hạ Hòa lại cấp GCNQSDĐ số T790758 đứng tên hộ anh Nguyễn Hồng Quân. Do không làm thủ tục tặng cho, chuyển nhượng nên ông Quý đã làm đơn khởi kiện, đề nghị Tòa án hủy GCNQSDĐ số T790758 do UBND huyện Hạ Hòa cấp cho anh Nguyễn Hồng Quân. Trong quá trình thụ lý, xem xét, giải quyết, UBND huyện Hạ Hòa đã không cung cấp được đủ hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho anh Nguyễn Hồng Quân và cũng không cung cấp được nguồn gốc diện tích của thửa đất trước khi cấp GCNQSDĐ. Từ các căn cứ trên, Tòa án nhân dân tỉnh đã chấp nhận yêu cầu hủy GCNQSDĐ cấp cho anh Nguyễn Hồng Quân theo đề nghị của ông Quý.
Không đủ hồ sơ, giấy tờ vẫn được cấp GCNQSDĐ đã là chuyện lạ, nhưng có trường hợp người xin cấp đất thổ cư lại được cấp giữa...cánh đồng càng lạ hơn, điều này cho thấy, công tác QLĐĐ ở cơ sở còn không ít chuyện...“cười ra nước mắt”. Điển hình như vụ việc ông Nguyễn Đình Nghĩa, sinh năm 1961, ở khu 7, xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh buộc UBND huyện Cẩm Khê có trách nhiệm thu hồi 3 thửa đất số 37a, 37b, 37c thuộc tờ bản đồ số 10, nay là thửa tương ứng 181, 182, 183, tờ bản đồ số 13, theo bản đồ 299 tại khu 7, xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê để cấp lại GCNQSDĐ cho đúng vị trí theo biên bản giao đất số 44, ngày 10/7/1997 của UBND xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê, vì ông cho rằng, ông làm đơn xin cấp đất thổ cư nhưng có sự nhầm lẫn với hộ khác và lại cấp cho ông... giữa cánh đồng không có lối vào. Căn cứ thực tế, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên hủy GCNQSDĐ kể trên, yêu cầu UBND huyện Cẩm Khê cấp lại GCNQSDĐ cho các hộ theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với mục đích sử dụng thực tế QSDĐ. Trên đây chỉ là 2 trong số hơn 60 vụ việc mà Tòa án nhân dân tỉnh phải tổ chức phiên tòa về việc khiếu kiện của công dân đề nghị hủy quyết định hành chính của UBND cấp huyện kể từ năm 2017 đến nay. Đã có hàng chục quyết định hành chính về cấp GCNQSDĐ bị tuyên hủy cho thấy câu chuyện về QLĐĐ ở cơ sở vẫn còn nhiều chuyện phải bàn.
...đến phát hiện sai phạm qua công tác thanh traĐể tăng cường xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành; UBND các huyện, thành, thị thành lập đoàn kiểm tra của huyện để kiểm tra các dự án được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất từ năm 2010 đến hết năm 2018 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra được 486 dự án, trong đó đoàn của tỉnh đã tiến hành kiểm tra 159 dự án; các huyện, thành, thị tiến hành kiểm tra 327 dự án. Qua kiểm tra cho thấy, có 104 dự án chưa hoàn thiện về thủ tục đất đai như: Chưa đăng ký đất đai, đăng ký biến động, chưa ký hợp đồng thuê đất; 38 dự án chưa thực hiện hoặc chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với số tiền gần 25 tỷ đồng.Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, riêng năm 2019, Sở đã thực hiện 4 cuộc thanh tra đối với 25 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và rà soát tiến độ đối với 486 dự án được giao đất, cho thuê đất từ năm 2010 đến năm 2018. Kết quả thanh tra cho thấy, do quản lý không chặt chẽ, để doanh nghiệp lấn chiếm (Công ty cổ phần thương mại miền núi Phú Thọ lấn chiếm 73,7m2); cho thuê đất không đúng quy định (Công ty TNHH thương mại Long Liễu); lấn chiếm hành lang giao thông thủy lợi (Công ty cổ phần Thượng Long, Công ty cổ phần đầu tư Kiến Thành)…Bên cạnh đó, qua hoạt động thanh tra hai cấp của ngành Thanh tra, trong 5 năm qua, công tác thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm và kiến nghị thu hồi 83.545 m2 đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với 08 tập thể, 14 cá nhân; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 01 vụ việc.Tiếp tục đi tìm sự lý giải cho nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế được chỉ ra qua công tác thanh tra, kiểm tra, chúng tôi được biết, sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa chủ động, quyết liệt, hiệu quả, cá biệt còn có tình trạng buông lỏng, né tránh, đùn đẩy trong công tác quản lý, vì thế nhiều trường hợp vi phạm kéo dài nhưng không được kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc buông lỏng trong công tác quản lý của chính quyền cơ sở đã vi phạm mang tính chất hệ thống, gây khó khăn cho công tác xử lý, khắc phục hậu quả. Đồng chí Bạch Thái Toàn – Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận: Lĩnh vực đất đai liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của từng người sử dụng đất nên dễ phát sinh vướng mắc, trong khi đó chính sách về đất đai tuy đã được hoàn thiện hơn nhưng vẫn còn bất cập. Mặt khác, việc nghiên cứu, tìm hiểu và ý thức chấp hành Luật Đất đai của một số cán bộ thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai còn hạn chế, đặc biệt là cấp cơ sở, khiến cho việc tham mưu, đề xuất có lúc, có nơi còn để xảy ra sai sót; hồ sơ quản lý đất đai chưa hoàn thiện, chưa cập nhật được biến động đất đai, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu đất đai nên dẫn đến việc QLĐĐ ở cơ sở còn lỏng lẻo, thậm chí vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202009/ky-ii-nhung-con-so-de-lai-nhieusuy-ngam-172905