Kỳ II: Những thách thức trong công tác bảo tồn di sản
PTĐT - Phú Thọ có hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú với 967 di tích, 874 di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT). Mặc dù được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước...
>>> Kỳ I: Xã hội hóa “tài sản của cộng đồng”
PTĐT - Phú Thọ có hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú với 967 di tích, 874 di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT). Mặc dù được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự chung tay đóng góp của người dân song thời gian qua, nhiều di tích xuống cấp vẫn chưa được tu bổ, tôn tạo kịp thời, các DSVHPVT không được phục dựng do chưa đủ nguồn lực khiến nhiều địa phương không khỏi trăn trở.
“Cung chưa đủ với cầu”
Những năm qua, công tác tu bổ, phục hồi di tích được quan tâm, đầu tư, người dân đã có ý thức hơn trong việc gìn giữ và đóng góp tu bổ di tích. Tuy nhiên, với lượng di tích phong phú, loại hình đa dạng, yêu cầu trùng tu, tôn tạo, phục dựng rất lớn thì nguồn lực đầu tư chưa cập với nhu cầu thực tiễn. Hiện nay, một số di tích là những công trình có giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc cổ bị hư hỏng nặng, nhất là những công trình có nhiều cột gỗ, trạm trổ cầu kỳ thì vật liệu thay thế ngày càng khan hiếm, giá thành cao dẫn đến chi phí tu bổ phục hồi di tích lên đến hàng chục tỷ đồng trong khi ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp.Đình Đào Xá (xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy) là di tích thờ Hùng Hải Công- em trai Vua Hùng (con trai thứ 19 của Lạc Long Quân) được xây dựng vào thời Lê, thế kỷ XVII, đến nay hầu hết các kết cấu bằng gỗ đều bị hư hỏng nặng. Hay đình Do Nghĩa, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao thờ Đại Hải Long Vương được khởi dựng từ đầu thế kỷ XVIII. Di tích có kiến trúc chữ Đinh, gồm hai tòa nhà đại đình và hậu cung hiện đang xuống cấp, rất cần được trùng tu, tôn tạo vì các vì kèo, xà ngang, con rường, xà nối có thể bị sập bất cứ lúc nào. Nguồn lực dành cho trùng tu, tôn tạo di tích gặp khó, chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân cũng gặp khó khăn. Dù hiện nay đã có chính sách đãi ngộ cụ thể đối với các Nghệ nhân được quy định tại Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ về hỗ trợ đối với Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, như: Trợ cấp sinh hoạt hàng tháng, bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng... Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, đến nay toàn tỉnh vẫn chưa thể triển khai chính sách hỗ trợ.Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mạnh Hoạch, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập chia sẻ: “Là nghệ nhân tôi luôn ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Nhiều năm qua tôi đã truyền dạy cho nhiều người trong và ngoài xã những diễn xướng dân gian của dân tộc Mường. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi chưa nhận được chế độ hỗ trợ hàng tháng đối với nghệ nhân nên tôi mong muốn chính quyền các cấp quan tâm hơn, có chính sách hỗ trợ để mỗi nghệ nhân như chúng tôi có thêm điều kiện tư liệu hóa bài bản, cách thức trình diễn để lưu giữ, trao truyền cho thế hệ trẻ”.Để tăng cường nguồn lực xã hội hóa, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, ngày 20/4/2009, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 179/NQ-HĐND về quy hoạch phát triển văn hóa tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 nhằm đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động bảo vệ di sản văn hóa, khơi dậy những tiềm năng, thu hút sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.Theo đó, nguồn vốn cho công tác xã hội hóa, huy động các tổ chức kinh tế - xã hội, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước giai đoạn 2009-2019 phấn đấu đạt 1.107 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai thực hiện, đến nay, toàn tỉnh mới có 180/321 di tích đã xếp hạng được thực hiện bảo quản, tu bổ, tôn tạo; 17 di sản văn hóa phi vật thể được phục dựng; tổng nguồn lực xã hội hóa huy động là 584 tỷ đồng, đạt 52,7% chỉ tiêu kế hoạch. Ông Phạm Nga Việt - Phó trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, hiện nay có địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức, chưa huy động được sự vào cuộc của cả cộng đồng tham gia bảo vệ di sản văn hóa. Trong điều kiện ngân sách còn hết sức khó khăn, tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào đầu tư của Nhà nước đã làm cho nhiều di tích, nhất là các công trình tín ngưỡng tôn giáo bị xuống cấp nghiêm trọng. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền làm sao để người dân hiểu mỗi người là một chủ thể góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Tránh những vi phạm không đáng cóNếu chỉ nói rằng nguồn kinh phí thiếu khiến việc tu bổ di tích chưa kịp thời, các di tích đã xuống cấp lại càng xuống cấp hơn thì điều đó đúng nhưng chưa đầy đủ. Ngoài yếu tố khách quan do thời gian khiến di tích xuống cấp, cần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề nhận thức về di sản văn hóa và việc bảo vệ di sản văn hóa trong cộng đồng dân cư còn hạn chế. Điều đó có thể lý giải tại sao trong thực hiện xã hội hóa xảy ra tình trạng vi phạm việc trùng tu, tôn tạo hay cung tiến các hiện vật tại các di tích. Còn nhớ, trước dịp lễ hội Đền Hùng năm 2013, du khách phát hiện hòn đá có ký tự cổ, dấu ấn vuông, họa tiết phức tạp khó hiểu đặt tại Đền Hùng. Đến tháng 5/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu UBND tỉnh di dời hòn đá ra khỏi Đền Hùng vì không có trong danh mục các hiện vật đặt tại đây. Hay vụ việc “đưa sư tử về đình” diễn ra tại Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Đình Thạch Khoán (xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn) năm 2014 là một trong những hành vi làm sai lệch di tích được quy định trong Luật Di sản văn hóa. Đôi sư tử đá với móng vuốt dữ dằn, mang đặc trưng văn hóa phương Bắc được đặt trước cổng chính hoàn toàn không phù hợp, xa lạ với kiến trúc, nghệ thuật chung của ngôi đình cổ.Ngay sau đó, huyện Thanh Sơn đã di dời đôi sư tử đá ra khỏi đình. Cùng với đó, tại rất nhiều di tích, nhiều du khách, đặc biệt là những du khách trẻ tuổi có hành vi viết, vẽ, khắc tên… lên những công trình, kiến trúc, cây di sản gây phản cảm, mất mỹ quan và khó khắc phục.Theo báo cáo của Phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, qua quá trình kiểm tra, giám sát vẫn phát hiện những di tích sau khi trùng tu, tôn tạo, nhận hiện vật cung tiến vi phạm các quy định của pháp luật. Trong năm 2020, Phòng đã phát hiện Chùa Khánh Long, xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê tự ý sơn, sửa tượng phật; chùa Kim Tích, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông đưa tượng Quan Thế Âm vào khuôn viên chùa khi chưa được phép.Ngoài ra cũng phát hiện nhiều di tích đưa hiện vật vào không phù hợp với thuần phong mỹ tục như: Đền đá, hoa giả, đèn nháy… Bên cạnh hành vi làm sai lệch di tích, thời gian qua, một số địa phương đã khai thác tối đa giá trị kinh tế của di sản khiến điểm tham quan di tích quá tải, gây lộn xộn, nhất là vào dịp lễ hội đầu năm. Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc xã hội hóa được thực hiện chủ yếu đối với những di tích có yếu tố văn hóa tâm linh như đền, chùa bởi các di tích này hàng năm có nhiều du khách thập phương đến tham quan nên nguồn công đức ủng hộ lớn; nhiều di tích dòng họ, con cháu đỗ đạt, thành danh nên ủng hộ xây dựng nhiều. Trong khi đó, các di tích ít có yếu tố tâm linh như di tích cách mạng, di tích khảo cổ, việc xã hội hóa gặp khó khăn hơn. Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật quy định về việc tiếp nhận hiện vật mới do nhân dân công đức chưa rõ ràng khiến việc huy động xã hội hóa thực tế còn lúng túng.Ông Trần Huy Khoa- Phó trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Phù Ninh nêu quan điểm: “Hiện nay, nhiều di tích đề nghị được bổ sung hiện vật, đồ thờ, tượng thờ vào di tích, tiếp nhận hiện vật mới do nhân dân công đức, tuy nhiên, căn cứ Luật Di sản văn hóa và Nghị định 98/2010/NĐ-CP của Chính phủ lại quy định không cụ thể (tại khoản a, mục 1, điều 4, Nghị định 98). Vì vậy, để tăng cường xã hội hóa, cần phải có những văn bản quy định cụ thể hơn về tiếp nhận, bổ sung đồ thờ, hiện vật vào di tích cũng như trình tự, thủ tục hành chính cho nội dung này”.
Kỳ III: Gắn xã hội hóa với lộ trình bảo tồn di sản