Kỳ II: 'Sát hạch' kết nạp Đảng

PTĐT - Quy trình kết nạp đảng viên là 'chốt chặn' chắc chắn, là 'bộ lọc' quan trọng đầu tiên giúp sàng lọc, nâng cao chất lượng đảng viên.

Đảng viên Đinh Văn Bát (Chi bộ khu 8, Đảng bộ xã Tiêu Sơn, huyện Đoan Hùng) tuyên thệ tại lễ kết nạp đảng viên.

>>> Kỳ I: Lý tưởng phai nhạt, động cơ không trong sángPTĐT - Quy trình kết nạp đảng viên là “chốt chặn” chắc chắn, là “bộ lọc” quan trọng đầu tiên giúp sàng lọc, nâng cao chất lượng đảng viên. Căn cứ vào quy định, hướng dẫn chung của Ban Tổ chức Trung ương, mỗi Đảng bộ địa phương có cách vận dụng linh hoạt, sáng tạo theo điều kiện, hoàn cảnh thực tế trong việc gặp gỡ, trao đổi, kiểm tra nhận thức của quần chúng cảm tình Đảng trước khi ban hành quyết định kết nạp. Tuy nhiên, trước đây, các Đảng bộ trên địa bàn tỉnh đều triển khai thực hiện kỳ “sát hạch” này nhưng mấy năm trở lại đây, nhiều Đảng bộ địa phương đã bãi bỏ trong khi một số nơi vẫn duy trì, thậm chí nâng cao các tiêu chí về nhận thức tư tưởng chính trị, xã hội…Sàng lọc kỹ lưỡng, nâng “chuẩn đầu vào”
Khoảng chục năm về trước, trước khi ban hành quyết định kết nạp đảng viên, các đảng bộ địa phương trên địa bàn tỉnh đều tiến hành tiếp xúc, kiểm tra nhận thức của người muốn vào Đảng. Hình thức tổ chức có thể là buổi kiểm tra tự luận, vấn đáp hoặc đơn thuần là gặp gỡ, trao đổi qua đó cảm nhận, đánh giá về trình độ, nhận thức lý luận, mức độ am hiểu các vấn đề thời sự chính trị của địa phương, đơn vị công tác cũng như tư cách đạo đức, lối sống cùng tâm tư, nguyện vọng, động cơ của quần chúng cảm tình Đảng. Tuy nhiên, về sau thủ tục này đã được nhiều đảng bộ loại bỏ với lý do: Quy định Điều lệ Đảng không bắt buộc.Trước năm 2011, sau khi nộp hồ sơ lên Ban Tổ chức Huyện ủy, quần chúng cảm tình Đảng trên địa bàn huyện Yên Lập sẽ phải trải qua một kỳ kiểm tra nhận thức do cán bộ, lãnh đạo, chuyên viên các ban Đảng của Huyện ủy tổ chức. Không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực của “kỳ sát hạch” này nhưng do huyện miền núi, địa bàn rộng, nhiều khu dân cư cách xa trung tâm huyện mấy chục cây số, giao thông đi lại khó khăn, đồng bào dân tộc vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, trình độ nhận thức không đồng đều nên tình trạng người muốn vào Đảng không qua được “sát hạch”, hoặc thi lại nhiều lần dẫn đến chán nản bỏ cuộc diễn ra khá nhiều. Mặt khác, rà soát các quy định, văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục kết nạp đảng viên thấy không có điều khoản nào bắt buộc nên Huyện ủy Yên Lập đã quyết định không tổ chức tiếp xúc, trao đổi, kiểm tra nhận thức quần chúng cảm tình Đảng trước khi ban hành quyết định kết nạp. Cùng thời điểm với huyện Yên Lập, huyện Thanh Sơn cũng dừng việc tiếp xúc, kiểm tra nhận thức trước khi kết nạp Đảng gần chục năm nay nhằm giảm khó khăn trong quá trình đi lại cho đối tượng kết nạp Đảng, đặc biệt là các đối tượng sinh sống ở vùng sâu, vùng xa và không có quy định bắt buộc. Lý giải cho vấn đề này, ông Phí Đình Hưng - Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Sơn cho biết: “Mặc dù không trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc nhưng đối tượng kết nạp Đảng đã qua quá trình lựa chọn, sàng lọc ở chi bộ cơ sở nên có độ tin tưởng cao. Cùng với đó, chúng tôi kiểm tra rất kỹ lưỡng hồ sơ đảng viên để chắc chắn quy trình được làm chặt chẽ, đúng quy định trước khi trình Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét, ra nghị quyết, ban hành quyết định kết nạp đảng viên...”. Nhiều năm nay, việc “sát hạch”, trao đổi, tiếp xúc với đối tượng kết nạp Đảng trước khi ban hành quyết định cũng được Thành ủy Việt Trì bãi bỏ. Ban Tổ chức Thành ủy tiếp nhận, kiểm tra, rà soát hồ sơ, đảm bảo yêu cầu, đủ điều kiện kết nạp thì báo cáo với Ban Thường vụ Thành ủy. Những trường hợp cá biệt như vi phạm chính sách dân số, có thông tin phản ánh về lịch sử chính trị, mối quan hệ phức tạp... thì cán bộ, chuyên viên Ban Tổ chức sẽ về chi bộ cơ sở xác minh, gặp gỡ trực tiếp với đối tượng để làm rõ. Mỗi năm, Thành ủy kết nạp khoảng gần 300 đảng viên. Việc kết nạp đảng viên mới ngày càng khó khăn do thiếu nguồn...

Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Thanh Sơn trao Giấy chứng nhận lớp nhận thức về Đảng cho các học viên là quần chúng cảm tình Đảng (tháng 8/2019).

Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Thanh Sơn trao Giấy chứng nhận lớp nhận thức về Đảng cho các học viên là quần chúng cảm tình Đảng (tháng 8/2019).

Bỏ “sát hạch” do không bắt buộc!Mới đây, ngày 15/7, Chi bộ 8 thuộc Đảng bộ xã Tiêu Sơn (huyện Đoan Hùng) tổ chức lễ kết nạp Đảng cho quần chúng Đinh Văn Bát. Đã 16 năm (từ năm 2003), đến tháng 6 và tháng 7 năm nay, chi bộ mới kết nạp thêm được 2 đảng viên. Theo Bí thư Đảng ủy xã Tiêu Sơn Bùi Chí Thêm, tình trạng nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên mới ở Chi bộ 8 là do thanh niên đi làm ăn xa nhiều, thiếu nguồn bồi dưỡng kết nạp Đảng. Cùng với đó, Đảng bộ xã đặc biệt coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, thành tích, kiên quyết không giới thiệu, làm thủ tục kết nạp Đảng những đối tượng không đủ tư cách, không xứng đáng.Nhiều năm nay, quan điểm coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, thành tích trong công tác phát triển Đảng là chủ trương nhất quán được Đảng bộ huyện Đoan Hùng quán triệt, chỉ đạo các chi, đảng bộ trực thuộc trên địa bàn huyện thấu suốt và triển khai thực hiện. Ông Đỗ Quốc Hưng - Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho biết: “Ngay từ khâu xét đối tượng cảm tình Đảng, chúng tôi cũng yêu cầu các chi bộ dành thời gian ít nhất là một năm để theo dõi, đánh giá ý chí phấn đấu, tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống qua hiệu quả công việc, nhiệm vụ được giao và các mối quan hệ trong cơ quan, đơn vị cũng như giao tiếp xã hội. Mặc dù có giấy chứng nhận đã qua lớp bồi dưỡng lý luận chính trị do Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện cấp, người muốn vào Đảng vẫn phải trải qua kiểm tra nhận thức do lãnh đạo, cán bộ các Ban xây dựng Đảng và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện tiến hành. Hình thức kiểm tra vấn đáp, không sử dụng tài liệu. Bộ câu hỏi có nội dung cụ thể, chi tiết về lý luận chính trị, tình hình chính trị, xã hội thực tế của địa phương và các câu hỏi mở kiểm tra trình độ nhận thức, tìm hiểu nhãn quan chính trị, động cơ, mục đích, tâm tư, nguyện vọng của người muốn vào Đảng…”.Cũng như Đoan Hùng, trước khi ban hành Quyết định kết nạp đảng viên, Ban Thường vụ Đảng bộ thị xã Phú Thọ tổ chức buổi tiếp xúc, trao đổi để tìm hiểu, đánh giá tư tưởng chính trị, trình độ nhận thức, đạo đức lối sống của đối tượng muốn vào Đảng. Đặc biệt, kỳ “sát hạch” này do một đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy cùng lãnh đạo, cán bộ Ban Tổ chức Thị ủy về địa bàn khu dân cư trực tiếp gặp gỡ, trao đổi cùng đối tượng muốn vào Đảng với sự tham gia, chứng kiến của cấp ủy chi, đảng bộ cơ sở. Đồng chí Lê Kim Khánh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Phú Thọ khẳng định: “Quan điểm của Thị ủy luôn nhất quán: Chất lượng đảng viên là yếu tố quan trọng hàng đầu. Có thể không hoàn thành chỉ tiêu theo kế hoạch nhưng dứt khoát không kết nạp những đối tượng không xứng đáng vào Đảng...”.Dù không có quy định bắt buộc nhưng việc trao đổi, tiếp xúc, kiểm tra nhận thức trước khi quyết định kết nạp đảng viên vẫn được nhiều đảng bộ duy trì với lý do: Theo quy định, Giấy chứng nhận đã học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng có giá trị trong 60 tháng kể từ ngày cấp, vì thế, kiến thức có thể sẽ rơi rụng theo thời gian, quần chúng được kết nạp ngay sau khóa bồi dưỡng cơ bản sẽ khác người được kết nạp sau 4-5 năm đã qua lớp tìm hiểu nhận thức về Đảng. Ngoài những lý luận chính trị trong chương trình bồi dưỡng, đối tượng kết nạp Đảng cần phải có nhận thức đúng đắn, hiểu biết nhất định về tình hình kinh tế-xã hội, thời sự chính trị của địa phương, đơn vị mình công tác. Cùng với đó, một lý do hiển nhiên nữa là có trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi chắc chắn sẽ có cảm nhận, đánh giá chính xác đối tượng hơn là xem trên hồ sơ. Quy trình chặt chẽ sẽ thêm chắc chắn, cẩn tắc vô ưu!Không thể khẳng định chất lượng đảng viên phụ thuộc hoàn toàn vào quy trình kết nạp, tuy nhiên, thực tế cho thấy tại các chi, đảng bộ làm chặt chẽ, sàng lọc kỹ lưỡng, nâng cao “chuẩn đầu vào” thì tỷ lệ đảng viên, đặc biệt là đảng viên trẻ mới kết nạp có biểu hiện suy thoái, tự ý rời bỏ tổ chức giảm hơn hẳn so với các chi, đảng bộ nương nhẹ, “tạo điều kiện thuận lợi” (?) cho quần chúng cảm tình Đảng. Vậy nên vấn đề quan trọng không phải là có cần thiết tổ chức “sát hạch” hay không mà là biện pháp, cách thức phù hợp, hiệu quả với mỗi địa phương, đơn vị để nâng cao “chuẩn đầu vào”, lựa chọn được những người “vừa hồng vừa chuyên”, loại bỏ ngay từ đầu những đối tượng cơ hội, vụ lợi, không xứng đáng...

Kỳ III: “Chìa khóa” từ cơ sở

Nhóm PV phòng Chính trị - Xã hội

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/201910/ky-ii-sat-hach-ket-nap-dang-167045