Kỳ II:Thi đua tạo động lực để phát triển
Những năm qua, phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được vai trò, vị thế, tạo sức lan tỏa sâu rộng, phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết để Phú Thọ tiếp tục đạt được những thành tựu trên chặng đường phát triển mới.
Khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước
Ban CHQS huyện Thanh Sơn là đơn vị điển hình trong các phong trào thi đua như:“Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” và đặc biệt là “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Thi đua, đổi mới, sáng tạo…
Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động Phong trào thi đua trong cả nước giai đoạn 2021 - 2025 với Chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, trong đó trọng tâm là bốn phong trào thi đua: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” và “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các phong trào gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Qua đó thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân trong mọi ngành nghề, thành phần kinh tế; tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trên các lĩnh vực của đời sống.
Phong trào thi đua yêu nước tỉnh Phú Thọ đã có bước phát triển cả về bề rộng, chiều sâu và ngày càng đi vào nền nếp, tạo sức lan tỏa, nhiều tấm gương tiêu biểu trong các lĩnh vực đã khẳng định tiềm năng, ý chí và sự vươn lên không ngừng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Các phong trào được triển khai gắn với thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và nhiều phong trào thiết thực khác đã cổ vũ, khơi dậy tinh thần hăng hái thi đua trong các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tô thắm cho vườn hoa thi đua Đất Tổ thêm rực rỡ sắc màu.
Cùng với các cấp, các ngành triển khai và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, Ủy ban MTTQ tỉnh đã triển khai hiệu quả và tăng cường vận động nhân dân hưởng ứng và tham gia các cuộc vận động, phong trào lớn như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”…
Công tác an sinh xã hội đã tranh thủ được sự ủng hộ đóng góp của các tập thể, cá nhân để chăm lo cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong 5 năm qua đã vận động hỗ trợ đạt 84,756 tỉ đồng. Từ nguồn quỹ đã hỗ trợ người nghèo làm mới và sửa chữa 2.469 căn nhà trị giá 32,868 tỉ đồng; Hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó học giỏi: 1.778 lượt học sinh, trị giá 1,554 tỉ đồng (giai đoạn 2016-2020). Đặc biệt những tháng đầu năm 2020, trước tác động ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia ủng hộ “Quỹ phòng, chống COVID-19” với tổng số tiền, hàng trị giá 116 tỉ đồng.
Đồng chí Nguyễn Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Để phong trào thi đua đạt hiệu quả cao nhất, thời gian tới, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung của phong trào thi đua; tăng cường hiệu quả công tác giám sát của nhân dân đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, để các tập thể, cá nhân không ngừng phát huy ý thức tự nguyện và sự sáng tạo, gương mẫu trong thực thi công vụ, góp phần vào thành công chung của các phong trào thi đua.
Ban CHQS huyện Cẩm Khê xây dựng Văn kiện chỉ đạo diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã, thị trấn năm 2022.
… đến giải pháp thiết thực, hiệu quả
Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển, là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày. Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng sẽ phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi cá nhân, phát huy ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết của tập thể; làm cho mỗi cá nhân, tập thể có tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình. Sức lan tỏa từ các phong trào thi đua yêu nước cùng với nhiều tấm gương tiêu biểu trong các lĩnh vực đã khẳng định tiềm năng, ý chí và sự vươn lên không ngừng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.
Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh Phong trào thi đua “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện tốt đạo đức công vụ, xây dựng hình ảnh người cán bộ đảng viên, công chức, viên chức tận tụy, liêm khiết, gần dân, hết lòng phục sự nhân dân” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thông qua việc đánh giá, chấm điểm, xếp loại thi đua hàng năm trong mỗi cơ quan, đơn vị đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, kỹ năng nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các chiến sỹ lực lượng vũ trang và tinh thần tương thân tương ái, xây dựng nếp sống văn hóa mới trong cộng đồng. Từ các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu xuất sắc được cấp trên khen thưởng điển hình như: Cô giáo Hà Ánh Phượng - Giáo viên Trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn; Thiếu tá Bùi Anh Tuấn - Trợ lý tổ chức; Thiếu tá Nguyễn Xuân Thảo - Trợ lý kỹ thuật... thuộc Ban CHQS huyện Cẩm Khê. Họ là những tấm gương cao đẹp vì cuộc sống cộng đồng và sự bình yên của nhân dân.
Trong 5 năm (2015-2020), UBND tỉnh đã khen thưởng các danh hiệu thi đua cho 9.888 tập thể, cá nhân. Trong đó 4.904 tập thể (Cờ thi đua của UBND tỉnh 271 tập thể, danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc 2.544 tập thể, Bằng khen 2.089 tập thể); 4.984 cá nhân (danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh 273 cá nhân; Bằng khen 4.711 cá nhân). Năm 2021, có hai tập thể được nhận Cờ thi đua của Chính phủ; 12 tập thể và 15 cá nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Thượng tá Đào Việt Phương - Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Cẩm Khê cho biết: Sau khi có chỉ đạo phong trào thi đua từ cấp trên, Đảng ủy, BCH đã ra Nghị quyết lãnh đạo hàng tháng, hàng năm đều có nội dung, biện pháp thực hiện chỉ tiêu các phong trào thi đua. Cùng với đó, Hội đồng thi đua khen thưởng cơ quan cũng xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động và hướng dẫn triển khai tổ chức chặt chẽ tới 100% cán bộ, chiến sĩ để tạo động lực thi đua sôi nổi trong toàn lực lượng.
Cùng với đó, công tác thi đua, khen thưởng cũng tiếp tục được đổi mới, đẩy mạnh hướng về cơ sở, vùng sâu, vùng xa. Tỉnh đặc biệt quan tâm khen thưởng đối tượng là nông dân, công nhân và người lao động. Việc thẩm định thành tích, xét và đề nghị khen thưởng đúng quy trình; thủ tục hồ sơ có nhiều cải tiến; khen thưởng đảm bảo đúng thành tích, khách quan, chính xác, kịp thời. Tỷ lệ khen thưởng cho người lao động trực tiếp tăng so với giai đoạn 2010-2015.
Đồng chí Hồ Thị Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh cho biết: Một trong các giải pháp thiết thực đưa phong trào thi đua yêu nước lên tầm cao mới là phải chú trọng quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách của Người. Từ đó, nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, ý thức gương mẫu của cán bộ, đảng viên, xây dựng thói quen và ý thức chấp hành nghiêm túc pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Có thể thấy, các phong trào thi đua yêu nước luôn được cấp ủy, chính quyền và các địa phương trong tỉnh xác định là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Thực hiện lời dạy của Bác, cấp ủy, chính quyền và các địa phương đã triển khai các phong trào thi đua rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, góp phần tạo sức lan tỏa sâu rộng, phát huy ý thức tự giác, sức sáng tạo của các đối tượng tham gia, đưa phong trào thi đua của tỉnh phát triển đi lên với những bước chuyển mình mạnh mẽ, đạt chất lượng, hiệu quả cao. Qua đó tạo sự gắn bó và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tin liên quan:
Khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước
Thực hiện lời kêu gọi Thi đua Ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua các phong trào thi đua đã trở thành động lực, là nguồn động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân hăng hái lao động sản xuất, học tập, công tác, từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Phú Thọ phát triển toàn diện, nhanh và bền vững.
Đinh Tú - Phương Thúy