Kỳ II: Thúc đẩy xã hội hóa giáo dục

PTĐT - Xã hội hóa giáo dục (XHHGD) là con đường quan trọng để thực hiện dân chủ hóa giáo dục, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm tăng cường thúc đẩy XHHGD.

Nhờ xã hội hóa giáo dục, Trường THCS Giấy Phong Châu, huyện Phù Ninh có thư viện khang trang, góp phần bồi dưỡng niềm yêu thích, nâng cao văn hóa đọc cho học sinh.

Nhờ xã hội hóa giáo dục, Trường THCS Giấy Phong Châu, huyện Phù Ninh có thư viện khang trang, góp phần bồi dưỡng niềm yêu thích, nâng cao văn hóa đọc cho học sinh.

>>> Kỳ I: Giảm tải cho giáo dục công lập

Công tác XHHGD đã giúp cho Ngành duy trì và giữ vững chất lượng giáo dục xếp trong tốp 15 tỉnh, thành phố có chất lượng tốt. Những năm gần đây, Phú Thọ luôn được xếp thứ hạng cao về chất lượng kỳ thi THPT Quốc gia. Theo công bố của Sở GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, toàn tỉnh có 13.261 thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT, đạt tỷ lệ 99,7% (không bao gồm thí sinh tự do). Căn cứ điểm thi đạt được, xếp hạng điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT đợt 1, năm 2020 các địa phương trên cả nước, tỉnh Phú Thọ xếp thứ 13 với mức điểm trung bình đạt 6,44. Trong kỳ thi này, toàn tỉnh có 411 thí sinh đạt điểm 10. Chất lượng giáo dục mũi nhọn được duy trì và đạt nhiều thành tích trong các kỳ thi HSG Quốc gia, khu vực, quốc tế. Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi; hoàn thành phổ cập TH mức độ 3 và THCS mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 2.
Thầy giáo Nguyễn Tiến Trình - Hiệu trưởng Trường THPT Quế Lâm, huyện Đoan Hùng cho biết: Để tạo lòng tin cho phụ huynh, mọi khoản thu, chi đều được công khai, minh bạch; mọi chi tiêu từ nguồn quỹ do phụ huynh học sinh quản lý, để phụ huynh học sinh thấy được những đóng góp của mình đều được sử dụng hợp lý và mang lại điều kiện học tập tốt hơn cho con em. Ngay như giai đoạn phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhà trường đã nhận được sự hỗ trợ từ các phụ huynh nước rửa tay sát khuẩn và khẩu trang y tế để chung tay phòng, chống dịch COVID-19”.

Giờ dạy học của cô và trò Trường mầm non Hồng Đà, huyện Tam Nông.

Giờ dạy học của cô và trò Trường mầm non Hồng Đà, huyện Tam Nông.

Tại huyện Tam Nông, từ năm 2015-2019, UBND huyện chỉ đạo phòng GD&ĐT, UBND các xã, thị trấn cùng với các nhà trường chủ động làm tốt công tác XHHGD, vận động các nguồn tài trợ để tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, bổ sung đồ chơi, thiết bị vận động cho sân chơi bãi tập, cải tạo cảnh quan sư phạm, sửa chữa bàn ghế học sinh với tổng số tiền hơn 91 tỷ đồng. Ông Hoàng Đăng Thưởng-Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tam Nông cho biết: “Ngay từ đầu năm học, các trường chú trọng xây dựng kế hoạch XHHGD và triển khai thực hiện tới 100% cán bộ giáo viên, nhân viên tạo sự đồng thuận cao trong đội ngũ, cán bộ quản lý đi đầu, gương mẫu, động viên, CBGVNV phát huy tinh thần trách nhiệm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần để cải tạo, mua sắm các đồ dùng, thiết bị, san mặt bằng, mở rộng quỹ đất, sửa chữa các hạng mục nhỏ... Đây được coi là giải pháp quan trọng có tính chiến lược, vì nếu tư tưởng thông suốt thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết tận gốc”. Ngành GD&ĐT cũng đẩy mạnh tuyên truyền công tác XHHGD đến cha mẹ học sinh về lợi ích, hiệu quả của giáo dục, đặc biệt là việc cha mẹ tạo điều kiện cho con bán trú, nội trú tại trường; phối hợp với phụ huynh và cộng đồng, sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ từ các tổ chức từ thiện nhằm không ngừng cải thiện chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh là cách làm của nhiều địa phương trong thời gian qua. Để làm tốt công tác XHH, các Phòng giáo dục đều phân công cán bộ phụ trách công tác XHHGD của mình, thường xuyên nắm bắt nhu cầu, khó khăn của cơ sở, tích cực kêu gọi sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân để tranh thủ sự ủng hộ cho giáo dục tại các nhà trường; thực hiện công khai các nội dung thu, chi để nhân dân, cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh theo dõi, giám sát. Tuy nhiên, công tác XHHGD hiện nay không làm tốt sẽ dẫn đến hiểu sai và cần có thêm cơ chế chính sách phù hợp, gỡ khó cho các nhà trường. Bà Đỗ Nguyên Thương - Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT cho biết: “Khi ngân sách Nhà nước có hạn thì ở các cơ sở giáo dục yêu cầu, áp lực phải đổi mới giáo dục ngày càng cao trong khi công tác vận động tài trợ, XHH để tăng cường cơ sở vật chất, hỗ trợ hoạt động giáo dục, hợp đồng giáo viên mầm non gặp khó khăn vì nhận thức của xã hội chưa thống nhất, tâm lý ỷ lại vào ngân sách Nhà nước của cha mẹ học sinh dẫn đến những suy luận trái chiều. Hơn nữa, theo Văn bản 3550/BGDĐT-KHTC ngày 19/8/2019 của Bộ GD&ĐT về việc trả lời ý kiến của địa phương, tiền bảo vệ, vệ sinh là chi từ ngân sách hàng năm nên các trường không thể thỏa thuận để thu khoản tiền này, điều này gây áp lực về kinh phí cho các nhà trường, đặc biệt là đối với cấp học mầm non và tiểu học”.Để giải quyết vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác XHHGD, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị- xã hội cần làm tốt công tác tuyên truyền, các cấp quản lý giáo dục cần thống nhất một số quan điểm: Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội; vận dụng, triển khai kịp thời, có hiệu quả các cơ chế, chính sách XHH giáo dục theo hướng đổi mới, đột phá, sáng tạo; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội; phát triển đa dạng hóa các loại hình giáo dục (cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập chất lượng cao; trường, lớp công lập chất lượng cao, trường năng khiếu, trường chuyên biệt, trường quốc tế)… nhằm củng cố, tăng cường hiệu quả của hệ thống giáo dục, phục vụ tốt việc học tập của nhân dân.

Giờ học tin học của cô và trò Trường tiểu học Chính Nghĩa, thành phố Việt Trì.

Giờ học tin học của cô và trò Trường tiểu học Chính Nghĩa, thành phố Việt Trì.

Xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước, vai trò của giáo dục công lập và ngoài công lập, có chính sách huy động sự tham gia tích cực xã hội trong đầu tư phát triển giáo dục, tạo thêm nguồn lực để hỗ trợ đối với các đối tượng học sinh yếu thế và nâng cao đời sống đội ngũ nhà giáo. XHHGD phải đảm bảo sự thống nhất quản lý của Nhà nước, thực hiện có lộ trình, phù hợp với yêu cầu điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng; đồng thời, việc thực hiện XHH là nguồn bổ sung quan trọng cho sự nghiệp giáo dục, góp phần giảm áp lực về tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục.XHHGD là chủ trương đúng đắn, góp phần huy động các nguồn lực trong xã hội phục vụ phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt công tác XHHGD nhằm tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội, tạo bước chuyển biến rõ rệt, thực chất trong thu hút, sử dụng, quản lý các nguồn lực của các cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển GD&ĐT. Nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.

Huy Thắng - Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202010/ky-ii-thuc-day-xa-hoi-hoa-giao-duc-173605