Kỳ II: Tiền đề bảo đảm môi trường xanh

Như chúng tôi đã đề cập, thời gian qua, vấn đề rác thải sinh hoạt luôn được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Để giải bài toán rác thải sinh hoạt trên địa bàn nói chung và công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nói riêng, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan thực hiện nhiều giải pháp, từng bước tháo gỡ khó khăn, bất cập, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án, triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển rác thải diễn ra liên tục, hiệu quả.

Nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý chất thải rắn

Chính quyền, đoàn thể khu dân cư 15, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận đóng phí dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn.

Chính quyền, đoàn thể khu dân cư 15, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận đóng phí dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn.

Linh hoạt, sáng tạo từ thực tế

Nhiều địa phương đã khắc phục khó khăn, có những cách làm hay, sáng tạo để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tập trung, góp phần giữ vững, nâng cao tiêu chí môi trường phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Tại huyện nông thôn mới Lâm Thao, để làm tốt công tác thu gom, vận chuyển rác thải theo Đề án “Thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025” của tỉnh, một số xã đã linh hoạt trong việc thu mức phí dịch vụ, đảm bảo cân đối thu, chi duy trì hoạt động hiệu quả tổ, đội thu gom, vận chuyển rác thải.

Ở xã Cao Xá, việc thu gom rác thải sinh hoạt tập trung được thực hiện 15/15 khu dân cư do tổ thu gom thuộc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp quản lý, điều hành. Nhận thấy giá thu dịch vụ theo quy định khó đáp ứng yêu cầu thực tế tại địa bàn, Hợp tác xã đã xây dựng phương án, báo cáo Đảng ủy, chính quyền địa phương chấp thuận chủ trương, sau đó bắt tay thực hiện. Qua đánh giá, cách làm này đã có tác động tích cực, công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn được thực hiện bài bản, quy củ.

Ông Hoàng Ngọc Tín - Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Khối lượng công việc nhiều, đặc thù, để thành viên gắn bó với công việc chúng tôi đã quyết định nâng mức thù lao thu gom rác thải lên. Theo đó, hiện mức giá thu đối với hộ không kinh doanh trên địa bàn là 9.000 đồng/khẩu/tháng, cao hơn 2.000 đồng/khẩu/tháng so với quy định. Để triển khai, Hợp tác xã đã xây dựng phương án, phối hợp khu dân cư tổ chức họp nhân dân để thông tin, tuyên truyền, xin ý kiến. Qua công tác vận động, đa phần người dân đã chấp thuận, tự nguyện xã hội hóa thêm một phần kinh phí để đảm bảo duy trì công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn.

Ngoài ra, Hợp tác xã còn cân đối trang bị bảo hộ lao động hàng tháng cho các thành viên; hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, phần nào đảm bảo quyền lợi cho thành viên tổ thu gom. Cùng với Cao Xá, một số địa phương trên địa bàn huyện Lâm Thao cũng đang thực hiện theo mô hình này và mang lại hiệu quả thiết thực.

Ở thị xã Phú Thọ, qua triển khai thực tế, tham khảo cách làm hay của các địa phương trong tỉnh, thị xã đã xây dựng, thực hiện nhiều phương án để có sự so sánh, từ đó đánh giá được hiệu quả, làm tiền đề nhân rộng.

Đồng chí Hoàng Anh Vũ - Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết, căn cứ Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, UBND thị xã Phú Thọ giao cho các phòng, ban chuyên môn nghiên cứu các quy định trong việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt để xây dựng phương án thực hiện phù hợp. Trong quá trình triển khai thực hiện, UBND thị xã gặp nhiều vướng mắc, gây khó khăn, chậm trễ trong việc thực hiện bởi chưa có các quy định hiện hành về việc lập, xác định chi phí đi thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, chưa có chế tài xử lý hộ dân không nộp tiền... Khắc phục khó khăn, thị xã xây dựng hai phương án.

Qua nghiên cứu, hiện phương án giao nhiệm vụ cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã phối hợp cùng UBND phường triển khai việc thu phí cho tổ trưởng tổ dân phố, trưởng khu dân cư mang nhiều lợi thế hơn so với việc giao một đơn vị khác thông qua đấu thầu vì đảm bảo cập nhật số lượng nhân khẩu để thu giá dịch vụ đúng, đủ. Đồng thời, nếu giao nhiệm vụ cho trưởng khu dân cư sẽ có căn cứ để tính toán chế độ hỗ trợ một cách minh bạch, đúng nguyên tắc tài chính (theo Điều 25 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập).

Như vậy, thực tế đã chứng minh, dù còn gặp những khó khăn trong quá trình thực hiện nhưng với sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là tham gia của người dân sẽ từng bước khắc phục, giải quyết những vướng mắc để công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt đạt hiệu quả, đạt mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh đạt từ 70% (về khối lượng) trở lên.

Rác thải sinh hoạt được HTX Nông nghiệp và Môi trường xã Xuân Viên, huyện Yên Lập thu gom, phân loại trước khi đưa vào lò đốt, góp phần bảo vệ môi trường.

Rác thải sinh hoạt được HTX Nông nghiệp và Môi trường xã Xuân Viên, huyện Yên Lập thu gom, phân loại trước khi đưa vào lò đốt, góp phần bảo vệ môi trường.

Giải pháp căn cơ, đồng bộ

Để giải bài toán rác thải sinh hoạt trên địa bàn, trong đó có công tác thu gom, vận chuyển rác thải, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Đặc biệt, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án “Thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025”.

Trước mắt, tỉnh tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh đảm bảo tiến độ, quy định của pháp luật về đầu tư, sớm đi vào hoạt động. Khi nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện với công suất giai đoạn một 500 tấn rác thải/ngày đi vào hoạt động sẽ giải quyết căn bản rác thải sinh hoạt và một số rác thải công nghiệp thông thường trên địa bàn.

Trong thời gian này, UBND các huyện, thành, thị tiếp tục duy trì các biện pháp xử lý rác thải hiện có tại địa phương, tránh gây ô nhiễm môi trường, đồng thời xây dựng phương án sẵn sàng triển khai xây dựng điểm tập kết, trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt cấp huyện để thu nạp rác thải sinh hoạt, vận chuyển về Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt; thực hiện rà soát, đầu tư bổ sung phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển rác thải rắn sinh hoạt. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư về bảo vệ môi trường gắn với hoạt động kinh doanh, phát triển bền vững, hỗ trợ các dự án, các kế hoạch, hoạt động bảo vệ môi trường ở địa phương.

Ông Nguyễn Hồng Quân - Giám đốc Ban quản lý các công trình công cộng và đô thị huyện Đoan Hùng trao đổi: “Chính quyền các địa phương cần có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức làm công tác vệ sinh môi trường để giúp các doanh nghiệp thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn đạt hiệu quả hơn nữa. Đồng thời, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chi trả phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải rắn sinh hoạt... Các tổ thu gom, hợp tác xã đảm nhận việc thu gom, vận chuyển rác thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn ở các địa phương mong muốn, các cấp, sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất tỉnh điều chỉnh giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải phù hợp, có chính sách tiền công cũng như hỗ trợ nhân viên đi thu gom”.

Với nhiệm vụ của mình, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý nhà nước, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai thu gom, vận chuyển rác thải hiệu quả gắn với thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Theo đồng chí Phạm Văn Quang- TUV, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với nhiều điểm mới, trong đó nổi bật quy định cộng đồng dân cư là một trong những chủ thể của công tác bảo vệ môi trường và tiến hành phân loại rác thải tại nguồn. Những điểm mới này là cơ sở để giải quyết triệt để việc thu gom, vận chuyển cũng như thuận lợi trong khâu xử lý rác thải sinh hoạt. Sở cũng đang tích cực nghiên cứu, ban hành quy định phân loại rác thải tại nguồn sau khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Liên quan đến các giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển rác thải, nhiều ý kiến cho rằng, trong khi đợi Nhà máy xử lý rác thải phát điện đi vào hoạt động, tỉnh cần có quy định cụ thể và hỗ trợ phí xử lý rác thải sinh hoạt cho các địa phương cũng như thống nhất giao nhiệm vụ cho đơn vị, cá nhân trực tiếp thu phí dịch vụ, mức thù lao... Đặc biệt, nghiên cứu, xây dựng chế tài quy định việc đóng phí sử dụng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải của người dân.

Để thực hiện mục tiêu thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, sở, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong công tác bảo vệ môi trường; hướng dẫn các gia đình phân loại rác tại nguồn, xử lý phù hợp.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Bên cạnh đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường.

Công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt nằm trong nhóm dịch vụ công ích, phục vụ nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người dân, vì lợi ích chung của xã hội, vì vậy chính quyền đóng vai trò quyết định phương thức cung ứng nhằm bảo đảm ổn định và công bằng xã hội. Với những giải pháp tích cực, đồng bộ đã và đang được các sở, ngành liên quan, chính quyền, các tổ chức, đơn vị triển khai và sự tham gia tích cực của người dân, tin rằng thời gian tới, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt sẽ được giải quyết một cách căn bản, hiệu quả.

Tin liên quan:

Nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý chất thải rắn

Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, việc thành lập hợp tác xã, tổ, đội thu gom, vận chuyển chất thải rắn tại địa bàn các xã, thị trấn đã được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần xây dựng cảnh quan nông thôn mới xanh, sạch, đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, hiện nay việc thu gom, vận chuyển rác thải khu vực nông thôn vẫn còn có những vấn đề đáng lo ngại. Thực trạng này đòi hỏi các cấp chính quyền, địa phương nghiên cứu, thực hiện các giải pháp, cơ chế phù hợp, nâng cao hiệu quả thu gom, tập kết chất thải rắn sinh hoạt.

Nhóm phóng viên Kinh tế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/ky-ii-tien-de-bao-dam-moi-truong-xanh/202474.htm