Kỳ III: 'Báu vật nhân văn sống'
Giữ vai trò quan trọng trong sáng tạo, sở hữu, bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa dân gian, các nghệ nhân dân gian được UNESCO...
(baophutho.vn)
- Giữ vai trò quan trọng trong sáng tạo, sở hữu, bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa dân gian, các nghệ nhân dân gian được UNESCO coi là “Báu vật nhân văn sống”. Không bận tâm đến vật chất, nhưng với vai trò tiền phong, gương mẫu của người đảng viên cộng hưởng cùng tình cảm với di sản tổ tiên trao truyền đã nhân lên tinh thần trách nhiệm để các nghệ nhân Hát Xoan là đảng viên trên địa bàn tỉnh hàng ngày, hàng giờ miệt mài cống hiến công sức, trí tuệ để bảo tồn, nâng tầm giá trị câu hát thờ Vua.
Nhân đôi trách nhiệm!
Bước sang tuổi 80, Nghệ nhân Nhân dân Lê Thị Huệ hiện là đào hát cứng tuổi nhất vẫn đều đặn tham gia biểu diễn cùng các thành viên phường Xoan Phù Đức (xã Kim Đức, thành phố Việt Trì). Quy luật khắc nghiệt của thời gian dường như chẳng mấy tác động đến chất giọng mượt mà, đằm thắm cùng động tác uyển chuyển của người phụ nữ đã trải qua những năm tháng khó khăn gian khổ nhất của đất nước. Sinh năm 1942, lớn lên cùng với hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, cô thôn nữ có thân hình mảnh mai nhưng khiến nhiều đấng nam nhi phải nể phục với ý chí, nghị lực và nhiệt huyết của tuổi trẻ sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng. Thi đua cùng thanh niên trai tráng trong làng tòng quân ra trận, các cô đã động viên nhau lao động sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi đảm bảo hoàn thành vượt mức đóng góp lương thực, thực phẩm giúp bộ đội “ăn no đánh thắng”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Ngày lam lũ ngoài đồng, tối về các bà các chị lại xúng xính khăn áo biểu diễn các làn điệu Xoan cổ khích lệ, động viên tinh thần bộ đội, nhân dân bền gan vững chí kháng chiến, kiến quốc. Năng nổ, nhiệt huyết cống hiến hết mình trong lao động sản xuất cũng như văn nghệ phục vụ quần chúng, tròn 21 tuổi, cô thôn nữ Lê Thị Huệ đã được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ sản xuất và được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Từ các buổi biểu diễn văn nghệ, Khúc môn đình đã trở nên thân thuộc, dần gắn bó như một phần không thể tách rời của cuộc sống của bà. Thế nên trong giai đoạn kinh tế xã hội khó khăn, chứng kiến câu hát thờ Vua ngày càng mai một, có nguy cơ thất truyền, bà Huệ đau xót như có người thân lâm trọng bệnh. Tình cảm, trách nhiệm với câu Xoan càng được nhân lên khi Đảng ủy xã trực tiếp giao nhiệm vụ cho các chi bộ, đảng viên bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Hát Xoan, gắn với xây dựng đời sống văn hóa mới.
Suốt nhiều năm liên tục, bà Huệ đã miệt mài hướng dẫn, truyền dạy kỹ năng thực hành hát Xoan cho con cháu và những người muốn tìm hiểu, nặng lòng với câu hát cha ông. Nhờ sự chỉ bảo tận tình của bà, hàng trăm người đã thành thạo kỹ năng biểu diễn các quả cách Xoan cổ, nhiều người trở thành đào, kép cứng trong các phường, câu lạc bộ Xoan, được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ.Đánh giá cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của bà, UBND tỉnh đã mời bà làm Ủy viên Hội đồng, Tổ Thư ký xét tặng Danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể-tỉnh Phú Thọ. Tuổi cao, sức khỏe không còn được như trước nhưng bà vẫn tận tình chỉ bảo, truyền dạy kỹ năng Hát Xoan và nhiệt tình tham gia các buổi biểu diễn của phường Xoan Phù Đức. Với bà, giữ gìn, quảng bá câu hát thờ Vua là trách nhiệm cũng đồng thời là tình cảm của người đảng viên, người con Đất Tổ. Không phải ngẫu nhiên mà từ trong các phường Xoan gốc đến các câu lạc bộ Hát Xoan mới được thành lập, các Nghệ nhân Hát Xoan là đảng viên như bà Lê Thị Huệ, cụ Lê Xuân Ngũ, anh Nguyễn Văn Quyết, chị Phùng Thị Bình… luôn giữ vai trò trụ cột, được đông đảo các thành viên và người dân tín nhiệm, kính trọng suy tôn lên vị trí “tiên chỉ”. Chính tài năng, kiến thức, kinh nghiệm của một nghệ nhân dân gian cộng hưởng cùng với tinh thần tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm của người đảng viên thể hiện qua các hành động cụ thể, thiết thực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Hát Xoan trong suốt chiều dài mấy thập niên qua đã vun đắp, tạo dựng nên vai trò, vị thế vững chắc của họ với cộng đồng. Với ba trên tổng số bốn phường Xoan gốc cùng hệ thống di tích- không gian văn hóa trình diễn Hát Xoan, Kim Đức tự hào là cái nôi hình thành, phát triển Khúc môn đình. Không dám nói ra ngõ gặp nghệ nhân, nhưng ở xã, hầu như gia đình nào cũng có mối liên hệ mật thiết với di sản văn hóa Hát Xoan.Đồng chí Nguyễn Quang Hải- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Kim Đức cũng đồng thời là phu quân của Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ Bùi Thị Kiều Nga- Trưởng phường Xoan Thét, chia sẻ: “Từ thực tế địa phương, chúng tôi nhận thấy nghệ nhân có vai trò tối quan trọng quyết định sự hưng vong của di sản. Là chủ thể, người sáng tạo, nắm giữ các kiến thức, kỹ năng thực hành nên chỉ có các nghệ nhân mới có thể truyền dạy, phổ biến di sản ra cuộc sống cộng đồng. Trên địa bàn xã hiện có 31 Nghệ nhân Hát Xoan, trong đó có 3 đồng chí là đảng viên. Các nghệ nhân, đặc biệt là 3 đồng chí đảng viên đã thể hiện rất rõ tinh thần trách nhiệm, tâm huyết trong việc cung cấp tư liệu, truyền dạy, phát triển di sản Hát Xoan ra cộng đồng.Đây thực sự là những “báu vật sống” của làng. Thực hiện mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Hát Xoan, cùng với hàng loạt các biện pháp đồng bộ, cụ thể, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển đảng viên trong các phường Xoan. Thêm các nghệ nhân là đảng viên đồng nghĩa với thêm các hạt nhân tiền phong, gương mẫu, tạo nền móng, động lực mạnh mẽ để Hát Xoan tiếp tục phát triển bền vững…”.Không chỉ xã Kim Đức, nhiều địa phương khác trong tỉnh đã và đang hình thành lực lượng hùng hậu “nghệ nhân Hát Xoan dự bị” là đảng viên. Đây là những cán bộ văn hóa xã, giáo viên dạy âm nhạc được tập huấn, đào tạo bài bản nên có kiến thức, kỹ năng thực hành di sản văn hóa Hát Xoan thành thục, cộng hưởng cùng tinh thần trách nhiệm, gương mẫu và tình cảm với câu hát thờ Vua được rèn rũa, tôi luyện, thử thách qua năm tháng công tác. Khi về nghỉ hưu, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định, được Hội đồng, Tổ Thư ký xét tặng Danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể-tỉnh Phú Thọ thông qua, họ sẽ là lớp nghệ nhân kế cận, tiếp tục gánh vác trọng trách giữ gìn, trao truyền, quảng bá câu hát của tổ tiên…
Lời hứa với tổ tiênNằm trên đất phát tích của Di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan, Miếu Lãi Lèn (khu 7, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì) được đánh giá là “Nhà hát Quốc gia đầu tiên”. Tương truyền, hàng nghìn năm trước, tại ngôi miếu cổ này, các đào, kép đã biểu diễn các quả cách Xoan dâng lên Vua Hùng. Trải qua các biến cố lịch sử, miếu cổ chỉ còn lại vết tích nền móng trên đất hoang. Thiết thực bảo tồn không gian di sản văn hóa Hát Xoan, dự án: “Khôi phục miếu Lãi Lèn xã Kim Đức, thành phố Việt Trì” đã được đầu tư với tổng kinh phí lên tới gần 70 tỉ đồng. Công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc bảo tồn, quảng bá hình ảnh, phát huy giá trị văn hóa di sản Hát Xoan. Trong khuôn viên rộng rãi, uy nghiêm với các công trình tín ngưỡng, câu Xoan cổ lại vang vọng, thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm, nhất là vào các dịp lễ tết…Đây chỉ là một trong hàng loạt các hành động cụ thể, thiết thực của tỉnh Phú Thọ thực hiện cam kết với UNESCO bằng tất cả các phương tiện thích hợp, phát huy vai trò cộng đồng chủ thể di sản, tiếp tục tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ di sản theo tinh thần Công ước 2003 của UNESCO, đảm bảo cho di sản Hát Xoan Phú Thọ được bảo vệ và phát huy giá trị một cách bền vững. Cam kết này cũng đồng thời là lời hứa thiêng liêng của toàn Đảng bộ, chính quyền và người dân Đất Tổ với tổ tiên đã sáng tạo ra di sản trao truyền cho con cháu. Do đó, cả hệ thống chính trị chung sức đồng lòng với tinh thần quyết tâm gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa của cha ông. Câu hát thờ Vua từ chỗ tưởng như thất truyền, vắng bóng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng cộng đồng đã lớn mạnh, lan tỏa sâu rộng. Từ chỗ chỉ còn bảy nghệ nhân có khả năng truyền dạy di sản vào năm 2010, đến nay các nghệ nhân cao tuổi đã truyền dạy, đào tạo được 68 nghệ nhân kế cận kế tiếp hoạt động truyền dạy, 300 nghệ nhân và hàng trăm con em của các phường Xoan với nhiều thế hệ. Tại bốn phường Xoan gốc hiện có 330 thành viên tham gia thực hành và truyền dạy di sản (chưa kể những người tham gia không chính thức).Cùng với các phường Xoan, trên địa bàn tỉnh còn có 34 Câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca cấp tỉnh với 1.557 thành viên; 64 Câu lạc bộ cấp huyện với 1.325 thành viên và 42 Câu lạc bộ cấp xã với 1.430 thành viên tham gia thường xuyên. 20/30 di tích đình, đền, miếu có tục lệ Hát Xoan thờ thần vào dịp đầu xuân - Không gian văn hóa thực hành và bảo tồn di sản Hát Xoan được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo đảm bảo điều kiện cho cộng đồng trình diễn Hát Xoan thờ thần. 100% trường ở các cấp học đã đưa nội dung Hát Xoan vào chương trình giáo dục thông qua bộ môn âm nhạc và chương trình ngoại khóa với các bài Hát Xoan phù hợp. Không những thế, Hát Xoan đã và đang trở thành “sản phẩm du lịch” đặc trưng của tỉnh với nhiều hướng mở triển vọng…
Toàn tỉnh đã có 66 người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ. Trong đó có tám đồng chí là đảng viên, sáu Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Nhân dân”, 24 Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”. 68 nghệ nhân kế cận đã được đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo am hiểu, nắm vững kỹ năng, trình diễn thuần thục, xuất sắc và tận tụy trong hoạt động thực hành, truyền dạy, bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật Hát Xoan...Những thành tích này là căn cứ vững chắc để ngày 8/12/2017, tại Hội nghị lần thứ 12, Ủy ban liên Chính phủ về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã chính thức đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là trường hợp đầu tiên và duy nhất trong lịch sử của UNESCO. Kỳ tích đáng tự hào này là kết quả từ sự chung sức đồng lòng vào cuộc với tinh thần quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp tích cực của các nghệ nhân, đặc biệt là các nghệ nhân là đảng viên đã phát huy cao độ tinh thần tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm, tâm huyết với di sản của cha ông, hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch khẳng định: Nghệ nhân có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định sự tồn tại hay không tồn tại của di sản. Do đó, để đảm bảo cho di sản Hát Xoan được bảo vệ và phát huy giá trị bền vững, tỉnh đã rất chú trọng quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nghệ nhân phát huy tốt vai trò chủ thể thực hành, trình diễn, truyền dạy Hát Xoan. Mới đây, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án “Gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2020-2025”, trong đó nhấn mạnh mục tiêu tổng quát tiếp tục bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Hát Xoan Phú Thọ gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; tiếp tục đào tạo lớp nghệ nhân kế cận tại các phường Xoan, các câu lạc bộ kế tục lớp nghệ nhân cao tuổi trong việc truyền dạy di sản cho lớp trẻ tại cộng đồng. Lời hứa thiêng liêng với tổ tiên vẫn được khắc ghi. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 khẳng định: “Bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ, nhất là hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan Phú Thọ” tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ. Và để thực hiện được điều này, cùng với quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, không thể thiếu vai trò, cống hiến của các “báu vật nhân văn sống”, đặc biệt là các nghệ nhân Hát Xoan là đảng viên để câu hát thờ Vua nơi Đất Tổ Hùng Vương mãi trường tồn, lan tỏa sâu rộng trong đời sống cộng đồng…