Kỳ III: Bồi đắp giá trị đạo đức cho giới trẻ
PTĐT - Trong bản Di chúc của mình, sau khi nói về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tình yêu thương, sự quan tâm và niềm tin sâu sắc đối với thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước, người kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của thế hệ cha anh đi trước.
>>> Kỳ II: Đa dạng hóa phương pháp giáo dục
>>> Kỳ I: Những biểu hiện “lệch chuẩn”
PTĐT - Trong bản Di chúc của mình, sau khi nói về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tình yêu thương, sự quan tâm và niềm tin sâu sắc đối với thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước, người kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của thế hệ cha anh đi trước. Vì vậy, hơn lúc nào hết, vấn đề giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, quan trọng, đòi hỏi phải có sự quan tâm thỏa đáng của toàn xã hội nhằm bồi đắp những giá trị đạo đức cho giới trẻ.
Tiếng nói của người trong cuộc
Nhìn chung, thế hệ trẻ Đất Tổ luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sống có trách nhiệm với Tổ quốc, gia đình và bản thân có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bí thư Thành đoàn Việt Trì, Vũ Thị Thu Hằng cho rằng: Đoàn cần tăng cường tuyên dương, nhân rộng các gương điển hình tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa để giới trẻ luôn nhìn vào những câu chuyện tốt đẹp trong xã hội, những tấm gương điển hình mà phấn đấu noi theo. Thế hệ đi trước đã sinh ra những tấm gương điển hình như anh Kim Đồng, chị Võ Thị Sáu, anh Vừ A Dính, anh La Văn Cầu, anh Phan Đình Giót… được lưu truyền qua các thế hệ và sử sách. Tuy nhiên, những thay đổi nhanh chóng của đất nước và thế giới hiện nay trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi tổ chức Đoàn phải chuyển động và sử dụng, phát huy thế mạnh của các phương tiện truyền thông hiện đại trong việc bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với mong muốn giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ bằng cách gần gũi, dễ hiểu nhất, Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thanh Tâm chia sẻ: Việc Học tập Chỉ thị 05, các bài học lý luận chính trị của ĐVTN nay đã được trình bày dưới hình thức Infographic dễ hiểu; áp dụng công nghệ thông tin trong các hội thi tìm hiểu Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường”, tìm hiểu lịch sử, văn hóa “Tự hào Việt Nam”. Vì giới trẻ hiện nay chịu ảnh hưởng nhiều từ mạng xã hội nên tổ chức Đoàn cũng đã vận dụng kênh thông tin này để tuyên truyền. Thông qua ngày hội đọc sách, tìm hiểu, kể chuyện, trao đổi về Di chúc, lời căn dặn của Bác đối với thanh thiếu nhi trực tuyến; giới thiệu về các tư liệu liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ trên internet, nhất là mạng xã hội gắn với cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt - Mỗi tuần một câu chuyện đẹp”... đã tạo hiệu ứng “mưa dầm thấm lâu” trong thế hệ trẻ. Thực hiện lời dạy của Người, thanh niên Đất Tổ đã vận dụng sáng tạo giải pháp mới để tiếp tục bồi đắp nhiều hơn nữa lý tưởng cách mạng, giáo dục thanh niên giữ vững bản lĩnh cách mạng, có ý thức nhạy bén chính trị, tích cực đấu tranh ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, tăng sức đề kháng trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội; tránh tình trạng “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, “xa rời chính trị”.Tuy nhiên, việc áp dụng phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là mạng xã hội trong định hướng, giáo dục thanh niên cũng cần phải thận trọng và có cách làm phù hợp. lý giải về điều này, ĐVTN Nguyễn Thị Hoa, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao bày tỏ: Thực tế nhiều ĐVTN còn rụt rè, chưa thẳng thắn đấu tranh chống lại các hành vi sai trái, tiêu cực trong xã hội, bên cạnh đó sự tràn lan các thông tin trái chiều trên mạng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng của thanh niên. Đồng tình với ý kiến trên, Bí thư đoàn xã Tiên Kiên, Nguyễn Văn Nam nhận định: Khả năng “tự vệ” của một bộ phận ĐVTN còn kém, dễ dao động trước các thông tin sai lệch tràn lan trên mạng, việc trang bị kiến thức cho các em còn hạn chế, thiếu đội ngũ phản biện lại những thông tin trái chiều, vì vậy, hơn ai hết, tổ chức Đoàn phải là người dẫn dắt, định hướng thông tin, trang bị kỹ năng cần thiết cho thế hệ trẻ.
Những giải pháp căn cơThực tế cho thấy, cùng với đổi mới nội dung và phương thức giáo dục của Đoàn theo hướng đơn giản, dễ hiểu, gần gũi, hấp dẫn đối với thanh niên thì cũng cần có các giải pháp căn cơ với sự quyết tâm, đồng lòng không chỉ của tổ chức Đoàn mà của cả gia đình, nhà trường, xã hội và tự thân mỗi ĐVTN. Trước hết, xác định môi trường giáo dục không chỉ đơn giản là nơi trang bị kiến thức mà còn là nơi giáo dục nhân cách, đạo đức cho thế hệ trẻ, thời gian tới, các cơ sở Đoàn trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục lịch sử, ý thức công dân qua những giờ sinh hoạt ngoại khóa ở các trường phổ thông cho thanh, thiếu niên. Qua đó, làm cho thế hệ trẻ biết yêu cuộc sống, giàu lòng nhân ái, kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn của dân tộc, ứng xử văn minh, thanh lịch, nghĩa tình; chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt; mạnh dạn bày tỏ chính kiến, bảo vệ lẽ phải, đấu tranh với cái xấu.Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ đoàn, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, thực sự là hình mẫu, niềm tin, lý tưởng cho đoàn viên, thanh niên học tập, noi theo. Do vậy, từng cán bộ đoàn phải chủ động đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, sát với chức trách nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục thanh niên các cấp.Nhằm củng cố đạo đức cho thanh niên, cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tuyên truyền, giáo dục về quyền và nghĩa vụ công dân, tôn trọng quy ước cộng đồng, tuân thủ nội quy, quy định của tổ chức; xây dựng thói quen sống và làm việc theo pháp luật; tăng cường đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; quan tâm, gần gũi, động viên, cảm hóa, giáo dục thanh, thiếu niên chậm tiến; tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng, an ninh, nâng cao trách nhiệm, ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước, lợi ích quốc gia, dân tộc.Bên cạnh đó, mỗi bạn trẻ hãy sống đúng chuẩn mực đạo đức con người, tự trau dồi, học hỏi những bài học trong cuộc sống về sự công bằng, bác ái với những người xung quanh và nuôi dưỡng ý chí, quyết tâm thay đổi bản thân. Thanh niên cần tự giác rèn luyện, biết tự kiềm chế, vượt qua những cám dỗ và tiêu cực trong xã hội, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thực dụng; cần phải tự tin vào chính mình, giữ vững niềm tin trong cuộc sống, vào các giá trị chân - thiện - mỹ và vượt qua mọi khó khăn để vươn tới các giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.Gia đình đóng vai trò quan trọng trong hình thành nhân cách con người, là ngôi trường đầu tiên dạy cách làm người, vì thế gia đình phải là nơi mọi người sống yêu thương, nâng đỡ và đùm bọc lẫn nhau. Các thế hệ cùng chung sống phải biết quan tâm, chia sẻ thì thế hệ trẻ mới có được nền tảng đạo đức tốt. Không những thế, trong một thế giới đang đề cao sự thỏa mãn tức thời, những ham muốn bản năng thì gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc khơi dậy ý thức về cái tốt và cái xấu, về cái đáng làm và điều nên tránh. Có thể khẳng định rằng, việc định hướng giá trị là nhiệm vụ quan trọng trong công tác giáo dục thanh niên hiện nay và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mỗi gia đình, nhà trường và xã hội. Với chức năng “trường học xã hội chủ nghĩa”, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp sẽ có nhiều động thái và biện pháp tích cực, khẩn trương để góp phần xây dựng lớp thanh niên “vừa hồng”, “vừa chuyên”, khẳng định vai trò, bản lĩnh của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.