Kỳ III: Giải pháp hóa giải khó khăn
PTĐT - Khi ngành công nghiệp chế biến nông sản phát triển sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, củng cố sự bền vững của các chuỗi liên kết, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất...
>>> Kỳ II: Kết quả chưa xứng tiềm năng
>>> Kỳ I: Con đường nâng cao giá trị nông sản
PTĐT - Khi ngành công nghiệp chế biến nông sản phát triển sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, củng cố sự bền vững của các chuỗi liên kết, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Với ý nghĩa quan trọng đó, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cần quan tâm chỉ đạo, có những giải pháp gỡ khó, khơi thông phù hợp để lĩnh vực này phát triển.
Chúng tôi đến HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Xuân Phúc (xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa) dưới nắng hè gay gắt để gặp gỡ, trao đổi với Giám đốc Bùi Đức Tuyển đang cùng các thành viên thu hoạch măng tre Mạnh Tông và mít Thái. Giám đốc HTX chia sẻ: “Mong muốn lớn nhất của HTX là có vốn để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho chế biến những nông sản mà mình làm ra thành sản phẩm có tính hàng hóa mang hàm lượng chế biến sâu, gia tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập. Bởi vừa qua, HTX đã thử nghiệm chế biến sản phẩm mít Thái sấy và măng chua đóng gói hút chân không, khi đưa ra thị trường được khá nhiều khách hàng đón nhận, giá trị thu về tăng gấp nhiều lần so với bán măng tươi, mít quả chín. Chính sự thử nghiệm đó đã tạo động lực thôi thúc chúng tôi hướng đến đầu tư công nghệ chế biến nông sản, song để làm được điều này cần phải có sự trợ lực từ nhiều phía”.
Để công nghiệp chế biến nông sản phát triển, qua trao đổi với lãnh đạo ngành liên quan và tìm hiểu từ thực tế cho thấy, cần phải xây dựng được chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản một cách dài hơi dựa trên những tiềm năng, lợi thế sẵn có. Trước mắt, xác định công nghiệp chế biến là một trong những nội dung trọng tâm trong chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, trên cơ sở đó, xác định cơ cấu phát triển công nghiệp chế biến gắn với quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung.
Giải pháp quan trọng là tổ chức liên kết chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ để nâng cao khả năng cung cấp nguyên liệu cho chế biến, bảo đảm đủ về số lượng và chất lượng, giá cả hợp lý, đầu ra ổn định. Muốn vậy, các ngành liên quan và các địa phương, cơ sở cần tiếp tục thực hiện việc rà soát quy hoạch sử dụng đất, trong đó đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ tập trung đất đai để có quỹ đất lớn hình thành vùng nguyên liệu trên địa bàn phục vụ phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng từng vùng, đảm bảo đủ nguồn cung nguyên liệu tại chỗ. Việc này có lợi cho cả người sản xuất và doanh nghiệp chế biến.Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực khuyến nông để có cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi phù hợp, đảm bảo đưa những loại cây, con năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; đồng thời có tính đến lợi thế so sánh của từng vùng, những tác động của biến đổi khí hậu để xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, trong đó ưu tiên phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của địa phương.
Thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến là một trong những giải pháp trọng tâm để giải quyết bài toán “được mùa mất giá” trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế tình trạng khủng hoảng thừa sản phẩm. Ông Lê Trọng Đức-Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thanh Thủy trao đổi: Huyện hiện thu hút được gần 240 cơ sở sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên trong đó chỉ có trên hai chục đơn vị chuyên về lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, đại đa số sản phẩm được tiêu thụ qua thương lái, một số đã qua chế biến nhưng dưới dạng thô. Vừa qua, Thanh Thủy lựa chọn được 2 sản phẩm chủ lực, 3 sản phẩm tiềm năng để xây dựng thành sản phẩm mỗi xã một sản phẩm OCOP. Từ những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, địa phương có thể hướng đến việc đưa vào chế biến sâu.Như vậy, để nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản, tăng sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng nghiêm ngặt của thị trường, tỉnh cần xây dựng những cơ chế khuyến khích, chính sách ưu đãi hơn nữa cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến thuộc những lĩnh vực có đầu vào tiềm năng để tạo đầu ra bền vững cho nông sản. Muốn vậy, tỉnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh thông qua việc khắc phục các vấn đề cố hữu như sản xuất manh mún, về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng vật tư nông nghiệp, cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp và người dân; tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, hạ tầng…Đối với doanh nghiệp, cần tập trung thực hiện các phương án đầu tư cho vùng nguyên liệu thông qua mối liên kết với HTX, hộ dân để chủ động được nguồn nguyên liệu. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn về tài chính, công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm, sức cạnh tranh, giúp nông dân yên tâm gắn bó, xây dựng và phát triển nguồn nguyên liệu bền vững cho doanh nghiệp. Còn về phía nông dân, khi đã là vệ tinh của vùng nguyên liệu, cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng đủ yêu cầu của doanh nghiệp. Đây đang là những vấn đề quan trọng mà các ngành chức năng, các địa phương, mỗi doanh nghiệp và cả người nông dân đều phải quan tâm, chung tay giải quyết.Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cần tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng quy mô, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao trong chế biến, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến. Các ngân hàng tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, cho vay phù hợp với từng đối tượng khách hàng, từng sản phẩm nông nghiệp cụ thể; đẩy mạnh chương trình cho vay lãi suất ưu đãi đối với các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp.Khẳng định vai trò quan trọng của công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp”, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải đã yêu cầu: Các sở, ngành, địa phương cần nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng công nghiệp chế biến nông - lâm -thủy sản của tỉnh để có những giải pháp phù hợp tình hình thực tế, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến. Hiện tỉnh đã có một số cây chủ lực, có nhiều cơ sở chế biến, song chỉ mang tính chất sơ chế, thiếu tính liên kết, vì vậy các ngành, địa phương cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân, doanh nghiệp thấy được tính tất yếu của sự liên kết giữa các nhà. Trước mắt, cần chú trọng xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và phân phối sản phẩm; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm; đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao…Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ là cơ hội nhưng cũng tạo ra những thách thức lớn cho sản phẩm nông nghiệp, đòi hỏi nền nông nghiệp của tỉnh phải nhanh chóng bắt nhịp, phối hợp triển khai thực hiện các giải pháp để tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến nhằm thích nghi và chiếm lĩnh thị trường.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202008/ky-iii-giai-phap-hoa-giai-kho-khan-172464