Kỳ III: Những biểu tượng bất tử nơi trùng khơi

PTĐT - Có thể thấy, mỗi điểm đảo trên quần đảo Trường Sa được xem như là những biểu tượng bất tử của đất nước giữa ngàn khơi. Nhưng trên mỗi đảo chúng ta lại thấy thêm những hình ảnh sinh động hơn, những sự vật, công trình, con người, câu chuyện cụ thể hơn để khắc họa nên hình hài của những tượng đài bất tử ấy.

Khu công viên tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca.

Khu công viên tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca.

Từ khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ trên đảo Trường Sa lớn, đến tượng đài của Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn sừng sững trên đảo Song Tử Tây, rồi Khu công viên đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca, bia vinh danh 64 liệt sỹ hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, các ngôi chùa trên đảo Trường Sa lớn, đảo Song Tử Tây… đã cho thấy sự hiện hữu và hơi ấm của những công trình từ đất liền nơi tiền tiêu sóng gió. Nhưng thực sự xúc động và gây ấn tượng mạnh đối với chúng tôi là lễ tưởng niệm để vinh danh những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Thật xúc động và cảm phục tinh thần chiến đấu quyết tử của những người anh hùng trong suốt chiều dài của lịch sử đấu tranh giữ vẹn chủ quyền biển đảo. Đăc biệt là khúc ca bi tráng trong trận hải chiến ngày 14/3/1988, hình ảnh của Thiếu tá Vũ Huy Lễ- thuyền trưởng tàu HQ 505, đứng trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng đưa tàu mình phóng lên bãi ngầm Cô Lin thành pháo đài, cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm của ta. Tại đảo Gạc Ma, đó là tấm gương Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; anh hùng liệt sỹ Đại úy Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng Tàu HQ 604; anh hùng liệt sỹ Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công của kẻ thù đã cuốn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình và động viên đồng đội “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng hải quân”. Trong số 64 người con ưu tú hy sinh trong trận chiến lịch sử ấy, quê hương Đất Tổ đã dâng hiến cho đất nước người con ưu tú: Liệt sỹ Hán Văn Khoa, quê Văn Lương, huyện Tam Nông- anh hy sinh khi tuổi đời mới tròn 27.

Nghi lễ duyệt đội ngũ của chiến sỹ trên đảo Trường Sa Lớn.

Nghi lễ duyệt đội ngũ của chiến sỹ trên đảo Trường Sa Lớn.

Với những người đã ngã xuống nơi thềm lục địa của Tổ quốc, ôn lại thời khắc cách nay gần 30 năm, vào đêm mùng 4 rạng sáng ngày 5/12/1990, cơn bão có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông, toàn thể cán bộ, chiến sỹ nhà giàn Phúc Tần dưới sự chỉ huy của Trung úy, Trạm trưởng Bùi Văn Bổng và Thượng úy, Chính trị viên Nguyễn Hữu Quảng đã ra sức chống chọi với cơn bão hung dữ. Song bão lớn trong đêm đen ập xuống, mỗi lúc một mạnh lên, nhà giàn bị quật đổ, cuốn trôi cả 8 người xuống biển. Trong giờ phút nguy nan nhất, đồng chí Nguyễn Hữu Quảng đã bình tĩnh động viên đồng đội, xử trí tình huống chống chọi với bão dữ. Và khi biết không còn khả năng chống chọi với cuồng phong, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình, chấp nhận hy sinh cho người chiến sỹ trẻ của mình được sống vào đêm 5/12/1990. Ác thay, trận bão dữ đã khiến 3 đồng chí vĩnh viễn nằm lại nơi biển khơi. Một cơn bão dữ khác vào năm 1998 với sức gió giật trên cấp 12 cũng đã làm cho nhà giàn Phúc Nguyên bị đánh sập, Đại úy Vũ Quang Chương, Chỉ huy trưởng nhà giàn, trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão, được lệnh của cấp trên, anh đã chỉ huy bộ đội rời Trạm xuống tàu theo phương án, anh và đồng đội Nguyễn Văn An tình nguyện ở lại thu tài liệu, cuốn lá cờ Tổ quốc vào người để rời nhà giàn sau cùng. Bão tố đã cướp đi sinh mạng của các anh, riêng liệt sỹ Nguyễn Văn An hy sinh để lại người vợ nơi quê nhà và đứa con mới sinh mà anh chưa được gặp mặt. Còn liệt sỹ Lê Đức Hồng, khi bão tố ập đến anh đã cố gắng đến cùng để giữ vững thông tin liên lạc với sở chỉ huy Quân chủng. Và khi nhà giàn bị đổ, qua hệ thống đàm thoại anh chỉ kịp nói “Chào đất liền, xin vĩnh biệt tôi đi đây”. Câu nói cuối cùng của anh khiến đồng đội ở đất liền nghe thấy mà như dao cứa vào tim mình.Và còn đó, trên một số đảo những ngôi mộ của những chiến sỹ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, chưa được về với quê mẹ nơi đất liền như binh nhất Nguyễn Hùng Linh, quê ở Sầm Sơn- Thanh Hóa trên đảo Sinh Tồn Đông; thiếu úy Ngô Quyết Thắng, quê Ninh Giang- Hải Hưng trên đảo Trường Sa Đông…Với lính đảo hay các chiến sĩ nhà giàn phải thường xuyên đối mặt với nhiều mối nguy hiểm, đặc biệt là bão gió giữa đại dương mênh mông. Trong đó, những cuộc chiến sinh tử với kẻ thù, những trận cuồng phong dữ dội, cướp đi sinh mạng của nhiều cán bộ, chiến sĩ. Trong thời khắc đối mặt giữa sự sống và cái chết, những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam đều tỏ rõ lòng trung kiên, tình đồng đội, đồng chí, sẵn sàng hy sinh thân mình để thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng. Hơn thế nữa, giữa phong ba, bão tố đã có những cái chết hóa thành bất tử như sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ: Vũ Quang Chương, Trần Văn Phương, Lê Đức Hồng cùng các liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa và vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đã trở thành biểu tượng hết sức cao đẹp. Có lẽ, chính điều đó đã trở thành ngọn nguồn sức mạnh, tiếp sức cho những chàng trai trẻ tiếp nối truyền thống bất khuất, kiên cường, vững vàng trước mọi gian khó của thế hệ cha anh đi trước để viết tiếp những bản hùng ca của người lính hải quân luôn hiên ngang, vững vàng trước biển cả, bao la. Sự hy sinh, cống hiến của các anh là tượng đài bất tử của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam.Xin được dẫn lời của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong lễ mít tinh kỷ niệm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo Trường Sa lớn ngày 7/5/1988, thay cho lời kết: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của Tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta”.

Tất Cường

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/an-ninh-quoc-phong/bien-gioi-bien-dao/201907/ky-iii-nhung-bieu-tuong-bat-tu-noi-trung-khoi-165542