Kỳ III: Những giải pháp đột phá

PTĐT - Từ những hạn chế, khó khăn bộc lộ trong quá trình thực hiện Đề án 'Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020', Phú Thọ đang có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ...

Giáo viên Trường THPT Long Châu Sa, huyện LâmThao ôn luyện Tiếng Anh cho học sinh đội tuyển.

Giáo viên Trường THPT Long Châu Sa, huyện LâmThao ôn luyện Tiếng Anh cho học sinh đội tuyển.

>>> Kỳ II: Còn đó những khó khăn, thách thức
>>> Kỳ I: Hiệu ứng tích cực từ chương trình dạy ngoại ngữ 10 năm
PTĐT - Từ những hạn chế, khó khăn bộc lộ trong quá trình thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”, Phú Thọ đang có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện, nâng cao trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của học sinh, giúp các em tự tin trong giao tiếp, phù hợp với yêu cầu kết nối toàn cầu trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Những năm qua, huyện miền núi Yên Lập dạy song song chương trình tiếng Anh 10 năm (mới) và chương trình tiếng Anh 7 năm (cũ) trước khi thực hiện đại trà chương trình mới theo kế hoạch. Ông Hà Tuấn Hải - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Giải pháp trước tiên là các nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dạy, người học và cha mẹ học sinh về tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực của môn ngoại ngữ, đặc biệt là chương trình tiếng Anh mới. Bên cạnh đó, các nhà trường đã tranh thủ nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ngoại ngữ theo hướng chuẩn hóa, tiếp cận hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin; khuyến khích giáo viên, học sinh tự trang bị thêm sách, tài liệu bổ trợ cho việc dạy và học môn tiếng Anh. Đặc biệt, ưu tiên toàn bộ giáo viên dạy tiếng Anh đã đạt từ bậc 4 (B2) trở lên dạy chương trình tiếng Anh 10 năm, tạo điều kiện để giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức... Từ năm học 2019-2020, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) tiếng Anh cấp trường, tạo sân chơi cho học sinh tham gia rèn luyện kỹ năng nghe, nói.
Với những giải pháp trên, bức tranh dạy và học ngoại ngữ của huyện Yên Lập đã có sự bứt phá rõ nét. Nhiều trường mẫu giáo đã cho trẻ làm quen với ngoại ngữ, nhiều trường tiểu học như: Thị trấn Yên Lập, Thượng Long, Phúc Khánh, Đồng Thịnh… đã triển khai dạy tiếng Anh tự chọn cho học sinh lớp 1, lớp 2. Kết quả học tập đại trà môn tiếng Anh được nâng lên, trong năm học 2019-2020: 99,9% HS bậc tiểu học hoàn thành tốt và hoàn thành môn học; tỷ lệ học sinh khá, giỏi bậc THCS tăng lên đạt 25,4%. Về tiếng Anh mũi nhọn, năm học 2019-2020, CLB tiếng Anh tiểu học cấp huyện dự thi cấp tỉnh đạt giải Ba tập thể, 8 giải cá nhân. Năm học 2020-2021, CLB tiếng Anh THCS cấp huyện dự thi cấp tỉnh đạt 2 giải tập thể (trong đó có 1 giải sáng tạo nhất) và 5 giải cá nhân.

Tiết học kết nối với học sinh tại Nga và Nam Phi của lớp học cô Hà Ánh Phượng, Trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn.

Tiết học kết nối với học sinh tại Nga và Nam Phi của lớp học cô Hà Ánh Phượng, Trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn.

Cũng là một cách làm hay nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, bên cạnh việc tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; bổ sung thiết bị dạy học môn tiếng Anh trong các nhà trường, xây dựng Câu lạc bộ tiếng Anh để tạo điều kiện cho các em phát huy năng lực, sở trường, thị xã Phú Thọ còn triển khai chương trình làm quen tiếng Anh từ bậc học mầm non, dạy học tiếng Anh tự nguyện đối với lớp 1, 2 và thực hiện tốt chương trình dạy học ngoại ngữ mới cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 9. Các trường cũng chủ động kết nối với các Trung tâm ngoại ngữ tổ chức các hoạt động giao lưu, tạo cơ hội cho học sinh được giao tiếp nhiều hơn với người nước ngoài. Ông Nguyễn Ánh Hoàng- Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Phú Thọ cho biết: Sau khi thực hiện giải pháp dạy thí điểm tiếng Anh theo chuẩn quốc tế tại một số trường học, đưa giáo viên người nước ngoài vào tham gia một số hoạt động của câu lạc bộ tiếng Anh trong các nhà trường, kết quả dạy và học tiếng Anh rất khả quan. Tính riêng kết quả giao lưu tiếng Anh THCS cấp tỉnh trong 5 năm qua, có tới 4 năm thị xã đạt giải Nhì toàn đoàn, riêng năm học 2020-2021 đạt giải Nhất toàn đoàn; giao lưu tiếng Anh tiểu học cấp tỉnh có 4 năm tham gia thì có 3 năm đạt giải Nhất, 1 năm đạt giải Nhì toàn đoàn; các giải cá nhân luôn đạt Nhất, Nhì ở tất cả các phần thi.Bám sát nội dung của Quyết định số 2080/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025”, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch 772/KH-UBND của UBND tỉnh về dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2017- 2025 để triển khai thực hiện, mở ra nhiều phương thức mới, cách làm hay trong dạy và học ngoại ngữ, từ đó tăng tính chủ động cho các trường, các địa phương, tạo bước đột phá trong nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo chương trình mới một cách thiết thực, hiệu quả. Hàng năm, Sở GD&ĐT phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Tập đoàn giáo dục Đại Trường Phát, Tổ chức Giáo dục IIG Việt Nam tiến hành tập huấn, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Anh và tin học, ứng dụng phần mềm, tài liệu bổ trợ giảng dạy tiếng Anh, công nghệ thông tin trong dạy học tiếng Anh. Từ năm học 2019- 2020, Sở GD&ĐT đã đưa nội dung triển khai thí điểm dạy và học tiếng Anh, Tin học theo chuẩn quốc tế cho học sinh tiểu học, THCS và THPT và triển khai dạy tiếng Anh có yếu tố nước ngoài nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng nghe - nói, phát âm chuẩn cho học sinh. Nhờ thường xuyên cập nhật, bồi dưỡng kiến thức, nhiều thầy cô giáo đã có những sáng kiến trong giảng dạy như cô giáo Lê Thị Nguyệt Nga- Trường THPT Kỹ thuật Việt Trì đã nghiên cứu, thiết kế xây dựng bộ thẻ từ tiếng Anh lớp 10 hệ 10 năm trên phần mềm Quizlet để cải tiến, cho ra sản phẩm bộ thẻ từ kèm theo chuẩn phát âm, bản mềm để học sinh tự học, nghe, nhắc lại, tự nhớ từ, tự kiểm tra các từ đã học dưới nhiều dạng bài khác nhau, đáp ứng cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và học sinh có thể tải về học trên máy tính, smartphone. Để tạo điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học môn ngoại ngữ, nhiều trường đã tranh thủ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, các nguồn xã hội hóa đầu tư phòng học ngoại ngữ với thiết bị nghe nhìn, mạng Internet kết nối toàn cầu, khắc phục tình trạng dạy chay, học chay trước đây. Các giáo viên đã chủ động sáng tạo, đổi mới trong dạy và học ngoại ngữ khi đưa các ứng dụng Skype, Zoom... vào quá trình giảng dạy trên lớp, giúp học sinh tự tin trong giao tiếp bằng tiếng Anh. Ông Đỗ Thanh- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Giải pháp mang tính đột phá để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ của tỉnh Phú Thọ chính là sớm tạo hành lang pháp lý và thống nhất trong công tác chỉ đạo thực hiện việc triển khai dạy tiếng Anh có yếu tố nước ngoài thông qua Đề án thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh với người nước ngoài trong các trường phổ thông tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2015-2020, Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục phổ thông tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2017-2025 cùng một số hướng dẫn khuyến khích dạy và học tiếng Anh có giáo viên người nước ngoài; tổ chức dạy học môn tiếng Anh tự chọn lớp 1, 2; xây dựng môi trường học và sử dụng tiếng Anh; đổi mới kiểm tra đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế… Đặc biệt, Phú Thọ là tỉnh tổ chức tốt các sân chơi tiếng Anh, các hoạt động ngoại khóa, tham gia các cuộc thi bằng tiếng Anh trên tinh thần tự nguyện như: Hùng biện, TOEFL Primary giúp học sinh nâng cao khả năng nghe nói để các em cảm thấy tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh, tạo nền tảng vững chắc trong nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trên toàn tỉnh.

Mai Phương - Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202103/ky-iii-nhung-giai-phap-dot-pha-175767