Kỳ III: Vì 'chủ nhân tương lai' của đất nước

Hiến pháp năm 2013 quy định rõ quyền con người, quyền công dân (bao gồm cả trẻ em) 'bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm'.

Cùng với học tập, trẻ em còn được các cấp, ngành, các đoàn thể xã hội tổ chức nhiều sân chơi lành mạnh, các hoạt động giải trí hấp dẫn để nâng cao sức khỏe, xây dựng không gian sống vui tươi, hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười.

Cùng với học tập, trẻ em còn được các cấp, ngành, các đoàn thể xã hội tổ chức nhiều sân chơi lành mạnh, các hoạt động giải trí hấp dẫn để nâng cao sức khỏe, xây dựng không gian sống vui tươi, hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười.

>>> Kỳ I: Những nguy cơ hiện hữu
>>> Kỳ II: Những điểm sáng vì trẻ em

(baophutho.vn) -

Hiến pháp năm 2013 quy định rõ quyền con người, quyền công dân (bao gồm cả trẻ em) “bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm”. Quốc hội cũng đã ban hành, bổ sung, sửa đổi nhiều đạo luật quan trọng, trong đó có Luật Trẻ em năm 2016. Bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, các cấp, các ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện các chương trình hành động vì trẻ em, bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích, chống xâm hại, bạo hành trẻ em; đầu tư phát triển hệ thống giáo dục, y tế, văn hóa, giúp trẻ em có môi trường học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi... lành mạnh. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện cho trẻ em - những “chủ nhân tương lai” của đất nước trong tình hình mới thì cần phải có giải pháp căn cơ, lâu dài, đồng bộ.

Cụ thể hóa các chủ trương

Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của dân tộc, là nhân tố tạo nên sự phát triển bền vững của đất nước. Từ năm 2012, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 20-CT/TW “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”. Bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch số 66-KH/TU ngày 17/4/2013 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1606/QĐ-UBND ngày 28/6/2013 phê duyệt Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2013- 2020, đồng thời lồng ghép các mục tiêu về trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.
Cùng với đó, công tác truyền thông nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi thực hiện các quyền trẻ em được đẩy mạnh. Tỉnh chỉ đạo các cấp xây dựng Quỹ bảo trợ trẻ em để vận hành các nguồn lực đầu tư cho trẻ em một cách bài bản, lâu dài, hằng năm tổ chức tốt Tháng hành động Vì trẻ em, Tết Trung thu- Ngày trẻ em Phú Thọ, Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, Ngày vi chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ và bà mẹ mang thai… Thông qua đó đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dành sự quan tâm, chăm sóc cho trẻ em với nhiều hoạt động cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Mặc dù là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức về công tác bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và Luật Trẻ em còn nhiều hạn chế, nhất là ở những xã vùng sâu, vùng xa, song vượt qua những khó khăn huyện Tân Sơn đã nỗ lực xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em bằng những việc làm thiết thực. Toàn huyện đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình như: Ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn; xây dựng các điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh thiếu nhi tại các xã vùng sâu, vùng xa: Thu Cúc, Thạch Kiệt, Lai Đồng, Đồng Sơn, Long Cốc, Kim Thượng… 100% xã trên địa bàn huyện đều triển khai thực hiện các tiêu chí xã phù hợp với trẻ em. Với gần 22.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 25,17% dân số, huyện Tân Sơn đã đảm bảo các quyền của trẻ em khi có 100% trẻ đi học đúng độ tuổi, 100% trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị nhiễm chất độc hóa học, nhiễm HIV/AIDS được quan tâm nuôi dưỡng, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT đầy đủ. Huyện còn huy động các nguồn lực xã hội hóa trong việc chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ có hoàn cảnh khó khăn như trao tặng quà, nhận chăm nuôi đỡ đầu trẻ mồ côi, nhận trẻ bị bỏ rơi làm con nuôi... Nhờ vậy, trên địa bàn huyện không có tình trạng trẻ em lang thang. Ông Lã Thái Sơn- Phó Trưởng Phòng LĐ,TB&XH huyện cho biết: Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo công tác bảo vệ trẻ em, chỉ đạo các xã thực hiện các tiêu chí xã, phường phù hợp với trẻ em, bố trí sân chơi, bãi tập dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em. Đồng thời tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng, chống xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích… thông qua các giờ học chính khóa, ngoại khóa trong nhà trường, các buổi sinh hoạt hè ở khu dân cư và củng cố cơ sở vật chất trường lớp, mạng lưới y tế để đảm bảo chăm sóc trẻ em ngay từ giai đoạn đầu đời.Không riêng huyện miền núi Tân Sơn, các huyện, thành, thị những năm qua đều có sự huy động đa dạng nguồn lực cho công tác trẻ em. Ông Trần Xuân Lâm- Trưởng phòng LĐ,TB&XH thành phố Việt Trì chia sẻ: Mặc dù thời gian qua bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, thành phố phải căng mình chống dịch song mọi hoạt động về bảo vệ, chăm sóc trẻ em vẫn đảm bảo, thành phố thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho trẻ em, nhất là trẻ em mồ côi, tàn tật... Thông qua các diễn đàn, hội nghị tuyên truyền, các mô hình điểm trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã nâng cao năng lực, kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em. Đặc biệt thành phố đã phát huy hiệu quả Quỹ bảo trợ trẻ em, hằng năm Quỹ đã bảo trợ dài hạn cho 30- 40 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, mua sắm tặng quà cho trẻ em khó khăn tại các xã, phường và Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi, tàn tật thành phố, hỗ trợ xây dựng bể bơi, trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước, chống xâm hại cho trẻ… Các xã, phường cũng huy động nhiều nguồn lực để đầu tư cho trẻ em. Cần nhiều giải pháp căn cơ

Để công tác bảo vệ trẻ em bảo đảm tính hệ thống, tính liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, những năm qua, với vai trò là cơ quan tham mưu, thường trực trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở LĐ,TB&XH đã phối hợp với các sở, ngành liên quan thường xuyên rà soát các văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến công tác trẻ em, tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Hằng năm, Sở tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em cấp tỉnh, huyện, cộng tác viên làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, tập huấn kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc, người nuôi dưỡng trẻ; kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ trước các nguy cơ bạo hành, bạo lực, xâm hại và tai nạn thương tích. Các sở: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tư pháp, Văn hóa, TT&DL, Thông tin và Truyền thông, các tổ chức chính trị xã hội: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… đều tích cực chỉ đạo các đơn vị trong ngành, trong hệ thống triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và thực hiện tốt chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại, tai nạn thương tích cho trẻ em, góp phần xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ.Bà Phạm Thị Thu Hương- TUV, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH khẳng định: Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Trong Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 Chính phủ cũng xác định rõ mục tiêu: Bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; tạo lập môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần hoàn thành các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Để thực hiện được mục tiêu này, các ngành, các địa phương cần bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và hướng dẫn của các bộ, ngành trong việc thực hiện mục tiêu chung và từng chỉ tiêu cụ thể. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chỉ đạo điều hành của chính quyền, nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong thực hiện Luật trẻ em, đưa các mục tiêu, chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, lồng ghép các mục tiêu chương trình bảo vệ chăm sóc trẻ em vào hoạt động chuyên môn của các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương; từng bước chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

Trên toàn tỉnh, riêng giai đoạn 2013-2020 tổng kinh phí thực hiện chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em đạt gần 19 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 15,1 tỷ đồng, còn lại là xã hội hóa.Cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của gia đình và toàn xã hội trong bảo vệ, chăm sóc trẻ, phòng, chống xâm hại, bạo hành, tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước… từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động của mỗi tập thể, cá nhân. Thường xuyên tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ từ trong gia đình, nhà trường; đổi mới phương pháp giáo dục trẻ em đảm bảo phù hợp với lứa tuổi, giai đoạn phát triển của trẻ; trang bị kỹ năng cho trẻ trong phòng, chống xâm hại, bạo lực, tai nạn cũng như chủ động phát hiện tố giác các hành vi, nguy cơ bạo lực, bạo hành, xâm hại, lôi kéo trẻ vào các hoạt động tội phạm, các hành vi cản trở việc thực hiện quyền trẻ em.Tiếp tục ưu tiên hỗ trợ các nguồn lực cho trẻ, nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; xây dựng môi trường thân thiện, sân chơi lành mạnh với các điều kiện vui chơi, giải trí hữu ích giúp trẻ phát triển năng khiếu, tránh xa các cạm bẫy trên không gian mạng và đời thường. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của chính quyền cơ sở, cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em để có kết quả đánh giá khách quan, toàn diện, điều chỉnh kịp thời.Cùng với đó, các cơ quan Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách trong bảo đảm thực hiện quyền và giải quyết các vấn đề về trẻ em; tăng nguồn lực hỗ trợ các địa phương trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, ưu tiên cho địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; thúc đẩy phát triển hệ thống dịch vụ y tế, giáo dục, tư pháp và các dịch vụ an sinh xã hội đáp ứng thực hiện quyền trẻ em; tăng cường truyền thông, giáo dục, vận động xã hội thực hiện các mục tiêu về trẻ em và giải quyết các vấn đề của trẻ em, tổ chức các diễn đàn để trẻ em được chủ động tham gia và nói lên những mong muốn, suy nghĩ của mình trong tương lai... để toàn xã hội làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo nền tảng vững chắc để trẻ em phát triển toàn diện.

Mai Phương - Mai Hoa

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202106/ky-iii-vi-chu-nhan-tuong-lai-cua-dat-nuoc-177451