Kỳ lạ: Cấp bò cái sinh sản, dân nghèo lại nhận... bê con
Người dân nghèo được cấp bò cái sinh sản nhưng khi nhận lại thì vô cùng bất ngờ khi chỉ là nhưng con bê con.
Vừa qua, UBND xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum được giao làm chủ đầu tư thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng (thuộc Tiểu dự án 2-3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023)
Theo đó, 108 hộ dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, vừa thoát nghèo tại các thôn của xã sẽ được chia thành nhóm cộng đồng, mỗi hộ trong nhóm được hỗ trợ 1 con "bò cái sinh sản" trị giá 16,5 triệu đồng. Mục tiêu là chăn nuôi phát triển tốt, sau đó sinh sản nhân giống, mở rộng quy mô chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.
Sau 2 năm, khi bò sinh sản thì người được hỗ trợ bò sẽ phải hoàn trả lại khoản tiền đối ứng 35% (khoảng 5,7 triệu đồng) cho nhà nước và sở hữu cả bò mẹ, bò con.
Theo UBND xã Ngọk Wang, bò được cấp cho các hộ dân là bò vàng, tuổi từ 17-20 tháng; trọng lượng từ 140-150kg/con. Bò cái sinh sản phải có tầm vóc lớn, thể chất khỏe mạnh, nhanh nhẹn, không bị khuyết tật…
Tháng 11-2023, những hộ dân đã được nhận bò từ đơn vị cung ứng là Cơ sở Sản xuất và Kinh doanh Nhân Phát (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Tuy nhiên, khi nhận bò thì người dân bất ngờ khi không phải là "bò cái sinh sản" mà lại là những con bê con. Một số hộ thấy vậy đã kiên quyết không nhận vì chê bò quá nhỏ, gầy yếu.
Ông A Phái, là một trong 10 hộ làng Kon Gu 2, xã Ngọk Wang được cấp 1 con bò cái sinh sản. Tuy nhiên, khi đi nhận thì ông Phái thấy con bò này rất nhỏ, chưa đầy 100kg. "Tôi nuôi bò từ nhỏ đến giờ, đây là con bê chứ không phải bò. Con bê này chỉ chừng 7-9 triệu, nhưng nghe xã nói là trên 15 triệu đồng thì tôi chỉ biết vậy" – ông A Phái nói.
Còn tại thôn Đăk Đuông, có 22 hộ dân được cấp bò cái sinh sản. Anh A Trương (thôn Đăk Duông) khi đi nhận bò đã kiên quyết không nhận. Lý do anh A Trương đưa ra là con bò có giá rất cao là 16,5 triệu đồng, nhưng cấp cho dân là bê con, gầy gò ốm yếu.
Không nhận bò, anh A Trương được cấp 9 triệu đồng để tự đi mua bò. "Con bò tôi mua chỉ 9 triệu, nhưng to gần gấp đôi con bò mà UBND xã cấp cho các hộ khác" – anh A Trương nói.
Ngoài việc người dân phản ánh bị cấp bò "đội lốt" bê, nhiều hộ dân sau khi nhận bò về thì không may lăn đùng ra chết. Do đó, người dân lo lắng khi bò chết thì sẽ không thể trả lại khoản tiền 35% cho nhà nước.
Anh A Thuật, làng Kon Gu 2, xã Ngọk Wang vừa nhận bò về gần 1 tháng thì con bò lăn đùng ra chết. "Thà bò nhận về nuôi một năm rồi chết thì mình chịu trách nhiệm. Đằng này mới nhận về chưa được một tháng đã chết nên mình lo lắm" - anh Thuật nói.
Trong khi người dân phản ánh bò được cấp nhỏ, bị chết thì ông Ngô Tấn Khoa, Chủ tịch UBND xã Ngọk Wang, lại cho rằng việc cấp bò đảm bảo các điều kiện được phê duyệt cũng như trên tinh thần đã thông báo với người dân về trọng lượng của bò. Việc bò gầy yếu là do người dân thiếu kinh nghiệm chăm sóc dẫn đến nhiều khả năng làm bò chậm phát triển.
"Lúc cấp bò thì tất cả con bò đều đảm bảo trọng lượng. Việc chăm sóc của bà con khiến xã cũng lo lắng khi không làm chuồng trại hay không chăn thả khiến bò thiếu thức ăn dẫn đến một số con bò phát triển không tốt" – ông Khoa nói.
Vội vã cấp bò mới cho dân nghèo
Điều đáng ngạc nhiên là sau khi một số thông tin liên quan đến việc cấp bò "đột lốt" bê được phản ánh thì người dân từng được cấp 1 số con bò nhỏ nhất đã được cấp đổi lại. Theo đại diện cơ sở cấp bò, việc cấp đổi bò là theo yêu cầu của chính quyền địa phương.
"Sau khi nhận bò thì người dân không chăm sóc tốt, để bò bị lạnh, bị đói nên bò bị gầy đi. Do đó xã bảo không đủ trọng lượng và yêu cầu cấp lại cho người dân" - vị này nói rồi bảo số lượng bò cấp lại cụ thể thì sẽ kiểm tra, không tin lại sau.