Kỳ lạ công trường khai thác đá trái phép ở Đắk Nông không ai xử lý
Những chiếc máy múc hoạt động hết công suất thi nhau đục khoét sâu vào lòng đất để khai thác đá cây trái phép.
Ngang nhiên khai thác đá trái phép
Một ngày cuối tháng 5, trong vai người dân đi làm rẫy, PV tiếp cận hiện trường khai thác đá cây nằm bên tuyến đường liên thôn Đức Bình đi Làng Dao (xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông). Cách khu vực khai thác không xa, hai xe ben chất đầy đá, phủ bạt núp bên đường chờ màn đêm xuống bắt đầu di chuyển.
Càng tiến gần hiện trường, tiếng máy múc đục đá, cẩu đá vọng lại chát chúa, theo con đường mòn in hằn vệt bánh xe chở đá, dẫn thẳng vào khu vực khai thác. Ngay lối vào, các đối tượng khai thác đá dựng lều làm nhiệm vụ cảnh giới, người lạ “bất khả xâm phạm”.
Bên trong, hai chiếc máy múc đang hoạt động hết công suất, một chiếc đục khoét sâu vào lòng đất, múc ra những phiến đá cây (đá dạng hình trụ) dài khoảng 1m - 3m xếp ngổn ngang.
Chiếc máy múc thứ hai liên tục cẩu đá đưa lên xe, từng lớp đá được xếp ngay ngắn, cao hơn thành thùng khoảng một mét. Sau khi xe được chất đầy đá, tài xế không phủ bạt để lộ những phiến đá dài, cao ngút rồi ì ạch cho xe bò ra đường liên thôn Đức Bình. Chiếc xe này rời đi, một chiếc xe khác đợi sẵn lùi vào bãi, tiếp tục “ăn hàng”.
Theo quan sát, tất cả các xe sau khi được chất đầy những phiến đá, tài xế không phủ bạt vội mà cho xe rời bãi ra vị trí “đóng quân”. Lúc này, tài xế mới kéo bạt che đậy rồi nằm đợi chờ trời tối, sẽ bắt đầu đưa đá ra đường Hồ Chí Minh rồi tỏa đi các hướng.
Theo một người dân, thời gian qua, các đối tượng khai thác đá trái phép lùng sục khắp các rẫy cà phê, cao su để săn đá. Sau khi phát hiện rẫy người dân có trữ lượng đá cây lớn, họ sẽ đặt vấn đề với chủ rẫy để vào khai thác. Mỗi sào đất có giá 80 - 100 triệu đồng (tùy vào khối lượng đá), sau khi khai thác hết đá, đất sẽ trả lại đất cho dân. Hoạt động khai thác đá diễn ra ngang nhiên, mỗi ngày có gần chục xe đá rời bãi nhưng không thấy ai kiểm tra xử lý.
Huyện liên tục chỉ đạo… nhưng vẫn rầm rộ khai thác trái phép
Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, chỉ có một đơn vị được cấp phép khai thác đá dạng trụ nhưng trữ lượng đã cạn nên loại đá này đang “cháy hàng” để cung cấp cho các nhà máy chuyên xẻ đá ốp tường, ốp nền, làm đồ mỹ nghệ. Loại đá cây có giá trị rất lớn, giá bán tại bãi dao động từ 500.000 - 550.000 đồng/1 tấn.
Một người dân (xin giấu tên) bức xúc: “Người dân chỉ cần đưa máy múc khai thác vài xe đất liền bị chính quyền ngăn chặn xử lý ngay, nhưng các đối tượng khai thác đá lại ngang nhiên khai thác, vận chuyển cả ngày lẫn đêm mà chính quyền địa phượng không hay biết thì thật khó hiểu!".
Ông Vũ Thanh Phương, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk Mil cho biết: “Thời gian qua, Phòng liên tục tham mưu cho UBND huyện có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, quản lý khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.
Tuy nhiên, nếu còn tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, Phòng tiếp nhận thông tin phản ánh, sẽ chỉ đạo cán bộ xuống nắm tình hình, xác minh thông tin, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý ngay. Phòng Tài nguyên và Môi trường tuyệt đối không bao che trong việc này”.
Theo ông Lê Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, thời gian qua, UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Đặc biệt là khoáng sản chưa khai thác, nhằm đưa hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện đi vào nền nếp, tuân thủ quy định pháp luật.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là ở các xã Đức Mạnh, Đắk N'Drót, Đắk Gắn vẫn tái diễn, công khai. Công tác tham mưu, phối hợp quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản ở một số xã với các phòng, ban chức năng còn hạn chế; các cơ quan, đơn vị lúng túng trong việc xử lý các vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, chưa triệt để...
Nhằm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại hạn chế trên, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý; nghiêm cấm các trường hợp cán bộ, công chức bao che, tiếp tay cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, thỏa thuận, cho phép các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái pháp luật. Trường hợp phát hiện sẽ xử lý, kỷ luật theo quy định.
“Huyện sẽ chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Đức Mạnh nhanh chóng xác minh thông tin phản ánh, để kịp thời xử lý nghiêm theo quy định”, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk Mil khẳng định.
Liên quan đến tình trạng khai thác, vận chuyển đá trái phép trên, phóng viên đã liên hệ với Công an huyện Đắk Mil để cung cấp thông tin, đăng kí nội dung làm việc.
Tại đây, trực ban tiếp nhận thông tin, cầm thẻ nhà báo của phóng viên đi xin ý kiến lãnh đạo. Một lúc sau, trực ban quay lại trả lời: “Trưởng huyện trả lời là Công an huyện không có thẩm quyền phát ngôn. Làm việc với nhà báo thì phải có ý kiến của Công an tỉnh, phóng viên liên hệ với Công an tỉnh, khi nào có giấy giới thiệu sẽ trực tiếp trả lời theo nội dung của Công an tỉnh”.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, tại Quyết định 1661/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, UBND cấp huyện, phải thường xuyên chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp bảo vệ. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các hoạt động khai thác, chế biến, mua bán, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn.
Chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài. Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.