Kỳ lạ hài cốt hóa ngọc của đàn quái vật kỷ Phấn Trắng
Thay vì hóa thạch, đàn khủng long cao đến 5 m ở Úc lại bị opal hóa, khiến hài cốt của chúng lấp lánh ánh kim của loại ngọc trang sức được cả thế giới ưa chuộng.
Các nhà khoa học từ Đại học New England (Armidale, Úc) đã vô cùng may mắn khi nhận được một bộ sưu tập gồm nhiều mẩu xương kỳ lạ, lấp lánh ánh kim vì được bao bọc trong opal, tức ngọc mắt mèo hay đá mắt mèo, một á khoáng vật quý được nhiều người ưu chuộng làm trang sức.
Đó là những mẩu hài cốt khủng long quý giá bậc nhất thế giới. Thay vì bị hóa thạch, chúng bị một hiện tượng kỳ lạ là "opal hóa", tạo ra sắc xanh lấp lánh ánh kim ngay cả khi đã được lấy ra khỏi phần ngọc opal bao bọc. Tuy nhiên, bất ngờ chưa dừng lại ở đó.
"Tất cả chúng tôi ban đầu đều cho rằng đống xương này là của một cá nhân, nhưng mãi đến khi tôi bắt đầu ghép xương và kiểm tra từng xương một thì tôi mới nhận ra có gì đó không phù hợp" – nhà cổ sinh vật học Phil Bell, thành viên nhóm nghiên cứu, nói.
Thì ra, đó là một phần của cả một đàn khủng long, chứ không phải một con như họ dự đoán trước đây. Số xương họ sở hữu thuộc về ít nhất 4 cá thể, cả con non lẫn trưởng thành. Điều này cho thấy có thể mỏ opal Lightning Ridge danh tiếng ở Úc, nơi tìm thấy các mẩu xương này, còn "phong ấn" cả một đàn quái vật kỷ Phấn Trắng!
Số xương ban đầu thuộc sở hữu của người khai thác opal Robert Foster. Ông phát hiện ra số xương opal hóa từ những năm 1980. Các mẫu vật được gửi đi phân tích ban đầu, xác định thuộc về loài Fostoria dhimbangunmal, một khủng long ăn cỏ to lớn từng hiện diện khắp nước Úc cổ đại. Cá thể trưởng thành có chiều cao lên tới 5 mét. Sau phân tích, số xương opal hóa được trả về cho người tìm ra chúng.
Vừa qua, ông Foster đã qua đời và các con ông quyết định hiến tặng di sản đặc biệt này cho khoa học. Với kỹ thuật hiện đại và thời gian nghiên cứu thoải mái hơn, các nhà khoa học đã khám phá ra những bí mật lớn hơn mà các mẫu vật còn chôn giấu.
Năm ngoái, cũng nhóm khoa học gia này đã phát hiện một cá thể khủng long khác bị opal hóa, cũng tại mỏ Lightning Ridge. Họ đặt tên cho nó là Weewarrasaurus pobeni. Cũng như đàn khủng long nói trên, con khủng long này cũng sống vào cuối kỷ Phấn Trắng, vốn kết thúc vào 66 triệu năm trước.
Lightning Ridge là nơi duy nhất trên thế giới phát hiện ra hài cốt sinh vật bị opal hóa. Hầu hết các mẫu vật opal hóa được tìm thấy là từ sinh vật biển, bởi biển mới là nơi có thể khiến một động vật hóa ngọc như thế. Nhưng đôi khi hài cốt động vật trên cạn như khủng long cũng trôi ra biển và tương tác với các khoáng chất silica, nền tảng của opal. Khoáng chất này tích tụ trong các hốc xương, thậm chí thấm hẳn vào phần hữu cơ, thay thế chúng và tạo ra một bản sao bằng ngọc thay thế cho vật chất hữu cơ đã tan biến.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Journal of Vertebrate Paleontology số tháng 6.