Kỳ lạ hình chạm khắc đầu người được tìm thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ
Các nhà khảo cổ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy một địa điểm thời tiền sử cách đây 11.000 năm đã được dùng để thực hiện một nghi lễ diễu hành trong nhà. Đó là một tòa nhà có chứa các cột trụ hình dương vật và hình khắc đầu người.
Hình khắc đầu người và dương vật được tìm thấy trong khu khảo cổ 11.000 năm ở Thổ Nhĩ Kỳ
Karahantepe, địa điểm nằm ở phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, phía đông Şanlıurfa, có một loạt các tòa nhà xuất hiện từ rất lâu trước khi chữ viết được phát minh.
Tại đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những hình khắc đầu người, rắn và con cáo cũng như một số cột trụ có hình dạng thú vị tại một số tòa nhà ở khu vực này.
Các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện ra 11 cây cột gần cây cột có chạm khắc hình khắc đầu người. Các phát hiện này cho thấy khả năng nghệ thuật của loài người trong thời kỳ đồ đá mới đã được phát triển ở một mức độ nào đó.
Các cột trụ hình dương vật
Necmi Karul, giáo sư khảo cổ học thời tiền sử tại Đại học Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đã viết trong một bài báo đăng trên tạp chí Türk Arkeoloji ve Etnografya Dergisi gần đây: “Tất cả các cột trụ đều được dựng lên và có hình dạng giống như một chiếc dương vật."
Tòa nhà này được kết nối với ba tòa nhà khác để tạo thành một khu phức hợp. Người cổ đại có thể đã tổ chức một cuộc diễu hành nghi lễ qua khu phức hợp này, Karul cho biết.
Bằng chứng hiện tại cho thấy rằng, người cổ đại đã sử dụng khu phức hợp cho một quy trình nghi lễ phải diễu hành trước sự hiện diện của đầu người và các cột trụ hình dương vật.
Địa điểm này có niên đại tương tự như Gobekli Tepe, một địa điểm khảo cổ khác có các tòa nhà lớn và chạm khắc động vật và đầu người. Gobekli Tepe cũng nằm gần Şanlıurfa, và các nhà khảo cổ đang cố gắng xác định mối quan hệ giữa hai địa điểm này.
Mặc dù Karahantepe được phát hiện vào năm 1997, nhưng các cuộc khai quật phải đến năm 2019 mới được tiến hành.