Kỳ lạ hồ nước đẹp như 'tiên cảnh' nhưng ẩn chứa bí mật rùng rợn
Hồ Nyos là một hồ nước nằm trên miệng núi lửa tại Cameroon. Cảnh quan của hồ khá đẹp, tuy nhiên, dưới đáy hồ nước lại ẩn chứa bí mật khủng khiếp.
Báo chí đưa tin, vào ngày 21/8/1986, một thảm họa diễn ra quanh khu vực hồ Nyos ở Cameroon khiến gần 2.000 người dân và gần 8.000 con vật chết chỉ trong một đêm. Một người đàn ông đi từ làng Wum đến làng Nyos đã phát hiện ra thảm họa này.
Thông tin trên VTC News, người đàn ông chia sẻ, mới đầu anh ta trông thấy một con linh dương nằm chết bên đường. Sau đó, khi vào trong làng, anh ta phát hiện thêm xác của một con chó, hai con chuột và một vài con khác.
Người đàn ông quyết định tới khu lều trại phía trước để hỏi thăm tình hình thì hốt hoảng phát hiện ra xác người chết nằm la liệt khắp nơi. Sau khi tìm kiếm khắp nơi và không phát hiện ra ai sống sót, anh ta liền chạy về Wum báo tin.
Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã vào cuộc điều tra. Theo thống kê của cảnh sát, số người chết lên tới hơn 1.746. Trên thi thể họ không một dấu hiệu nào chứng tỏ bị chấn thương hay có cuộc đụng độ nào đó dẫn tới tử vong. Bên cạnh đó, khoảng 8.000 loài vật nuôi và hoang dã cũng chết một cách bí ẩn. Từ đây, nhiều suy đoán về nguyên nhân dẫn tới thảm họa được đưa ra.
Sự thật là không hề có con quái vật ăn thịt người nào sống trong hồ. Nước trong hồ cũng không có chứa chất độc nguy hiểm nào khiến người ta không thể bơi trong đó. Bí mật khiến hồ Nyos trở nên nguy hiểm đó là trong một số thời điểm nó tự nổ tung và giết tất cả sinh vật sống ở quanh đó. Vì sao vậy?
Thông tin trên Báo Pháp Luật, dựa vào những manh mối ban đầu, các nhà khoa học cho rằng núi lửa bên dưới hồ đã hoạt động trở lại, từ đó phun trào khí độc gây nên thảm họa chết người. Giả thuyết này nghe có vẻ hợp lý nhưng thực chất không phải vậy, bởi nếu một vụ phun trào có khả năng phóng đủ khí độc để giết chết nhiều người trên diện rộng như vậy buộc phải có hoạt động địa chấn.
Trong khi đó, theo lời những người sống sót sau thảm họa kể lại, họ chỉ nghe thấy tiếng nổ lớn nhưng không hề có động đất hay hoạt động rung lắc nào. Đồ đạc và mọi thứ xung quanh cũng không hề có dấu hiệu xáo trộn.
Nhiều tháng sau, kết quả cho thấy “hung thủ” bí ẩn chính là khí CO2. Nồng độ CO2 trong nước hồ cao một cách bất thường. Mẫu nước lấy ở độ sâu 15m chứa lượng CO2 lớn đến mức khi vừa đưa lên khỏi mặt nước, khí CO2 tạo ra các bong bóng như ai đó vừa mở nắp một lon soda. Càng xuống sâu nồng độ CO2 càng cao.
Các nhà khoa học phân tích, do đáy hồ Nyos đã bão hòa, CO2 bị dồn lên tầng nước áp suất thấp. Người ta cho rằng có thứ gì đó đã tác động dưới đáy hồ, ví dụ như động đất, lở đất, núi lửa hoạt động, hay thậm chí đơn giản là do mực nước bị xáo trộn đột ngột…
Trong quá trình đó, có thể xảy ra hiệu ứng ống khói, kích hoạt phản ứng dây chuyền, khiến hồ Nyos phun toàn bộ CO2 tích tụ dưới đáy hồ qua hàng thập kỷ. Màu đỏ trên bề mặt hồ hóa ra chính là sắt, vốn chỉ có ở dưới đáy hồ. Vì trầm tích ở đáy hồ bị khuấy động, khiến sắt trong hồ nổi lên mặt nước, phản ứng với oxy và chuyển sang màu đỏ.
Khí CO2 không mùi, không màu và không độc hại. Thông thường không khí có chứa 0,05% khí CO2. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ càng cao, CO2 càng dễ gây chết người. Tỷ lệ 5% đã có thể dập tắt lửa. Điều này lý giải vì sao tất cả đèn dầu trong nhà nạn nhân đều bị tắt.
Khí CO2 bay lên cao trước khi hạ xuống mặt hồ. Do vậy, gia súc được chăn thả trên các quả đồi cao cả trăm mét vẫn bị chết. Sau đó, lớp khí này tràn xuống thung lũng với tốc độ 72 km/giờ. Những người sống ven hồ hoàn toàn không có cơ hội để thoát thân.
Rất ít người ở sườn đồi đủ tỉnh táo để leo lên vùng đất cao hơn và thoát chết. Một nhân chứng sống cho biết anh đã nhảy lên xe mô tô và phóng đến nơi an toàn ngay khi nhìn thấy hàng xóm của mình chết gục trong đám khí. Đa số nạn nhân đều không nhận ra mối nguy hiểm cho đến khi đám khí bao trùm họ.
Thảm họa hồ Nyos là thảm họa nổ khí CO2 thứ 2 trong lịch sử. Hai năm trước đó, vào ngày 15/8/1984, một vụ nổ lớn phát ra từ hồ Monoun nằm trên miệng núi lửa cách hồ Nyos không xa, đã khiến 37 người thiệt mạng. Ngày nay, giới khoa học cho rằng chỉ có ba hồ trên thế giới là Nyos, Monoun và Kivu nằm giữa biên giới Congo và Rwanda tích tụ đủ khí CO2 hòa tan ở đáy hồ gây chết người.
Không muốn tái diễn thảm họa này một lần nào nữa, chính phủ Cameroon đã buộc người dân sống tại các làng ven hồ Nyos phải rời đi nơi khác. Họ tháo dỡ nhà dân để ngăn không cho bất cứ ai quay về trước khi khu vực hồ an toàn trở lại.
Mất khoảng một năm để tìm ra nguyên nhân, nhưng các nhà khoa học lại mất thêm 10 năm nữa để tìm cách giải phóng khí CO2.
Theo đó, họ đã đặt một chiếc ống có đường kính 13cm xuống độ sâu 182m, ngay phía trên đáy hồ. Nước ở tầng đáy được bơm qua ống, phun lên cao nhằm nhả khí CO2 ra ngoài. Quá trình này kéo dài liên tục cho đến khi CO2 dưới đáy hồ thoát hết.
Sau khi thử nghiệm thành công vào năm 1995, ống thoát khí độc được chính thức đưa vào sử dụng năm 2001.
Tính đến mùa thu năm 2006, ống thoát khí vẫn hoạt động tốt và giải phóng được gần 20 triệu m3 khí mỗi năm, lớn hơn lượng khí nạp vào hồ.
Sự kiện kinh hoàng năm 1986 tại hồ Nyos là trường hợp ngạt khí chết người nhiều nhất từng ghi lại được. Ngày nay hồ Nyos vẫn là một hiểm họa tiềm tàng.
Quốc Tiệp (T/h)