Kỳ lạ những lễ hội khỏa thân trên thế giới
Nếu như phần lớn cả thế giới đang dành mối bận tâm với cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 thì ở Nhật Bản, nơi số người nhiễm loại virus đáng sợ này cao thứ 2 sau Trung Quốc vẫn không làm ảnh hưởng tới tinh thần lạc quan của người dân trên đất nước mặt trời mọc.
Bất chấp thời tiết lạnh giá, ngày 15-2, hàng nghìn người đã tham gia lễ hội khỏa thân Hadaka Matsuri được tổ chức hàng năm tại tỉnh Okayama trên đảo Honshu phía Nam của Nhật Bản. Lễ hội cũng là cách để người Nhật tự tin hơn và mạnh mẽ hơn khi đi qua mùa dịch và "nỗi hoảng sợ mang tên Covid-19".
Lễ Hội Khỏa thân ở Nhật
Mỗi năm, ở Nhật có nhiều lễ hội khỏa thân được tổ chức nhưng lễ hội Hadaka Matsuri là độc đáo nhất. Lễ hội này được tổ chức hàng năm vào ngày thứ 7, tuần thứ 3 của tháng 2 trong cái lạnh sâu nhất của tiết giao mùa tại ngôi đền Saidaiji Kannonin, gần thành phố Okayama.
Đây là một trong những lễ hội kỳ lạ nhất xứ sở hoa anh đào, nổi tiếng trên toàn quốc vì vậy nó thu hút hàng nghìn du khách tới tỉnh Okayama mỗi năm. Được biết, nghi lễ độc đáo này có truyền thống rất lâu đời, từ 500 năm trước, và khởi nguồn ở ngôi đền Saidaiji được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Người dân đến ngôi đền để dành lấy lá bùa may mắn có tên gọi là "Shingi" do những đạo sĩ trong ngồi đền phát ra. Ngày càng có nhiều người từ khắp nơi muốn có những lá bùa may mắn đó, khiến cho lễ hội trở nên lớn và đông đúc hơn.
Sau này do chiếc bùa giấy dễ rách trong quá trình tranh cướp nhau nên những vị đạo sĩ thay bùa giấy bằng chất liệu khác. Ngày nay, tấm bùa này được làm bằng một cây gậy gỗ dài 20 cm, đường kính 4cm gọi là "Shingi" chiếc bùa may mắn. Với lịch sử lâu đời, lễ hội đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể vào năm 2016.
Được mệnh danh là "lễ hội khỏa thân" nhưng trong lễ hội Hadaka, người tham gia không khỏa thân 100% mà vẫn mặc lên mình một chiếc fundoshi, một loại khố trắng bé xíu chỉ đủ che phần nhạy cảm. Hàng ngàn nam giới là tín đồ Thần đạo sẽ cởi trần, đóng khố trắng, uống rượu sake, sau đó họ mặc trang phục truyền thống rồi bước vào thác nước lạnh để thanh tẩy cơ thể trước khi bước vào ngôi đền linh thiêng.
Ở lễ hội chính, bên cạnh những người đàn ông đóng khố trắng, những người phụ nữ không mặc quần áo chỉ quấn quanh mình một tấm vải cũng màu trắng, biểu diễn trống taiko và ngâm mình dưới nước. Từ 7h tới 19h30’, người dân háo hức đón chờ màn pháo hoa. Và khi pháo hoa dần hết, những người đàn ông kéo nhau tới con suối thiêng gần đền thờ Saidaiji. Họ vừa diễu hành quanh đền, vừa hô to: "Wasshoi! Wasshoi!". Thông thường, mỗi năm, có khoảng 9.000 đến 10.000 người tham gia lễ hội này, không khí rất tưng bừng và sôi động.
Khi màn đêm bao phủ khắp nơi, cũng là lúc mọi ngọn đèn trong thành phố đều bị tắt, trừ đèn ở đền thờ Saidaiji. Lúc này diễn ra màn tranh cướp bùa "Shingi". Đây là phần quan trọng và hấp dẫn nhất của lễ hội. Đến lúc đèn điện trong ngôi đền cũng sẽ tắt hết, một vị đạo sĩ đứng từ cửa sổ sẽ ném 2 thanh bùa "Shingi" xuống. Và đó là lúc phần sôi động nhất của lễ hội sẽ bắt đầu.
Hơn 9.000 người đàn ông lao vào tranh cướp thanh gỗ được họ coi là "lá bùa thiêng liêng" này. Khung cảnh vô cùng náo nhiệt, chẳng khác nào một trận bóng bầu dục mà các vận động viên đều ăn mặc rất "mát mẻ". Ai giữ được "Shingi" lâu nhất và nhét được nó vào trong một chiếc hộp gọi là masu sẽ gặp may mắn cả năm.
Nam giới sẽ tranh cướp mạnh mẽ hơn cho 2 thanh "Shingi", vì người nào có được chúng sẽ có thể mang về nhà. Toàn bộ hoạt động này sẽ gói gọn trong 30 phút, nhưng sự tranh cướp là rất kịch tính và khốc liệt. Nhiều người sẽ gặp các chấn thương ngoài da, cũng như bị bầm dập hay thậm chí là trật khớp. Những người khác mà không dành được chiếc bùa may mắn thì sẽ cố chạm vào người nào lấy được chiếc bùa.
Ý nghĩa của lễ hội này là để cầu mong một vụ mùa bội thu, kết hợp với việc tôn vinh sự sinh sản. Một phần của lễ hội được tổ chức dành riêng cho các bé trai, các cậu bé phải giành nhau một vật, nhưng đó không phải lá bùa may mắn "Shingi" mà là một chiếc bánh gạo. Việc tổ chức lễ hội cho các bé trai nhằm hy vọng truyền thống tổ chức lễ hội sẽ được tiếp nối trong tương lai.
Những lễ hội khỏa thân độc đáo trên thế giới
Lễ hội "bodypainting" ở Áo
Lễ hội "bodypainting" quốc tế thường diễn ra vào tháng 7 hàng năm ở Áo, đây là một trong những lễ hội khỏa thân lớn nhất thế giới và được nhiều người biết đến. Mỗi năm có tới hơn 30.000 người tham gia vào sự kiện này. Nhiều người mẫu, họa sĩ từ các quốc gia cũng đổ về đây để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật trên cơ thể con người.
Lễ hội Burning Man ở Mỹ
Lễ hội này được tổ chức thường niên, từ ngày thứ hai cuối cùng của tháng 8 đến ngày thứ hai đầu tiên của tháng 9. Địa điểm diễn ra lễ hội là sa mạc Nevada, nơi các nghệ sĩ có thể mặc sức tạo ra các tác phẩm nghệ thuật như các nhà thiết kế thời trang sẽ mang tới nhiều bộ trang phục thể hiện tính sáng tạo, nghệ sĩ múa với màn biểu diễn ma quái nhưng cũng không kém phần nóng bỏng...
Mọi người tham gia lễ hội này có thể mặc bất kỳ trang phục nào để tham gia, từ những món đồ kỳ quái nhất cho đến khỏa thân hoàn toàn, miễn là bạn thấy thích. Trung bình có khoảng hơn 60.000 người tới tham gia vào lễ hội này mỗi nămvà đa phần họ đều khỏa thân hoặc ăn mặc mát mẻ nhất có thể khi đến lễ hội.
Lễ hội chạy khỏa thân ở Tây Ban Nha
Lễ hội này diễn ra trước Lễ hội Bò rượt San Fermin 2 ngày (vào đầu tháng 7 hàng năm), và do hiệp hội bảo vệ động vật PETA tổ chức. Người tham gia lễ hội này buộc phải cởi trần, đầu đội một đôi sừng bò tót và cổ quấn một cái khăn quàng đỏ.
Sự kiện được tổ chức nhằm phản đối sự tàn ác của các trận đấu bò tót. Sau đó, sự kiện này trở nên nổi tiếng và thu hút đông đảo du khách tới tham gia. Ngoài ra, lễ hội chạy khỏa thân cũng được tổ chức ở Đan Mạch, diễn ra ở thị trấn Roskilde trong 4 ngày. Đây là lễ hội văn hóa, âm nhạc lớn nhất Bắc Âu với hơn 180 ban nhạc và 100.000 khán giả tham gia mỗi năm.
Lễ hội đạp xe khỏa thân
Kể từ năm 2003, sau khi tổ chức một số cuộc đạp xe khỏa thân nhằm phản đối chiến tranh, nhà hoạt động xã hội người Canada Conrad Schmidt đã nảy ra ý tưởng tổ chức ngày đạp xe khỏa thân toàn thế giới.
Ngày đạp xe khỏa thân này được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới. Các khu vực Nam bán cầu sẽ tổ chức vào tháng 4, còn phía Bắc bán cầu lễ hội diễn ra vào ngày thứ 7 thứ hai của tháng 6.
Ngoài các lễ hội khỏa thân độc đáo nêu trên ở Pháp còn tổ chức các quán ăn khỏa thân cho những thực khách là tín đồ yêu thích khỏa thân đến thưởng thức ẩm thực. Một số nước trên thế giới còn có những bãi tắm tiên công cộng dành riêng cho người đến tắm khỏa thân. Mọi lễ hội hoạt động khỏa thân trên thế giới, ngoài việc duy trì truyền thống văn hóa đặc sắc riêng biệt của mỗi một đất nước, thì trên tất cả, lễ hội khỏa thân đều có một tinh thần chung. Đó là tinh thần yêu tự do, tôn vinh tự do, sự thân thiện, bình đẳng, con người trở về gần gũi với thiên nhiên hơn, phá bỏ mọi rào cản để được là chính mình.