Kỳ lạ nòng nọc giết và ăn xác ếch cây trưởng thành
Các nhà nghiên cứu vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện nhiều cá thể nòng nọc giết và ăn xác ếch cây trong một khu bảo tồn ở Mexico.
Triprion petasatus là một loài ếch kích thước trung bình với chiếc mũi nhỏ, được tìm thấy ở Mexico cùng với ếch cây Smilisca baudinii. Cả hai loài này không giống nhau lắm nhưng đều bắt đầu vòng đời dưới nước, nơi chúng nở thành nòng nọc và sau đó biến đổi thành ếch. Nòng nọc thường ăn tảo, động vật không xương sống, trứng và các loại nòng nọc khác, nhưng việc ăn thịt ếch là cực kỳ hiếm.
Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Herpetological Review, các nhà nghiên cứu ở Mexico đã phát hiện ra một số con nòng nọc Triprion petasatus ăn thịt ếch cây. Các nhà khoa học cho rằng nguồn thức ăn hạn chế có thể giải thích cho phát hiện này nhưng liệu hành vi săn mồi trên có lợi cho nòng nọc hay không vẫn còn phải xem xét.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã phát hiện con nòng nọc chậm rãi ăn xác ếch cây trong một hồ nước nhân tạo tại Khu dự trữ sinh quyển Calakmul, Mexico. Những hồ chứa này được đưa vào khu vực để hỗ trợ các quần thể động vật lưỡng cư vì trong những năm gần đây, các hồ đang bị thu hẹp lại. Trong điều kiện này, nguồn cung cấp thức ăn có thể cạn kiệt.
Các nghiên cứu trước đây phát hiện ra rằng nòng nọc Triprion petasatus sẽ ăn thịt thành viên cùng loài khi gặp điều kiện khó khăn. Tuy nhiên, những phát hiện này chỉ được quan sát trong môi trường thử nghiệm, nơi nòng nọc bị cô lập với các loài thuộc bộ không đuôi khác. Do đó, khám phá mới chỉ ra rằng khi đói, những con nòng nọc có thể ăn thịt một con ếch trưởng thành thuộc một loài khác.
Một cá thể nòng nọc Triprion petasatus đã chết - Ảnh: Alexandros Theodorou
Chất dinh dưỡng trong giai đoạn đầu đời có ảnh hưởng lớn đến tốc độ sinh trưởng của nòng nọc. Chế độ ăn chất lượng cao sẽ kéo theo tốc độ biến đổi hình thái nhanh hơn. Đây là một điều rất tốt cho những con nòng nọc đang phát triển vì chúng sẽ dễ bị ăn thịt hơn khi còn nhỏ.
Con nòng nọc Triprion petasatus ngoạm xác ếch Smilisca baudinii trong hồ nước chỉ là một trong 6 cá thể ăn thịt được phát hiện trong 4 giờ tìm kiếm quanh khu vực. Nhóm nghiên cứu suy đoán hành vi trên nhiều khả năng phát sinh do chúng gần chết đói hoặc đây là nỗ lực thúc đẩy biến đổi hình thái.
Tác giả nghiên cứu Alexandros Theodorou kết luận: “Trở thành loài ăn mồi cơ hội sẽ giúp giảm bớt thời gian ở giai đoạn ấu trùng dễ tổn thương. Động vật lưỡng cư thường bị bỏ qua nên hiểu biết của chúng ta về phần lớn lịch sử của loài còn hạn chế. Đây là thông tin cực kỳ hữu ích về khả năng sống sót, tương tác giữa động vật ăn thịt và con mồi trong quá trình chúng sinh tồn”.
Long Hải (theo IFL Science)