Kỳ lạ ở nơi đón ông già Noel có thể bị... ngồi tù!
Thế giới đang náo nức chờ đón một mùa giáng sinh lại sắp về! Giáng sinh là dịp hầu hết mọi người và đặc biệt là trẻ em đều háo hức chờ đón ông già Noel, cây thông hay những hộp quà nhỏ xinh vào dịp lễ Giáng sinh. Thế nhưng tại đất nước Brunei và một vài nước khác, chúc mừng nhau nhân dịp này là việc cấm kỵ và bất hợp pháp, nếu phát hiện sẽ bị phạt tiền, thậm chí là phải ngồi tù...
Ngày lễ phổ biến khắp thế giới
Lễ Giáng sinh, còn được gọi là ngày Thiên Chúa giáng sinh, Noel... là dịp để những người theo đạo Kitô giáo kỷ niệm ngày Thiên Chúa xuống thế làm người. Những người theo Kitô giáo tin rằng, Chúa Giêsu được sinh tại Bethlehem thuộc xứ Judea nước Do Thái (ngày nay là một thành phố của Palestine), lúc bấy giờ thuộc Đế quốc La Mã. Ngày lễ được cử hành chính thức vào ngày 25/12 nhưng thường được tổ chức từ tối ngày 24/12 bởi theo lịch Do Thái, thời điểm tính bắt đầu một ngày là lúc hoàng hôn chứ không phải nửa đêm. Lễ chính thức ngày 25/12 được gọi là “lễ chính ngày”, còn lễ đêm 24/12 gọi là “lễ vọng” và thường thu hút nhiều tín đồ tham dự hơn.
Giáng sinh đối với những tín đồ Kitô giáo còn được xem là ngày lễ gia đình, một ngày để mọi thành viên có thể quây quần bên nhau. Từ đó tạo dựng, gắn kế và duy trì tình cảm giữa mọi người trong gia đình. Tất cả sẽ cùng nhau chia sẻ một bữa ăn chung, quây quần bên cạnh cây Noel, một đêm không ngủ và nghe thuật lại một câu chuyện hay kỷ niệm đáng nhớ trong quá khứ...
Không chỉ người lớn, dịp Giáng sinh còn là ngày mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng háo hức và mong chờ. Theo truyền thuyết, ông già Noel sống ở Bắc Cực cùng với người lùn, dành thời gian cả năm của mình để chuẩn bị quà cho bọn trẻ. Trước dịp Giáng sinh, ông bắt đầu nhận những bức thư của bọn trẻ được gửi từ khắp nơi trên thế giới. Ông có thể biết được những điều mà một đứa trẻ đã làm, đánh giá chúng có ngoan hay không, có được nhận quà không?
Vào đêm giáng sinh, ông già Noel lại bắt đầu hành trình đi phát quà với 9 chú tuần lộc cho trẻ em khắp nơi trên thế giới. Ông đi vào nhà qua ống khói và đặt quà tặng trong những chiếc tất treo đầu giường. Chính vì vậy, đêm Giáng sinh được xem là một đêm kỳ diệu có thể thực hiện được tất cả mọi ước nguyện trẻ con được thành sự thật.
Như đã biết, lễ Ramadan của Hồi giáo, hay Phật Đản của Phật giáo đều là những ngày lễ tôn giáo lớn rất quan trọng và rất thiêng liêng, được nhiều người biết đến trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay. Nhưng vì sao những ngày lễ này lại không phổ biến như Giáng sinh? Nếu như trước đây, lễ Giáng sinh chỉ là của những người theo đạo Kitô giáo. Nhưng hiện nay trên thế giới, lễ Giáng sinh trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia, thậm chí ở những nước Thiên Chúa giáo không phải là tôn giáo chính. Người ta tổ chức lễ Giáng sinh ngày càng linh đình, không phân biệt tôn giáo hay chủng tộc. Kết quả là bây giờ, lễ Giáng sinh được xem là một ngày lễ quốc tế.
Brunei vẫn cấm như thường
Từng là thuộc địa cũ của Anh, Brunei là một trong quốc gia ít dân nhất thế giới, đi theo thể chế quân chủ Hồi giáo chuyên chế và được cai trị bởi vua Hassanal Bolkiah, một trong những người giàu nhất thế giới. Quốc gia Đông Nam Á này có mức sống khá cao nhờ vào trữ lượng dầu mỏ dồi dào. Chính vì vậy, người dân được nhà nước cung cấp dịch vụ giáo dục và chăm sóc sức khỏe miễn phí.
Ở Brunei có khoảng 65% trong tổng số 420.000 người theo đạo Hồi, người dân Brunei không mấy “mặn mà” với ngày lễ Giáng sinh. Cụ thể, vào năm 2014, Quốc vương Hassanal Bolkiah (trị vì Brunei gần 50 năm qua) đã khiến ông già Noel phải “tránh xa” quốc gia giàu có này khi chính thức ban hành lệnh cấm cùng với những luật lệ và hình phạt nghiêm khắc.
Theo tờ Daily Mail, Hoàng gia Brunei ban ra lệnh cấm tổ chức ngày lễ Giáng sinh trên khắp cả nước. Lý do của hành động này là nhằm bảo về đức tin tôn giáo đạo Hồi. Theo đó, bất kỳ ai dù theo đạo Hồi hay không theo đạo Hồi, nếu bị bắt gặp có các hành động ăn mừng, tổ chức ngày lễ Giáng sinh tại Brunei sẽ chịu mức án lên tới 5 năm tù và nộp phạt tới 20.000 USD (hơn 400 triệu).
Danh sách các hành vi bị cấm bao gồm: sử dụng hoặc mang các biểu tượng của Kitô giáo như thánh giá, thắp nến, trang trí cây Giáng sinh... Thậm chí việc gửi thiệp Giáng sinh hay đội mũ Noel cũng bị cấm.
Chỉ có một ngoại lệ đối với cộng đồng không theo đạo Hồi (chiếm khoảng 32% người dân Brunei) vẫn có thể ăn mừng Giáng sinh nhưng chỉ được trong nhóm, cộng đồng riêng của họ và phải báo trước cho các nhà chức trách.
Sau khi ban hành lệnh cấm, rất nhiều người bày tỏ sự ủng hộ. Theo tờ báo địa phương Borneo Bulletin dẫn lời các thủ lĩnh Hồi giáo Brunei nói rằng: “Trong dịp lễ Giáng sinh, nếu người Hồi giáo thực hiện những nghi thức của Công giáo như thắp nến, trang trí cây thông Noel, hát thánh ca, gửi thiệp chúc mừng Giáng sinh... có nghĩa là đi ngược lại với đức tin của đạo Hồi.”
Hay Bộ Tôn giáo của Brunei cho rằng: “Các biện pháp cưỡng chế chỉ là nhằm kiểm soát việc ăn mừng Giáng sinh quá mức và công khai, bởi chúng có thể làm gây thiệt hại đến niềm tin của quốc gia Hồi giáo với khoảng 65% tín đồ”. Trước đó vào dịp lễ Giáng sinh năm 2018, giới chức Bộ Tôn giáo Brunei đã đến thăm các doanh nghiệp địa phương và yêu cầu các chủ doanh nghiệp phải tháo bỏ các hoạt động trang trí Noel, đồng thời ngăn chặn nhân viên tại các công ty ở nước này đội mũ ông già Noel và mặc trang phục Giáng sinh.
Tuy nhiên không phải tất cả người dân Brunei đều hạnh phúc với lệnh cấm này. Đã có một chiến dịch mạng xã hội đã xuất hiện ở Brunei với hashtag #My Treedom và một số người dân cũng đăng tải hình ảnh họ tự tổ chức lễ Giáng sinh trên mạng. Tuy nhiên sau đó cũng bị chính quyền nước này dẹp bỏ.
Không chỉ Brunei, các nước Somalia, Tajikistan cũng ban hành lệnh cấm đối với lễ Giáng sinh. Theo đó, chính quyền Somalia ban hành lệnh cấm người dân ăn mừng Giáng sinh và năm mới vì không liên quan đến Hồi giáo và nhằm đảm bảo an ninh. Bộ Tôn giáo Somalia cũng đã gửi thư đến lực lượng cảnh sát, an ninh ở thủ đô Mogadishu hướng dẫn “ngăn chặn tổ chức ăn mừng Giáng sinh”. Hàng năm, chính phủ đều đưa ra thông báo nhắc nhở người dân rằng chúc mừng lễ Giáng sinh là hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, chính phủ còn đặc biệt nhắc nhở, chúc mừng lễ Giáng sinh sẽ khiến cho các phần tử khủng bố có cơ hội trà trộn và tấn công khủng bố, đặc biệt là từ tổ chức khủng bố al-Shabaab.
Tajikistan là quốc gia ở Trung Á, người dân chủ yếu là theo đạo Hồi, mấy năm trước chính phủ nước này cũng ban hành lệnh cấm đặt cây thông Noel trong trường học, không được tặng nhau quà Giáng sinh. Một văn bản do Bộ Giáo dục nước này ra lệnh cấm “sử dụng pháo hoa, tiệc mừng lễ hội, tặng quà và gây quỹ”, cũng như lắp đặt cây thông Noel (cả thật lẫn giả) tại các trường học.
Trước đó, vào năm 2013, Tajikistan cũng đã cấm hình tượng ông già Noel theo kiểu của Nga (Father Frost) trình chiếu trên truyền hình. Giáng sinh năm 2011, một người đàn ông trong trang phục Father Frost đã bị những kẻ tấn công không rõ danh tính đâm chết tại thủ đô Dushanbe.