Kỳ lạ sắp xếp dân cư theo kinh nghiệm, quan sát bằng mắt thường
Sau hàng loạt vụ sạt lở núi gây thiệt hại nghiêm trọng, tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh việc sắp xếp dân cư miền núi. Về lâu dài, phải giữ rừng, tạo sinh kế cho người dân.
Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam, nói rằng, việc sắp xếp dân cư lâu nay làm bằng kinh nghiệm, quan sát bằng mắt thường, tỉnh chưa có bản đồ chi tiết để dự báo những điểm nguy cơ sạt lở. Các điểm dân cư gần đây xảy ra sạt lở như Trà Leng, Trà Vân… là những chỗ lâu nay người dân ở ổn định.
“Thực tế hiện nay đòi hỏi cần có sự điều chỉnh. Đối tượng nguy cơ thiên tai càng phải đặc biệt ưu tiên. Việc đầu tiên cần phải làm là rà soát lại quy hoạch dân cư của giai đoạn 2021 - 2025, phải cụ thể từng trường hợp, đánh giá mức độ nguy cơ thế nào, dù bằng kinh nghiệm.
Phải xác định cho được vị trí người dân đến phải đảm bảo an toàn, vừa có sinh kế. Sắp tới, tỉnh sẽ hợp đồng với các viện khoa học để xác định các điểm nguy cơ sạt lở bằng các phương pháp khoa học, chứ không chỉ làm bằng kiểu quan sát bằng mắt thường như hiện nay”, ông Lợi nói.
Theo số liệu báo cáo của các huyện về nhu cầu sắp xếp, ổn định dân cư các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, có hơn 8.000 hộ, trong đó hơn 1.700 hộ vùng nguy cơ cao bị thiên tai, cần phải di dời.
Giữ rừng, tạo sinh kế
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay, ngoài việc dựng lại nhà cho người dân bị thiệt hại do sạt lở, vấn đề sắp xếp dân cư miền núi ở Quảng Nam vô cùng quan trọng và có tính chất căn cơ. Tuy nhiên, bài toán sắp xếp lại rất khó. Toàn bộ là núi thì phải nghĩ cách, phương án để sống chung với nó”, ông Bửu nói.
Ông Bửu nói rằng, đợt sạt lở gần đây vùi lấp hàng chục người tại huyện Nam Trà My, Phước Sơn, gây thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng.
Trước mắt, với những người dân bị thiệt hại do sạt lở, địa phương sẽ dựng nhà tạm, tiếp đó là quy hoạch, xây dựng khu dân cư an toàn cho dân. Điều quan trọng là cần giải pháp căn cơ, không để thảm họa lặp lại. “Vấn đề cốt lõi là phải giữ rừng và phải tạo sinh kế cho người dân”, ông Bửu nói.
Phương án là vận động người dân cam kết với Nhà nước không đốt rẫy. Sẽ cấp gạo, cấp giống dược liệu để người dân trồng dưới tán rừng tạo sinh kế bền vững. Đồng thời, đề nghị cấp sổ đỏ rừng sản xuất cho người dân. Trồng lại rừng thì phải lựa chọn trồng cây gỗ lấy hạt như cây dổi, cây quế... “ước tính tổng kinh phí không đến 300 tỷ đồng. Nếu làm tốt cỡ khoảng 7 - 10 năm sau thì sẽ rất bền vững, giải quyết cùng lúc các vấn đề”, ông Bửu nói.
Tỉnh đã có chủ trương và đưa vào nghị quyết HĐND. Song song với đó, cần tuyên truyền cho người dân hiểu và ứng xử với thiên nhiên sao cho phù hợp. Việc quy hoạch, phát triển kinh tế xã hội phải gắn liền với phòng chống thiên tai...
Từ năm 2017, tỉnh Quảng Nam thực hiện sắp xếp dân cư theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh. Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), trong 4 năm (2017 - 2020), Quảng Nam chi 385 tỷ đồng cho việc bố trí sắp xếp dân cư ở 9 huyện miền núi. Đến ngày 15/5, các địa phương đã giải ngân hơn 247 tỷ đồng. Đã có 5.970 hộ tham gia sắp xếp di dời chỗ ở, trong đó số hộ dân vùng thiên tai phải di dời là 2.590.