Kỳ lạ thị trường ô tô Mỹ: Xe đi hai năm bán vẫn lãi cả nghìn USD
Tại thời điểm năm 2019, chiếc Toyota Tacoma SR được bán với mức giá dưới 29.000 USD. Hai năm sau, đại lý xe hơi ở Mỹ sẵn sàng mua lại xe cũ này với giá 30.000 USD, để rồi họ bán lại cho người tiêu dùng với giá trên 33.000 USD.
Đại dịch COVID-19 cùng với khủng hoảng thiếu hụt nguồn cung chip toàn cầu đã đẩy giá xe hơi ở Mỹ lên mức cao kỉ lục. Theo dữ liệu của hãng Black Book chuyên về thị trường xe hơi tại Mỹ, trong một năm qua, xe ô tô đã qua sử dụng tại Mỹ đã tăng 30%. Chính điều này đã tạo ra nhiều tình huống kỳ lạ người tiêu dùng bán xe cũ mà vẫn có lời so với số tiền họ phải bỏ ra mua xe mới trước đó.
Theo Alex Yurchenko, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách mảng khoa học dữ liệu của Black Book, thị trường xe hơi Mỹ đang ở giai đoạn “kỳ lạ”. Các đại lý xe cần có lượng hàng dự trữ trong kho, nên họ sẵn sàng bỏ nhiều tiền để mua xe trên thị trường bán buôn. Thống kê cho thấy tại các vòng bán đấu giá (nơi cửa hàng bán xe ô tô đặt mua) có 73 dòng xe đã qua sử dụng từ 1-3 năm được bán với giá cao hơn giá niêm yết khởi điểm, vốn được coi là giá bán lẻ của nhà sản xuất.
Bộ Lao động Mỹ cho biết mức tăng giá của ô tô đã qua sử dụng chiếm khoảng 33% mức tăng lạm phát trong tháng 5. Giá xe tăng kỉ lục 10% trong tháng 4 và tiếp đó là 7,3% trong tháng 5, khi lạm phát chạm mức 5% so với cùng kỳ, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2008. Khảo sát của Edmunds.com cho thấy giá bán trung bình xe ô tô cũ tại Mỹ trong tháng 6 là là 26.457 USD/chiếc.
Mức tăng giá này rất phổ biến ở các dòng xe bán tải và SUV hoặc các mẫu xe hot, hiếm hàng, như Ford F-150 Raptor, Jeep Wrangler Unlimited Rubicon 2019 hay Mercedes G63 AMG. Tacoma SR hai cầu là bản rẻ nhất của mẫu xe bán tải cỡ nhỏ của Toyota. Các phiên bản cao cấp hơn của Tacoma cũng nằm trong danh sách tăng giá. Nhưng ngay cả các mẫu xe cũ bình dân cũng đang được bán với giá cao hơn giá mua, ví dụ như mẫu Kia Telluride và Hyundai Palisade 2020. Ông Yurchenko nhìn nhận tình trạng tăng giá điên loạn này cũng đã lan sang các dòng xe phổ thông.
Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 4 và tháng 5 năm ngoái, khi các nhà sản xuất ô tô Mỹ buộc phải đóng cửa nhà máy trong 8 tuần để ngăn chặn COVID-19 lây lan. Việc này khiến sản lượng xe giảm xuống, làm lượng tồn kho giảm trong khi nhu cầu thị trường ở mức rất cao.
Các nhà máy sau đó khôi phục sản xuất sớm hơn dự kiến. Thế nhưng các nhà sản xuất chip máy tính đã chuyển sang sản xuất chip cho điện thoại, laptop và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác. Việc này dẫn tới tình trạng thiếu chip bán dẫn cho ngành ô tô, khiến các hãng chế tạo ô tô phải tạm đóng cửa nhà máy, các đại lý khan hiếm nguồn cung xe mới.
Theo ông Yurchenko, việc thiếu nguồn cung xe mới và giá tăng cao buộc nhiều khách hàng chuyển sang tìm mua xe cũ, nên nhu cầu trên thị trường xe đã qua sử dụng tăng theo. Ngoài ra, các công ty cho thuê xe, vốn là nguồn cung ứng xe đã qua sử dụng, có xu hướng giữ xe lâu hơn, vì họ không thể mua xe mới. Ở thời điểm hiện tại, người tiêu dùng có nhu cầu đổi xe không có nhiều lựa chọn, phải chấp nhận tình cảnh mua với mức giá cao hơn nếu muốn có xe.
Có dấu hiệu cho thấy việc tăng giá xe bắt đầu chậm lại. Dữ liệu của Black Book cho thấy giá xe đã qua sử dụng tăng 0,75% vào tuần trước, mức tăng thấp nhất trong 17 tuần trở lại đây. Xe bán tải và SUV tăng giá 0,68%, mức tăng thấp nhất trong vòng 15 tuần.
Karl Jensvold, chủ hiệu PricedRite Auto Sales, một đại lý xe cũ ở Lincoln, bang Nebraska, nhìn nhận giá bán buôn đã tiến đến ngưỡng mới. "Tôi nghĩ rằng thị trường xe cũ đã thiết lập một mặt bằng giá mới. Tôi không cho là giá sẽ sớm giảm trở lại ngưỡng như thời trước đại dịch", ông cho biết.
Về phần mình, ông Yurchenko cho rằng đến một thời điểm nào đó giá xe sẽ phải trở lại bình thường và xe cũ sẽ giảm giá. Việc này tùy thuộc vào nguồn cung chip bán dẫn cho ngành ô tô, để các hãng có thể nối lại hoạt động sản xuất như bình thường. “Khi lượng xe trong kho của các đại lý bắt đầu tăng, đó sẽ là thời điểm sức ép trên thị trường xe ô tô đã qua sử dụng được giải tỏa”, ông nhận định.