Kỳ lạ tòa nhà 'di chuyển' ở Thượng Hải, Trung Quốc
Người dân Thượng Hải đã vô cùng bất ngờ và sửng sốt khi đi qua quận Hoàng Phố bởi tình cờ bắt gặp cảnh tượng 'bất thường' - một tòa nhà có tuổi thọ 85 năm 'đi bộ' và tọa lạc ở một địa điểm mới.
Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng của thành phố Thượng Hải, một trường tiểu hoc 85 tuổi - trường tiểu học Lagena đã được nâng lên hoàn toàn khỏi mặt đất và di dời bằng công nghệ mới có tên gọi “máy đi bộ”. Các kỹ sư đã gắn gần 200 giá đỡ di động giống như chân robot được chia thành hai nhóm luân phiên lên và xuống, bắt chước bước đi của con người bên dưới tòa nhà. Chính vì vậy, dự án này đánh dấu lần đầu tiên phương pháp "máy đi bộ" này được sử dụng ở Thượng Hải để di dời một tòa nhà lịch sử.
Timelapse cho thấy việc di dời tòa nhà trường tiểu học Thượng Hải.
Mục đích của việc di chuyển tòa nhà
Theo bài phát biểu của chính quyền quận Hoàng Phố, trường tiểu học Lagena được xây dựng vào năm 1935 bởi hội đồng thành phố của Khu Tô giới Pháp cũ của Thượng Hải. Nó được chuyển đi để tạo không gian cho một khu phức hợp thương mại và văn phòng mới, sẽ hoàn thành vào năm 2023.
Thập kỷ của sự hủy diệt
Trong những thập kỷ gần đây, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh chóng, Trung Quốc đã chứng kiến nhiều tòa nhà lịch sử bị san bằng để nhường chỗ cho các tòa nhà chọc trời và cao ốc văn phòng hiện đại. Theo nhật báo Trung Quốc, ở thủ đô Bắc Kinh, hơn 1.000 mẫu Anh trong những con hẻm lịch sử và những ngôi nhà truyền thống của nó đã bị phá hủy từ năm 1990 đến năm 2010. Những lo ngại về việc giữ gìn và bảo tồn di sản kiến trúc lịch sử đang là báo động đỏ tại đây. Chính vì vậy, một số thành phố đã phát động các chiến dịch bảo tồn và gìn giữ mới, trong đó có sử dụng công nghệ tiên tiến để di chuyển tòa nhà cũ thay vì phá bỏ.
Trung Quốc có nên di chuyển các di tích lịch sử?
Vào đầu năm 2000, thành phố Nam Kinh và Bắc Kinh đã đưa ra kế hoạch dài hạn với các biện pháp nhằm bảo tồn những phần còn lại của các di tích lịch sử. Những nỗ lực diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Ở Bắc Kinh, một ngôi chùa gần như đổ nát đã được chuyển đổi thành một nhà hàng và phòng trưng bày, trong khi ở Nam Kinh, một rạp chiếu phim từ những năm 1930 đã được khôi phục lại giống với hình dáng ban đầu của nó. Năm 2019, Thượng Hải chào đón ‘Tank Shanghai’ - nơi trước đây từng là kho chứa nguyên liệu hàng không đã được biến hóa khéo léo thành một trung tâm nghệ thuật.
Giám sát dự án của trường tiểu học Thượng Hải cho biết: “Di dời không phải là sự lựa chọn số một, nhưng tốt hơn là phá dỡ. Tôi không muốn chạm vào các tòa nhà lịch sử chút nào”.
Thượng Hải - thành phố tiến bộ nhất Trung Quốc trong bảo tồn di sản
Bất chấp một số lời chỉ trích về việc tái phát triển, sự tồn tại của một số tòa nhà nổi tiếng từ những năm 1930 ở Bến Thượng Hải và những ngôi nhà ‘shikumen’ (nhà theo phong cách kiến trúc truyền thống của Thượng Hải kết hợp các yếu tố phương Tây và Trung Quốc) trong khu phố Xintiandi vẫn được tân trang lại và đi vào cuộc sống mới.
Thành phố Thượng Hải cũng có thành tích lớn trong việc di dời các tòa nhà cũ. Năm 2003, phòng hòa nhạc Thượng Hải, được xây dựng vào năm 1930, đã được di chuyển hơn 66 mét để nhường chỗ cho một đường cao tốc trên cao. Gần đây hơn, vào năm 2018, thành phố đã di dời một tòa nhà 90 tuổi ở quận Hồng Khẩu, nơi được coi là dự án di dời phức tạp nhất của Thượng Hải cho đến nay.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ky-la-toa-nha-di-chuyen-o-thuong-hai-trung-quoc-post450204.antd