Kỳ lạ về cuộc sống của người dân Hàn Quốc sát biên giới với Triều Tiên
Trong khi cả thế giới đang nín thở dõi theo tình hình căng thẳng Bán đảo Triều Tiên thì những người dân Hàn Quốc sống gần biên giới với Triều Tiên lại không coi đó mối đe dọa rõ ràng, có người còn không chú ý đến tin tức gần đây về Triều Tiên.
Biển chỉ dẫn hầm trú bom tại đường phố Seoul.
Theo tờ New York Times, trong một vài tuần trở lại đây, mối nguy xảy ra chiến tranh dường như rất dễ bùng phát, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ xem xét áp dụng mọi biện pháp, bao gồm các cuộc tấn công quân sự, để đối phó trước tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Nhóm tàu tấn công của Mỹ do tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson đã đến vị trí vươn tầm bắn đến Triều Tiên, sẽ sớm tham gia tập trận ngoài khơi Bán đảo Triều Tiên với tàu ngầm hạt nhân USS Michigan vốn mang theo hơn 150 quả tên lửa hành trình Tomahawk, một động thái được cho là sẽ khiến Bình Nhưỡng tức giận
Trong khi đó, Triều Tiên lại liên lục phóng thử tên lửa và diễn tập các cuộc tập trận đạn thật lớn. Nhiều chuyên gia phân tích dự đoán quốc gia Đông Bắc Á này đang chuẩn bị để triển khai lần thử vũ khí hạt nhân thứ 6.
Đối với một vài người dân, như anh Hyun Jae-gyun – giáo viên một trường tiểu học, cho biết: “Các giáo viên nhận thức được tình hình nguy cấp, và chúng ta nên chuẩn bị cho bọn trẻ”. Anh đã cùng các học sinh lớp mình đến tham quan khu Tưởng niệm chiến tranh Hàn quốc và học cách đeo mặt nạ dưỡng khí, phòng trường hợp Triều Tiên tấn công hóa học hoặc sinh học.
Tuy nhiên, với phần lớn người dân ở Seoul – địa điểm dễ bị tổn thất nặng nề nhất nếu như chiến tranh Hàn – Triều xảy ra, họ lại tỏ thái độ không lo lắng.
Anh Chun Ho-pil – 30 tuổi đang là quản lý xây dựng tại khu vực Jongno (Seoul) – chia sẻ: “Tôi không lo ngại. Tôi quá bận vì công việc và cuộc sống của mình”. Anh Chun cho biết anh không dự trữ nước đóng chai, thực phẩm đồ hộp hay mua mặt nạ dưỡng khí, cũng như anh không hề biết địa điểm trú bom gần nhất ở đâu.
Học sinh tiểu học được học cách đeo mặt nạ dưỡng khí trong trường hợp có tấn công hóa học.
Tại Seoul, dường như thành phố 10 triệu dân này vẫn chưa hề xuất hiện bất kỳ sự chuẩn bị nào cho một cuộc chiến. Nhà hàng, quán bar vẫn người người tấp nập, phố xá giờ cao điểm vẫn bị kẹt cứng.
Đầu tháng 5, người dân Hàn Quốc sẽ đi bầu cử để bầu ra một tổng thống mới, tiếp nối cựu Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất do dính líu đến bê bối tham nhũng vừa qua. Hiện các ứng viên tổng thống Hàn Quốc đang đưa vấn đề Triều Tiên trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, trong các bảng thăm dò, cử tri lại quan tâm đến chính sách kinh tế nhiều hơn thay vì an ninh quốc gia.
Thậm chí ngay gần biên giới với Triều Tiên, nơi hàng ngàn tên lửa đạn pháo đang xếp thành dãy dài ở phía bên kia khu phi quân sự (DMZ) biên giới liên Triều, người dân cũng có ý kiến trái chiều về khủng hoảng hai bên nước hiện nay.
Chỉ sau hai ngày sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence có chuyến thăm tới khu phi quân sự DMZ và đưa ra lời cảnh báo với Triều Tiên, hàng loạt các chuyến xe bus chở học sinh đã đến tham quan một đài quan sát, nơi các em có thể thả xu và được nhìn qua ống nhòm thấy núi rừng Triều Tiên.
Tại thành phố Munsan chỉ cách khu DMZ 8 km, ông Gwon Hyuck-chae – một thợ cắt tóc 72 tuổi – nghĩ rằng xung đột sẽ không xảy ra trong 50 năm tới mặc cho căng thẳng gia tăng.
“Vì tôi sống ở đây quá lâu rồi, nên tôi không sợ gì nữa. Thậm chí giờ có chiến tranh xảy ra, cũng không có đủ thời gian để chúng tôi chạy thoát. Tất cả chúng tôi sẽ chết trong nháy mắt”, ông Gwon chia sẻ.
Dưới phố tại một cửa hàng café A Twosome Place, Kong Dong-min (19 tuổi) – một nhân viên trẻ của quán – cho biết anh không chú ý đến tin tức gần đây về Triều Tiên.
Triều Tiên nhìn từ khu phi quân sự DMZ.
Lớn lên hàng ngày nhìn binh sĩ tuần tra trong khu vực, khi được hỏi đã chuẩn bị gì cho một cuộc tấn công sắp tới, Kong nói: “Tôi chưa nghĩ xa đến vậy. Tôi đã quen với việc đó rồi”.
Trong khi đó, Kim Yun-hwa – một bác sĩ vật lý trị liệu ở Seoul – cho biết bệnh nhân của cô gần đây luôn phàn nàn bị căng thẳng về nguy cơ tấn công từ Triều Tiên, “thậm chí có lúc họ nói sẽ mua đồ dự trữ từ siêu thị”, song trên thực tế họ chẳng mua thứ gì. Bác sĩ Kim bày tỏ cô cảm thông với hành động chần chừ của họ, vì ngay cả chính cô cũng chưa cảm thấy sẽ có chiến tranh: “Nó không phải là mối đe dọa rõ ràng”.
Đối với người dân Hàn Quốc, dường như thế hệ già có khuynh hướng quan tâm lo lắng về
vấn đề Triều Tiên
hơn. Trong các bảng thăm dò về cuộc bầu cử sắp tơi, những người lo lắng nhất về mối quan hệ với Bình Nhưỡng thường là cử tri trên 60.