Với lịch sử hình thành gần 400 năm, làng biển Cảnh Dương (xã Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình) là vùng đất địa linh nhân kiệt, một trong “Bát danh hương” của Quảng Bình xưa. Nơi đây vốn nổi tiếng với nghĩa địa cá voi được xây dựng bề thế bên bờ biển, trải qua cả hàng trăm năm sóng gió.
Trong nghĩa địa này hiện có khoảng 20 ngôi mộ cá voi, được người dân nơi đây lập nên để thờ cúng.
Những ngôi mộ được xây không khác gì những ngôi mộ của người, trước mỗi bia mộ đều có bát nhang và những chân nhang được thắp lên từ những ngày trước đó, xung quanh là tường xây bao xung quanh.
Theo tín ngưỡng của người dân nơi đây, cá voi được quý trọng và thậm chí còn được tôn thờ hơn cả người. Họ còn gọi cá voi là “cá Ông” là loại cá cứu người, đã nhiều lần trợ giúp tàu thuyền của làng không bị chìm trong gió bão nên được ngư dân vô cùng kính trọng. Vì vậy, mỗi khi cá chết dân làng thường làm đám tang, cúng giỗ hàng năm, nhang khói vào ngày Rằm, mồng Một.
Ngày 25/2/2009, ngư dây nơi đây phát hiện một con cá voi dài khoảng 4,3m, nặng 4 - 5 tấn đang sống, bơi loanh quanh bãi biển Cảnh Dương. Đến chiều cùng ngày, con cá voi mắc cạn cạnh bờ biển, người dân đã tổ chức đẩy cá ra khơi, nhưng rồi lại mắc cạn vào ngay chỗ cũ và nằm chết.
Còn đối với những cá voi không may mắc nạn vào bờ thì người dân sẽ đồng lòng đưa cá trở lại biển. Điều đặc biệt là trong cùng năm đó, họ đánh bắt rất thuận lợi, ít gặp giông bão và bắt được số lượng cá nhiều.
Chiều 8/5/2014, một cá voi dài 2m, nặng khoảng 1,5 tạ “lụy” (gặp nạn) dạt vào biển Cảnh Dương. Với sự góp sức của dân làng và các chiến sĩ bộ đội biên phòng đã giải cứu cá thành công.
Hiện nay, ngoài nghĩa địa cá voi ở làng Cảnh Dương còn có Miếu Linh Ngư thờ “cá Bà” – cá voi cái nặng hơn trăm tấn chết trôi dạt vào biển Cảnh Dương năm Kỷ Tỵ (1809), và “cá Ông” – cá voi đực nặng hơn trăm tấn chết trôi dạt vào gần nơi chôn cất “cá Bà”, năm Đinh Mùi (1907).
Vào Rằm tháng Riêng hàng năm, người dân làng Cảnh Dương lại tổ chúc Lễ Cầu Ngư để tưởng nhớ ơn đức của “cá Ông”, “cá Bà”, mong cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, tôm dày cá được, làng xã ấm no, yên vui, hạnh phúc.
Theo Trường Hùng/Phụ nữ Việt Nam