Kỳ lạ xác sư tử 28.000 năm như đang ngủ

Được tìm thấy bị đóng băng sâu ở vùng Siberia, Bắc Cực, một con sư tử non nằm trong hang giống như đang nằm ngủ và dường như chỉ cần một cú chạm cũng có thể đánh thức nó.

Con sư tử non chết cách đây 28.000 năm được phát hiện ở Siberia với bộ râu còn nguyên vẹn.

Con sư tử non chết cách đây 28.000 năm được phát hiện ở Siberia với bộ râu còn nguyên vẹn.

Xác chú sư tử non được bảo quản tốt ở mức đáng kinh ngạc này có thể giúp các nhà khoa học hiểu biết hơn về loài vật từng sống trong Kỷ Băng Hà này.

Bộ râu còn nguyên vẹn

Bộ lông vàng của chú sư tử non được phủ một lớp bùn nhưng không bị hư hại gì. Răng, da, mô mềm và các bộ phận của nó đã được ướp nhưng tất cả đều nguyên vẹn.

Khoảng 28 nghìn năm kể từ khi nhắm mắt, móng vuốt của chú sư tử non vẫn đủ sắc để có thể đâm vào ngón tay của một trong những nhà khoa học đang nghiên cứu mẫu vật được bảo quản đặc biệt trong băng này.

Chú sư tử trên có biệt danh là Sparta. Đây là 1 trong 2 con sư tử non sống trong hang động, thuộc loài sư tử từng lang thang khắp bán cầu Bắc nhưng đã tuyệt chủng. Nó được những người thợ săn ngà voi ma mút trên bờ sông Semyuelyakh ở Viễn Đông, Nga phát hiện vào năm 2017 và 2018.

Ban đầu, người ta cho rằng 2 con sư tử này là anh em ruột vì chúng được tìm thấy chỉ cách nhau 15 mét. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cho thấy chúng chênh lệch nhau khoảng 15 nghìn năm tuổi. Theo niên đại carbon, con sư tử thứ 2 có tên Boris có tuổi đời 43.448 năm.

“Sparta có lẽ là động vật được bảo tồn tốt nhất trong Kỷ Băng Hà từng được tìm thấy và ít nhiều không bị hư hại gì ngoài bộ lông hơi xù. Nó thậm chí còn nguyên bộ râu. Con sư tử Boris bị hư hại nhiều hơn một chút nhưng vẫn còn khá tốt” – Tác giả của nghiên cứu, Giáo sư di truyền học tiến hóa Love Dalen của Trung tâm Di truyền học cổ ở Stockholm, Thụy Điển, cho biết.

Theo nghiên cứu trên, cả 2 con sư tử đều khoảng 1 - 2 tháng tuổi khi bị chết. Hiện chưa rõ nguyên nhân cái chết này nhưng Giáo sư Dalen và nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học Nga và Nhật Bản cho biết không có dấu hiệu nó bị một kẻ săn mồi giết chết.

Những hình ảnh chụp cắt lớp cho thấy hộp sọ của chúng bị tổn thương. Ngoài ra, chúng bị trật khớp xương sườn và các biến dạng khác trong bộ xương.

“Với sự bảo quản đặc biệt, chúng hẳn đã được chôn vùi rất nhanh. Vì vậy, chúng có thể đã chết trong một trận lở đất hoặc rơi vào một vết nứt trên lớp băng vĩnh cửu” – Giáo sư Dalen nói – “Lớp băng tuyết tạo thành các vết nứt lớn do quá trình tan băng và đóng băng theo mùa”.

Tiếp cận với thợ săn ngà voi ma mút

Giáo sư Love Dalen đo đạc chú sư tử non Sparta.

Giáo sư Love Dalen đo đạc chú sư tử non Sparta.

Xác ướp của một số loài động vật đã tuyệt chủng như tê giác lông cừu, chim sơn ca, gấu hang, chó con... từng lang thang trên thảo nguyên của Nga chủ yếu được những thợ săn tìm thấy trong những năm gần đây.

Họ đã cho nổ các đường hầm bằng cách cho vòi nước áp lực vào lớp băng vĩnh cửu nhằm tìm kiếm ngà voi ma mút dài và cong. Những chiếc ngà này được những người thợ điêu khắc và các nhà sưu tầm ngà voi trả giá rất cao.

Các nhà khoa học Nga như ông Valery Plotnikov - đồng tác giả nghiên cứu này và là nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học ở Yakutsk (thành phố chính của Siberia), đã đồng hành và phát triển quan hệ với những người săn ngà từng khai quật được những phát hiện đáng kinh ngạc từ bùn và băng.

“Vào năm 2017, tôi đã làm việc với họ trong hang động băng đó” – ông Plotnikov nói – Trời rất lạnh nên công việc rất nguy hiểm và khó làm, điều kiện ở đây cũng khắc nghiệt và nhiều muỗi”.

Ông cho biết đã giảm 10kg trong tháng ở cùng với những người săn ngà. Tuy nhiên, mối quan hệ mà ông tạo ra đã giúp mang lại lợi ích cho khoa học. Plotnikov nói rằng, ông tình cờ thấy những con sư tử hang non này, 1 đầu con sói và một gia đình voi ma mút được ướp xác.

Khủng hoảng khí hậu cũng đóng một vai trò nào đó. Những mùa hè ấm áp hơn (Bắc Cực ấm lên nhanh hơn 2 lần so với mức trung bình toàn cầu) đã làm suy yếu lớp băng vĩnh cửu và kéo dài mùa săn ngà.

“Ngày nay chắc chắn có nhiều phát hiện hơn. Nguyên nhân chính là do nhu cầu về ngà voi ma mút tăng lên. Điều này có nghĩa là ngày càng có nhiều người tìm kiếm trong lớp băng vĩnh cửu. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu cũng góp phần làm cho thời gian băng tuyết tan chảy kéo dài hơn” – ông Dalen giải thích.

Giáo sư Dalen nói rằng, những xác ướp không có khả năng chứa những mầm bệnh cổ xưa. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn kiểm tra những xác ướp bị đóng băng để kiểm tra các bệnh truyền nhiễm như bệnh than có thể ẩn náu bên trong trước khi xem xét chi tiết hơn.

Giới tính của những con sư tử non đã được xác định bằng cách chụp CT và dựa trên di truyền. Ông Dalen cho biết, bước tiếp theo sẽ là giải trình tự DNA của Sparta. Điều này có thể giúp tiết lộ lịch sử tiến hóa của loài sư tử hang động cũng như quy mô dân số và các đặc điểm di truyền độc đáo của chúng.

Trong Kỷ Băng hà cuối cùng, Siberia không phải là nơi trống trải như ngày nay. Voi ma mút, sói lãnh nguyên, gấu, tê giác lông cừu, bò rừng, linh dương Saiga đều đi lang thang và cả những con sư tử hang động – họ hàng lớn hơn một chút của sư tử châu Phi ngày nay cũng vậy. Những chú sư tử con của Kỷ Băng hà có lớp lông tơ dài dày có thể giúp chúng thích nghi với khí hậu lạnh giá.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/ky-la-xac-su-tu-28000-nam-nhu-dang-ngu-90mQCoV7R.html