Nước Mỹ đối mặt liên tiếp những đợt nắng nóng kỷ lục mới

Một đợt nắng nóng kéo dài mới - phá vỡ các kỷ lục trước đó – tiếp tục diễn ra ở Mỹ từ ngày 8/7.

Theo hãng CNN, trong khi miền Tây nước Mỹ đang phải hứng chịu đợt nắng nóng khắc nghiệt thì miền Đông nước này đang rơi vào tình trạng nóng ẩm.

Cồn cát Mesquite Flat ở Công viên Quốc gia Thung lũng Chết trong đợt nắng nóng ảnh hưởng đến Nam California vào ngày 7/7. Ảnh: Etienne Laurent/AFP/Getty Images

Cồn cát Mesquite Flat ở Công viên Quốc gia Thung lũng Chết trong đợt nắng nóng ảnh hưởng đến Nam California vào ngày 7/7. Ảnh: Etienne Laurent/AFP/Getty Images

Nhà khí tượng học Bryan Jackson từ Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) cho biết khoảng 36 triệu người - tương đương 10% dân số cả nước - sẽ phải chịu ảnh hưởng của đợt nắng nóng lần này.

Hàng chục địa điểm ở phía Tây và Tây Bắc Thái Bình Dương đã phá vỡ các kỷ lục nắng nóng trước đó.

Nhiều khu vực ở Bắc California ghi nhận trên 110 độ F (hơn 43 độ C), trong đó thành phố Redding (California) dẫn đầu nhiệt độ cao với mức kỷ lục 119 độ F (48 độ C). Thành phố Phoenix cũng lập kỷ lục mới hàng ngày vào 7/7, ghi nhận mức nhiệt độ thấp nhất là 33 độ C.

Giới chức trách cho biết nhiệt độ cao 129 độ F (53 độ C) đã được xác lập vào ngày 6-7/7 tại Vườn quốc gia Thung lũng Chết ở miền đông California. Do tiếp xúc với nhiệt độ cao, một du khách đã tử vong vào ngày 6/7 trong khi một du khách khác phải nhập viện cấp cứu.

Trong một tuyên bố, đại diện Vườn quốc gia Thung lũng Chết nhấn mạnh hai du khách này nằm trong nhóm 6 người đi xe máy qua khu vực Badwater Basin giữa thời tiết nắng nóng.

"Mặc dù đây là thời điểm rất thú vị để trải nghiệm nhiệt độ thiết lập kỷ lục trên thế giới ở Thung lũng Chết, nhưng chúng tôi khuyến khích du khách lựa chọn hoạt động cẩn thận, tránh ở bên ngoài trong thời gian kéo dài," Giám đốc Vườn quốc gia Thung lũng Chết Mike Reynolds lưu ý.

Thung lũng Chết ghi nhận nhiệt độ lên tới hơn 51 độ C mỗi ngày kể từ ngày 4/7. Dự kiến chuỗi nhiệt độ này sẽ tiếp tục kéo dài đến hết tuần này. Các quan chức cũng cảnh báo rằng bệnh tật và thương tích do nhiệt độ cao có thể tiếp tục gia tăng trong một hoặc nhiều ngày tới.

"Du khách muốn trải nghiệm Thung lũng chết bằng xe máy khi trời nắng nóng có thể đối mặt với thách thức đối với sức khỏe nghiêm trọng", đại diện của Vườn quốc gia Thung lũng Chết nhấn mạnh.

Nhiệt độ tăng cao không thể làm Chris Kinsel, một du khách đến Thung lũng Chết bối rối. Chris Kinse nói rằng trải nghiệm trong những ngày nắng nóng kỷ lục ở đây giống như dịp Giáng sinh đặc biệt vào mùa đông. Ông Kinsel cho biết anh và vợ thường đến Vườn quốc gia Thung lũng Chết vào mùa đông khi trời vẫn còn ấm áp - nhưng điều đó chẳng là gì so với việc được đến một trong những nơi nóng nhất trên Trái đất vào tháng 7.

"Thung lũng chết trong mùa hè luôn là điểm đến trong danh sách du lịch của tôi. Tôi luôn ấp ủ muốn đến đây vào mùa hè," Kinsel, người đang đến thăm khu vực Badwater Basin của Thung lũng Chết từ Las Vegas, cho biết.

Trong khi đó, thành phố Las Vegas cũng ghi nhận mức nhiệt cao nhất là 49 độ C vào ngày 7/7. Thành phố đã ghi nhận nhiệt độ trên 43 độ C trong 5 ngày liên tiếp và chuỗi ngày này dự kiến sẽ tiếp tục cho đến ít nhất là cuối tuần này. Đây sẽ là chuỗi ngày nắng nóng dài nhất trên 43 độ C tại thành phố Las Vegas.

Văn phòng Dịch vụ thời tiết khu vực Baltimore cũng đưa ra cảnh báo người dân nên uống nhiều nước, ở trong phòng máy lạnh và tránh ánh nắng mặt trời. Đặc biệt là không bao giờ được để trẻ nhỏ và thú cưng trong xe một mình trong bất kỳ trường hợp nào.

Khủng hoảng khí hậu khiến thế giới nóng hơn

Theo dữ liệu mới từ Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu Copernicus, tháng 6 đánh dấu tháng thứ 12 liên tiếp nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng mạnh.

Tháng 6 năm nay cũng nóng hơn 1,5 độ C so với mức trung bình của tháng 6 trước thời kỳ công nghiệp hóa. Trong 12 tháng qua, nhiệt độ trung bình trên thế giới nóng hơn 1,64 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Thế giới cũng đánh dấu tháng thứ 13 liên tiếp nhiệt độ tăng kỷ lục. Phân tích trước đây của Copernicus đã chỉ ra hiện tượng El Ninõ tự nhiên góp phần gây ra mức nhiệt kỷ lục, nhưng biến đổi khí hậu lâu dài mới là nguyên nhân chính khiến nhiệt độ tăng mạnh lên trong năm qua.

Theo Copernicus, tháng 6 đánh dấu sự khởi đầu của mùa bão Đại Tây Dương, cũng là tháng thứ 5 liên tiếp nhiệt độ đại dương phá vỡ kỷ lục hàng tháng.

Ông Carlo Buontempo, Giám đốc Copernicus cho biết đây không chỉ là một sự kỳ lạ về mặt thống kê mà còn cho thấy sự thay đổi lớn về nhiệt độ mà thế giới đang phải đối mặt. Ngay cả khi chuỗi nắng nóng cực đoan có thể kết thúc vào một lúc nào đó nhưng chúng ta vẫn có thể nhìn thấy những kỷ lục mới bị phá vỡ khi khí hậu tiếp tục ấm lên.

Mặc dù mục tiêu trong Thỏa thuận Paris đã đề cập đến sự nóng lên trong thời gian dài hàng thập kỷ chứ không phải một tháng hay một năm nhưng các nhà khoa học cũng cho biết những tháng liên tiếp vượt quá ngưỡng 1,5 độ giới hạn sẽ tiếp tục xảy ra trên toàn cầu.

Khoa học cho thấy một số hệ sinh thái trên Trái đất dự kiến sẽ đạt đến điểm tới hạn mà khó có thể hoặc không thể phục hồi sau khi thế giới vượt ngưỡng 1,5 độ. Nhiều hệ sinh thái và loài khác sẽ phải vật lộn để thích nghi với thế giới nóng lên gần 2 độ C./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nuoc-my-doi-mat-lien-tiep-nhung-dot-nang-nong-ky-luc-moi-20240708165815068.htm