Kỷ luật cán bộ, đảng viên ở Hà Giang có quyết định đóng dấu mật
Đoàn Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam vừa có báo cáo kết quả giám sát từ sau kỳ họp thứ 8 đến kỳ họp thứ 9 của QH, trong đó có việc thực hiện các quy định về giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ.
MTTQ tổ chức giám sát việc triển khai và tổ chức thực hiện các quy định về giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ theo các nghị quyết của Ban chấp hành TƯ Đảng khóa 12 tại Hà Giang và Đà Nẵng.
Bổ nhiệm cán bộ thiếu chuẩn, chưa được xem xét xử lý triệt để
Giám sát cho thấy, Tỉnh ủy Hà Giang và Thành ủy Đà Nẵng đã quan tâm chỉ đạo triển khai các quy định của Đảng về công tác cán bộ, về giám sát công tác cán bộ và cán bộ, đảng viên; MTTQ Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã và đang phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội.
Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã chủ động khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ đã được UB Kiểm tra TƯ chỉ ra và khắc phục các sai phạm.
Bên cạnh đó, việc triển khai và tổ chức thực hiện các quy định về giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ tại 2 tỉnh, thành này còn một số hạn chế.
Tại Hà Giang, việc thi hành kỷ luật cán bộ một số trường hợp còn nhẹ, chưa kịp thời nhất là đối với những trường hợp có liên quan đến vụ nâng điểm trong kỳ thi PTTH năm 2018 với hình thức khiển trách.
Những cán bộ có trách nhiệm liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn chưa được xem xét xử lý triệt để; quyết định kỷ luật cán bộ, đảng viên không có nội dung yêu cầu cơ quan quản lý công chức, viên chức xử lý kỷ luật về hành chính; có quyết định kỷ luật đóng dấu mật.
Việc chỉ đạo của các cấp ủy và tổ chức triển khai thực hiện của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đối với những quy định của Đảng về công tác giám sát nói chung và giám sát cán bộ, đảng viên nói riêng còn ở mức độ nhất định, chưa có kết quả cụ thể; chưa rõ nội dung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Quy định 218 của TƯ về góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các quy định của Đảng về công tác cán bộ…
Tại Đà Nẵng, việc thực hiện Quy định số 124 của Ban Bí thư còn gặp khó khăn, vướng mắc trong một số quy định, do vậy kết quả chưa rõ ràng; việc xác định nội dung, phương pháp giám sát còn lúng túng; chất lượng giám sát có lúc chưa cao.
Việc giải quyết kiến nghị của một số ngành, chính quyền địa phương còn chậm; nhận xét cuối năm của một số cấp ủy chi bộ đối với đảng viên là cán bộ, công chức còn chưa thẳng thắn, chưa mạnh dạn đánh giá, chỉ ra khuyết điểm cần khắc phục.
Đề nghị niêm yết bản kê khai tài sản tại nhà sinh hoạt cộng đồng
Sau giám sát, Ban Thường trực MTTQ Việt Nam đã ban hành văn bản kiến nghị gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư và một số cơ quan của TƯ và địa phương.
Trong đó, MTTQ kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu việc bổ sung nội dung công khai bản kê khai tài sản hàng năm của cán bộ, đảng viên phải được gửi đến Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố và niêm yết tại nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn, tổ dân phố để người dân giám sát.
Bổ sung quy định này vào nội dung Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mà Thanh tra Chính phủ đang tham mưu giúp Chính phủ xây dựng.
Đồng thời, rà soát, đánh giá thực trạng về trình độ chuyên môn cán bộ, công chức, viên chức nhất là công chức cấp xã đối với các tỉnh miền núi; sửa đổi, bổ sung những chính sách đặc thù về công tác cán bộ phù hợp với tình hình thực tế.
Cụ thể như trình độ đại học với công chức cấp xã; điều kiện ngoại ngữ khi tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức; chế độ ưu tiên khi thi tuyển, đào tạo, tuyển dụng đối với người dân tộc thiểu số; tiếp tục có đề án chọn thanh niên ưu tú tốt nghiệp đại học chính quy đưa về vùng cao khó khăn làm dự nguồn để tuyển dụng công chức.
Nghiên cứu tham mưu xây dựng chính sách đặc thù cho viên chức giáo dục, viên chức y tế, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên ngoại ngữ, nhân viên y tế cấp xã đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Nghiên cứu cơ chế đặc thù về điều kiện bổ nhiệm Trưởng công an xã phải có trình độ đại học trong đề án đưa công an chính quy về cấp xã đối với những xã vùng cao đặc biệt khó khăn.
Nghiên cứu, hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chánh thanh tra, thanh tra viên, cơ quan thanh tra, thanh tra chuyên ngành nội vụ đối với những trường hợp sáp nhập cơ quan thanh tra với UB Kiểm tra, cơ quan Nội vụ với Ban Tổ chức cùng cấp.