Kỷ luật không phải là 'đày ải'
Những ngày qua, câu chuyện một nhóm học sinh bị phạt đẽo gạch trên mái nhà tại Trường THPT Nguyễn Trãi (thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) khiến mạng xã hội 'dậy sóng'. Có người đồng tình cho rằng, phạt lao động để học sinh biết sợ mà phấn đấu học tập, ý kiến khác cho rằng việc phạt học sinh thể hiện sự bế tắc trong phương pháp sư phạm.
Việc kỷ luật học sinh không phải là câu chuyện mới nhưng một lần nữa là hồi chuông báo động về văn hóa ứng xử của thầy cô giáo trong cơ sở giáo dục. Gần đây nhất là chuyện cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, Trường Tiểu học Quán Toan (Hải Phòng), bị đình chỉ giảng dạy sáu tháng vì đã đánh hơn 10 học sinh trong giờ thi do làm bài chậm.
Hay câu chuyện cô Lê Thị Quy, Trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) bị kết luận vi phạm đạo đức nhà giáo khi bắt học sinh quỳ trong lớp. Những sự việc trên khiến nhiều người băn khoăn về biện pháp phạt học sinh như thế nào cho đúng và hiệu quả. Có giới hạn nào cho việc xử phạt, răn dạy học sinh hay không?
Thực tế, nhiều nhà giáo đang nhầm lẫn giữa kỷ luật và trừng phạt. Kỷ luật HS là để giúp các em nhận ra lỗi lầm, điều chỉnh lại hành vi, còn trừng phạt là những biện pháp gây xúc phạm, áp lực, đau đớn cho người bị phạt về thể chất và tinh thần. Nếu người thầy không phân biệt được rõ hai khái niệm này sẽ đưa ra những hình phạt phản giáo dục; và nếu lạm dụng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý HS.
Cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên, người sáng lập Diễn đàn GV sáng tạo nhận định: “Không có HS hư, chỉ có những người thầy không có phương pháp giáo dục”. Học sinh có hàng chục lỗi vi phạm, nhưng không phải lúc nào cũng phạt. Trong môi trường giáo dục, cần hài hòa giữa giáo dục và xử phạt. Khi giáo viên dùng hình thức kỷ luật phải có ý nghĩa giáo dục, chứ không phải chỉ là một sự “đày ải”.
Hành vi phạt học sinh đẽo gạch trên mái tầng 2 của nhà trường là vô cùng nguy hiểm. Nếu có tai nạn lao động xảy ra hoặc gây tổn hại đến sức khỏe học sinh thì người chịu trách nhiệm chính là nhà trường và thầy cô giáo.
Nhà trường kỷ luật bằng hình thức lao động như vậy là không đúng quy định pháp luật. Những hình phạt học sinh theo xu hướng tiêu cực đang chứng tỏ sự bế tắc và đơn độc của các thầy cô giáo. Đồng thời sự việc này cho thấy sự tùy tiện, lạm quyền trong việc áp dụng các hình thức kỷ luật trong các trường học hiện nay.
Trường học cũng giống như một gia đình lớn, khi thầy cô dạy dỗ các em bằng tình yêu thương thì dù khó khăn đến mấy cũng vượt qua được. Mỗi học sinh như một cây non cần được “chăm sóc” và “uốn nắn”. Khi trẻ cảm nhận được thầy cô la mắng, phạt mình cũng chỉ vì yêu thương, trẻ sẽ tự biết cách hoàn thiện mình. Bởi trường học giáo dục bằng yêu thương, trẻ sẽ yêu thích đến trường, được cảm nhận niềm vui của việc học tập và khám phá thế giới. Những đứa trẻ ấy được lớn lên như những mầm xanh hạnh phúc, và đến lượt mình, chúng lại có thể mang lại niềm vui cho những nơi mà chúng sinh sống và cống hiến.
Tôi nhớ đến câu chuyện của 15 thầy cô giáo cắm bản ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên trong chương trình giao lưu “Được học - được dạy” do NXB Phụ nữ tổ chức. Các thầy cô phải nỗ lực không ngừng nghỉ để học sinh “chịu” đến trường. Nếu học sinh không đến trường, thầy cô sẽ không được dạy. Để làm tròn sứ mệnh “trồng người” của mình, điều quan trọng nhất của người GV biết phát huy những mặt mạnh học sinh vốn có, biết hài hòa giữa kỷ luật và xử phạt, giáo dục các em luôn hướng đến những giá trị tốt đẹp nhất.
Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/ky-luat-khong-phai-la-day-ai-4012489-b.html