'Kỷ luật, kỷ cương, nghiêm minh'

Đó là thông điệp được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặc biệt nhấn mạnh tại cuộc tiếp xúc với đông đảo cử tri và cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Hậu Giang ngay sau thành công của Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV vừa qua. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh tình hình khu vực, quốc tế tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường và ở trong nước chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có tình trạng 'cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm… chưa khắc phục được' như Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương cuối tuần qua.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với cán bộ, cử tri tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với cán bộ, cử tri tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Lâm Hiển

Qua 6 tháng đầu năm, đất nước ta đã đạt được những kết quả tích cực và khá toàn diện trên các lĩnh vực. Những con số được công bố tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 6.7 cho thấy một bức tranh sáng màu với những tín hiệu đầy lạc quan. Đó là, tăng trưởng GDP quý II phục hồi mạnh, đưa tăng trưởng chung 6 tháng đầu năm đạt 6,42%. Đây là mức cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2023 - chỉ đạt 3,84% - và đã vượt cả “kịch bản” dự kiến được đưa ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ - chỉ từ 5,5 - 6%. Triển vọng của kinh tế Việt Nam tiếp tục được nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế đánh giá cao như: ADB, Standard Chartered, HSBC đều dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam khoảng 6%; IMF đánh giá Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 với dự báo tăng trưởng 6,4% giai đoạn 2024 - 2029…

Những kết quả đạt được là nền tảng rất quan trọng để đất nước ta phấn đấu hoàn thành thắng lợi và vượt mục tiêu phát triển năm 2024, nhưng thách thức trong các tháng còn lại của năm cũng rất lớn, trong đó, sức ép lạm phát còn cao, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn và đặc biệt, như Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị kể trên "kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi chưa nghiêm; vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm… chưa khắc phục được".

Cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm… cũng là câu chuyện được Quốc hội thảo luận tại một số Kỳ họp gần đây. Từ các góc nhìn khác nhau, chính các đại biểu cũng còn quan điểm khác nhau về nguyên nhân cốt lõi của tình trạng này. Trong đó, một số ý kiến cho rằng, Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục lắng nghe, đồng hành với địa phương giải quyết những vấn đề vướng mắc từ hệ thống pháp luật, tạo điều kiện để cán bộ, công chức có đầy đủ cơ sở pháp lý trong quá trình thực thi nhiệm vụ công vụ, có cơ sở rõ ràng và không để hậu quả pháp lý xảy ra đối với cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ đó. Một số ý kiến khác đề nghị, cần phải có thống kê, đánh giá và phân tích sâu hơn về tinh thần trách nhiệm và chất lượng công việc của cán bộ, công chức, trong đó cần có sự bóc tách các nhóm vi phạm, nhất là nhóm vi phạm liên quan đến Luật Cán bộ, công chức, đến đạo đức công vụ, mà biểu hiện cụ thể là trốn tránh nhiệm vụ, trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ hay tự ý bỏ công việc, vị trí công việc để có định hướng xử lý cụ thể...

Sẽ là "lý tưởng hóa" nếu cho rằng, các quy định pháp luật là "đo ni đóng giày" vừa khít với sự vận động nhanh chóng, đa dạng, đầy phức tạp của cuộc sống. Từ cuộc sống hình thành nên pháp luật, pháp luật quay trở lại phục vụ cuộc sống, kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển và lại tiếp tục được bồi đắp, hoàn thiện hơn nữa với sự vận động, phát triển không ngừng của cuộc sống. Chính trong dòng chảy đó sẽ bộc lộ ra những cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và những cán bộ thoái thác nhiệm vụ, né tránh trách nhiệm.

Có thể có những vướng mắc, chồng chéo trong một số quy định pháp luật khiến một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy công việc, né tránh trách nhiệm, nhưng cuộc tổng rà soát của cả Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hệ thống pháp luật trong năm 2023 đã cho thấy, việc "đổ lỗi hoàn toàn" cho pháp luật là không chính xác. "Chủ yếu là không dám làm, không dám chịu trách nhiệm", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước vừa qua và chỉ rõ thực tế "cùng một luật, nghị định, một số địa phương tăng tốc phát triển nhưng có những địa phương chỉ "dậm châm tại chỗ", "đổ" cho quy định của luật còn chồng chéo, chưa tháo gỡ khó khăn".

Như vậy, trước hết vẫn phải siết chặt "kỷ luật, kỷ cương, nghiêm minh" trên cơ sở quán triệt, thực hiện đúng các Nghị quyết của Đảng, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, nhất là các Quy định của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Công điện của Thủ tướng về siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn gắn liền với từng cá nhân và tập thể, gắn chặt hơn vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu...

Cùng với đó, phải đánh giá thực chất kết quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức, những tác động, hiệu quả của kết quả đó đối với cuộc sống, với người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Bởi đúng như Chủ tịch Quốc hội nhận định, "cán bộ quyết liệt, quyết tâm rất cao mà không quyết làm thì cũng không thể có kết quả, sản phẩm cụ thể được". Nói cách khác, chính kết quả, sản phẩm cụ thể đó sẽ là thước đo chính xác nhất để đánh giá một cán bộ, công chức có thực sự có tinh thần "đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung" hay không, có "chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả, kịp thời trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ" hay không... Đó cũng là giải pháp hữu hiệu để lọc ra khỏi hệ thống những cán bộ yếu kém, thoái thác nhiệm vụ, né tránh trách nhiệm nhưng lại viện cớ do quy định pháp luật.

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/ky-luat-ky-cuong-nghiem-minh-i378725/