Kỷ lục buồn về dịch COVID-19 tại nhiều nước trên thế giới

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân tại TP Modiin, Israel ngày 12/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

* Thời gian lây nhiễm Omicron không ngắn hơn so với các biến thể khác

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Israel, Pháp, Đức và Venezuela. Bộ Y tế Israel cho biết ngày 18/1 nước này ghi nhận 65.259 trường hợp mắc mới COVID-19 - con số thống kê theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào cuối tháng 2/2020.

Tính đến nay, Israel đã ghi nhận tổng cộng 1.919.484 ca mắc COVID-19. Số trường hợp tử vong do COVID-19 tại nước này cũng tăng lên 8.340 trường hợp, sau khi ghi nhận thêm 22 ca ngày 18/1.

Trong khi đó, số bệnh nhân cần điều trị tích cực tăng từ 446 người lên 498 người - con số cao nhất kể từ đầu tháng 10/2021.

Cùng ngày 18/1, Pháp ghi nhận số ca mắc mới theo ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 464.000 trường hợp, trong bối cảnh biến thể Omicron đang lan rộng tại quốc gia châu Âu này. Tính trung bình trong tuần qua Pháp có hơn 300.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày.

Đức cũng đã có thêm hơn 100.000 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Theo số liệu do Viện Robert Koch công bố, ngày 18/1 Đức ghi nhận 112.323 ca mắc mới COVID-19 và 239 trường hợp tử vong.

Hiện Đức đã siết chặt hơn nữa các biện pháp nhằm cắt đứt chuỗi lây lan của dịch bệnh, trong đó có việc giới hạn hoạt động của các quán bar và nhà hàng, chỉ có phép những người đã tiêm chủng đầy đủ hoặc khỏi bệnh COVID-19 được tới những địa điểm này.

Các cuộc gặp mặt riêng tư cũng chỉ được phép có 10 người, hoặc hai hộ gia đình tham gia, nếu trong số này có những người chưa tiêm phòng COVID-19.

Số ca mắc COVID-19 tại Đức đã gia tăng tới mức kỷ lục trong bối cảnh Omicron trở thành biến thể chủ đạo gây bệnh COVID-19 tại nước này, gây ra tới 70% số các ca mắc mới.

Cũng trong ngày 18/1, Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodríguez cho biết nước này ghi nhận 2.090 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua - con số cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát hồi đầu năm 2020.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latin, thông qua mạng xã hội Twitter, bà Rodríguez kêu gọi người dân nâng cao ý thức để phòng tránh tối đa nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2, đặc biệt là biến thể Omicron.

Bà cũng kêu gọi người dân Venezuela tiêm chủng đầy đủ và tham gia tích cực chương trình tiêm chủng tăng cường mà nước này khởi động ngày 3/1 vừa qua.

Trước đó, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đã bày tỏ quan ngại trước xu hướng gia tăng số ca mắc COVID-19 những ngày gần đây tại nước này và kêu gọi người dân duy trì các biện pháp phòng ngừa và tiêm chủng. Tuy nhiên, ông Maduro đã ra lệnh nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng từ ngày 1/11/2021.

* Ngày 18/1, Giám đốc Cơ quan Y tế Công cộng Canada, tiến sĩ Theresa Tam, cho biết các bằng chứng mới nhất không cho thấy biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 lây nhiễm trong thời gian ngắn hơn so với các biến thể trước đây.

Phát biểu trước Ủy ban Sức khỏe của Hạ viện, tiến sĩ Tam cho biết số ca nhiễm biến thể Omicron ở mức cao kỷ lục đang làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh và gây áp lực cho người lao động. Đó là lý do mà giới chức sở tại điều chỉnh khả năng chấp nhận rủi ro nhằm kết thúc sớm thời gian cách ly. Dù vậy, Cơ quan Y tế Công cộng Canada đang nỗ lực cập nhật dữ liệu về các giai đoạn lây nhiễm.

Tiến sĩ Theresa Tam nhấn mạnh hiện có rất ít thông tin, song các nghiên cứu mà cơ quan này thu thập được, bao gồm cả một nghiên cứu gần đây tại Nhật Bản, cho thấy khoảng thời gian lây nhiễm biến thể Omicron không ngắn hơn so với các biến thể khác, vì sự phát triển của virus và tải lượng virus không thực sự giảm cho đến ngày thứ 10 tính từ khi khởi phát triệu chứng bệnh hoặc từ khi lấy mẫu bệnh phẩm do được chẩn đoán mắc COVID-19.

Đáng chú ý, nghiên cứu sơ bộ của Nhật Bản chỉ ra rằng tải lượng virus của bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron đạt mức cao nhất trong vòng 3 đến 6 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng bệnh và biến mất trong khoảng 10 ngày. Điều này không khác so với các biến thể trước đây.

Theo tiến sĩ Tam, nghiên cứu sơ bộ của Nhật Bản cho kết quả tương tự với một đánh giá dữ liệu tại Anh được công bố vào đầu tháng này. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không thể điều chỉnh thời gian cách ly bằng các biện pháp phòng ngừa phù hợp. Việc giảm thời gian cách ly có thể tiềm ẩn rủi ro nhất định, do vậy khiến các lớp phòng vệ khác, như đeo khẩu trang và xét nghiệm sàng lọc, trở nên rất quan trọng.

Cách đây 3 tuần, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết dữ liệu về các giai đoạn lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cho thấy Omicron dễ lây nhiễm nhất trong khoảng 2 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng của bệnh và kéo dài 3 ngày sau đó.

Dữ liệu này tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách giảm thời gian cách ly từ 10 ngày xuống còn 5 ngày, nếu người dân tuân thủ đeo khẩu trang sau khi rời khỏi khu vực cách ly.

Trong khi đó, tại Canada, các tỉnh bang và vùng lãnh thổ có thẩm quyền tự quyết định các quy tắc cách ly riêng, ngoại trừ liên quan đến du khách quốc tế. Tuy nhiên, Cơ quan Y tế Công cộng Canada vẫn khuyến nghị bệnh nhân mắc COVID-19 nên cách ly ít nhất 10 ngày sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc kể từ thời điểm có dấu hiệu khởi phát bệnh.

Các tỉnh bang và vùng lãnh thổ của nước này đã ngừng áp dụng khuyến nghị đó với những người đã tiêm phòng đầy đủ hoặc đã được tiêm mũi tăng cường, đi đầu là tỉnh bang Ontario và Saskatchewan kể từ ngày 30/12.

Tỉnh Nova Scotia; đảo Prince Edward; tỉnh Newfoundland và Labrador; cũng như hai vùng lãnh thổ Yukon và Nunavut, đã giảm thời gian cách ly từ 10 ngày xuống còn 7 ngày. Trong khi đó, thời hạn cách ly tại các tỉnh khác và tại vùng lãnh thổ Tây Bắc rút ngắn xuống còn 5 ngày.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/270026/ky-luc-buon-ve-dich-covid-19-tai-nhieu-nuoc-tren-the-gioi.html